| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 08/06/2017 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 08/06/2017

Bí thư, chủ tịch tỉnh chưa nên là đối tượng cảnh vệ

Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh vệ hôm 6/6, có ý kiến đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng là đối tượng cảnh vệ.

16-20-57_dbqh_luu_binh_nhuong_ben_tre_cho_rng_nen_bo_sung_chnh_n_to_n_nhn_dn_toi_co_vo_doi_tuong_cnh_ve
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng nên bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ

Theo dự thảo Luật, công tác cảnh vệ được định nghĩa là thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đối tượng cảnh vệ.

Và có 18 đối tượng, nếu không kể đối tượng là những “khu vực trọng yếu”, “sự kiện đặc biệt quan trọng”, “khách quốc tế là người đứng đầu nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam”, thì những người được áp dụng chế độ cảnh vệ, bao gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; các nguyên: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội. Đó là những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của chế độ.

Việc đưa bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, là đối tượng cảnh vệ sẽ phù hợp. Vì chúng ta đã quy định rất rõ khái niệm tam quyền trong hiến pháp là lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì họ là những người lãnh đạo cao nhất của cơ quan tư pháp.

Nhưng nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mà không phải Bí thư trung ương Đảng, sẽ không là đối tượng cảnh vệ, thì không hợp lý. Nhất là các đối tượng này là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm soát hoạt động tố tụng tầm cao nhất của quốc gia, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao, tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này.

Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ. Và việc đưa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vào đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ không làm tăng biên chế cảnh vệ.

Từ sự việc nghiêm trọng tại Yên Bái khiến 2 lãnh đạo cao nhất của địa phương thiệt mạng, và tại Bắc Ninh, Chủ tịch tỉnh đã phải báo cáo Chính phủ về vấn đề an toàn, an ninh đối với lãnh đạo tỉnh, thì có ý kiến cho rằng bí thư, chủ tịch tỉnh các tỉnh cũng cần thiết phải đưa vào là đối tượng được cảnh vệ trong dự Luật Cảnh vệ. Vì tính chất nguy hiểm do các chức danh này phải đụng độ nhiều với “lợi ích nhóm” khi chống tham nhũng, tiêu cực…

Đề xuất này không hợp lý. Vì bí thư, chủ tịch tỉnh chỉ mới là những người giữ chức vụ, chức danh cao nhất ở địa phương mà thôi. Thêm nữa, nếu bí thư, chủ tịch tỉnh cũng là đối tượng cảnh vệ, thì việc này sẽ làm tăng ngân sách, biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ lên rất nhiều. Trong điều kiện ổn định về chính trị hiện nay của đất nước, thì chưa nên bổ sung các đối tượng này vào. Việc bảo vệ các đối tượng này đã được lực lượng cảnh sát bảo vệ hoặc các lực lượng chuyên trách khác đảm nhiệm. Và căn cứ vào yêu cầu chính trị, an ninh trong từng giai đoạn cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh hoặc bổ sung như trong khoản 6, điều 9 của Luật.

Bình luận mới nhất