| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Hà Tĩnh: Cả cán bộ và người dân phải thay đổi để phát triển nông nghiệp

Thứ Tư 20/04/2022 , 18:50 (GMT+7)

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định, lựa chọn Tập đoàn Quế Lâm là 'chọn mặt gửi vàng' để phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh bền vững.

         

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn công tác Hà Tĩnh khảo sát mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Anh Chiến. 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn công tác Hà Tĩnh khảo sát mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Anh Chiến. 

Chọn mặt gửi vàng để giải quyết những bài toán nan giải

Chỉ trong vòng một tháng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã dẫn hai đoàn công tác bao gồm hầu hết lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành, huyện thị đi khảo sát các mô hình nông nghiệp hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm tại các tỉnh Vĩnh Phúc và Thừa Thiên - Huế.

Như ông nói, ngoài “kỷ lục” thành phần tham gia đoàn thì mục tiêu, khát vọng được thể hiện rất rõ: Thay đổi để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển thực sự bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh có đời sống tốt hơn.

Chia sẻ định hướng chiến lược phát triển của Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định, cùng với công nghiệp, dịch vụ, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sinh thái và bền vững.

Với khu vực miền núi với diện tích gần 500.000 ha, vùng ven biển gần 45.000 ha, vùng đồng bằng hơn 56.000 ha… là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để Hà Tĩnh phát triển cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển trồng lúa và các loại hoa màu khác…

Tuy nhiên, người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh cũng nhìn nhận, mặc dù lợi thế, tiềm năng như thế, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp ở Hà Tĩnh có thể nói là chưa thực sự thỏa đáng. Dù các thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng quan tâm, trăn trở với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng làm gì để người nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp, làm thế nào để có những sản phẩm nông nghiệp tạo điều kiện giúp người nông dân phát triển bền vững ở Hà Tĩnh đang còn gặp những khó khăn. Thậm chí có những vấn đề của nông nghiệp Hà Tĩnh đang là những bài toán thực sự nan giải.

Theo ông Hoàng Trung Dũng (bên phải), mặc dù lợi thế, tiềm năng như thế, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp ở Hà Tĩnh có thể nói là chưa thực sự thỏa đáng. Ảnh: Anh Chiến. 

Theo ông Hoàng Trung Dũng (bên phải), mặc dù lợi thế, tiềm năng như thế, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp ở Hà Tĩnh có thể nói là chưa thực sự thỏa đáng. Ảnh: Anh Chiến. 

Ông Hoàng Trung Dũng ví dụ, chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 400.000 con, 221 trang trại… Vấn đề nan giải là gần như trang trại lợn nào người dân cũng phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Có những trang trại khi các đoàn đến kiểm tra đứng xa hàng cây số đã ngửi thấy mùi. Hay như vấn đề thực phẩm sạch để phục vụ người dân, vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp đầu vào… là những chuyện không chỉ riêng Hà Tĩnh mà còn là niềm khát khao, mong mỏi của hầu hết các địa phương khác.  

“Trước đây Hà Tĩnh đã từng làm rất nhiều sản phẩm rau củ quả tuy nhiên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm làm ra chỉ loanh quanh trong tỉnh mà không đi được các nơi khác dẫn đến tình trạng đầu tư rất nhiều nhưng cuối cùng trở về tay trắng”, Bí thư Hà Tĩnh nói.

Hợp tác với Quế Lâm sẽ giải nhiều bài toán của nông nghiệp Hà Tĩnh. Ảnh: Anh Chiến. 

Hợp tác với Quế Lâm sẽ giải nhiều bài toán của nông nghiệp Hà Tĩnh. Ảnh: Anh Chiến. 

Hà Tĩnh cũng là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của miền Trung với khoảng hơn 10.000 ha. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, mặc dù hiện tại diện tích cây ăn quả này của Hà Tĩnh đang phát triển tốt nhưng nếu nhìn góc độ khai thác bằng phân bón vô cơ thì không thể bền vững được.

Mặt khác, vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trước đây Hà Tĩnh từng thực hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất nhưng thực tế vấn đề tiêu thụ nông sản còn gặp những khó khăn.

Sau khi tìm hiểu và khảo sát các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm, cả Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng như các lãnh đạo của địa phương đều thống nhất quan điểm, những “bài toán” của nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ có lời giải nếu hợp tác với Quế Lâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

“So sánh đơn giản nhất là thời điểm này, trong khi Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương khác đang gồng mình chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì tại Tổ hợp 4F cũng như các mô hình chăn nuôi liên kết của Quế Lâm đều an toàn. Lần đầu tiên tôi đi vào các khu chuồng trại mà không phải mang các thiết bị bảo hộ. Điều đó cho thấy quy trình chăn nuôi của Quế Lâm thực sự khoa học và an toàn sinh học”, Bí thư Hà Tĩnh phân tích.

Quy trình chăn nuôi, trồng trọt của Quế Lâm thực sự khoa học. Ảnh: Anh Chiến. 

Quy trình chăn nuôi, trồng trọt của Quế Lâm thực sự khoa học. Ảnh: Anh Chiến. 

Sau những khảo sát thực tiễn, làm việc với Tập đoàn Quế Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mong muốn tập đoàn xây dựng phương án và tổ chức sản xuất liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Hà Tĩnh.

Tổ chức liên kết sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với những sản phẩm của Hà Tĩnh theo hình thức liên kết, hợp tác từ khâu cung cấp giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, thu mua, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Cung ứng vật tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ như phân bón, chế phẩm sinh học, đặc biệt là nghiên cứu đầu tư xây dựng dựng nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của người dân.

Hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp cung ứng, bán các loại phân bón, vật tư với hình thức liên kết. Đầu tư xây dựng, hình thành các chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; kết nối với hệ thống các hệ thống cửa hàng nông sản, siêu thị nông sản của Tập đoàn Quế Lâm...

“Quan điểm của Hà Tĩnh là phải làm và phải có kết quả. Hà Tĩnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất và luôn đồng hành với Tập đoàn Quế Lâm trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập và triển khai thực hiện các dự án.

Việc tiếp cận với Tập đoàn Quế Lâm để tiến tới hợp tác đầu tư là “chọn mặt gửi vàng” không chỉ vì sự ngưỡng mộ với triết lý làm nông nghiệp hữu cơ Quế Lâm theo đuổi mà còn vì những mô hình hợp tác liên kết Quế Lâm thực hiện ở nhiều địa phương khác đã mang lại hiệu quả, lợi ích rất tốt cho người nông dân. UBND tỉnh và các cơ quan trong tỉnh thống nhất kế hoạch tổ chức ký hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm vào tháng 5/2022”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Cả cán bộ và người dân đều phải thay đổi

Thực tế, trước khi Hà Tĩnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thay đổi và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, từ nhiều năm trước Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hữu cơ tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, trồng cam hữu cơ tại huyện Hương Khê, nuôi lợn hữu cơ tại huyện Can Lộc, mới đây nhất là các mô hình ở huyện miền núi Vũ Quang…

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thay đổi và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện. Ảnh: Chiến Anh.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thay đổi và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện. Ảnh: Chiến Anh.

Mặc dù quy mô chưa rộng rãi nhưng ngày càng có nhiều nông dân Hà Tĩnh tham quan, học tập và mong mỏi liên kết với Quế Lâm. Đó thực sự là những tín hiệu tích cực, thể hiện rõ thực tế nếu người nông dân, cán bộ cơ sở thay đổi tư duy, có khát vọng thì nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không phải là điều gì đó quá khó.

Tại huyện Hương Khê, thông qua hợp tác giữa Tập đoàn Quế Lâm và Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, mô hình trồng cam hữu cơ Khe Mây cho kết quả: Cam sử dụng phân hữu cơ Quế Lâm có quả to, đẹp, đồng đều và ngọt hơn so với cách thức sản xuất truyền thống, năng suất đạt 50 - 70 kg quả/cây, tăng 20% so với trước khi thực hiện mô hình. Nhờ cam kết Tập đoàn Quế Lâm thu mua 100% sản phẩm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của 60 cây cam này là gần 50 triệu đồng.

Còn ở Vũ Quang, khát vọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện là xây dựng Vũ Quang theo hướng “Nông nghiệp an toàn, nông dân thông thái, nông thôn yên bình” đã được những lãnh đạo huyện miền núi này cụ thể hóa bằng việc tìm hiểu và hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm.

Bà Nguyễn Thị Hà Tân, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang khẳng định: Hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để phát triển nông nghiệp, khát vọng của Vũ Quang là xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Đó là quyết tâm của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Thay đổi tư duy người nông dân và cả cán bộ quản lý để phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Anh Chiến.

Thay đổi tư duy người nông dân và cả cán bộ quản lý để phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Anh Chiến.

Từ quyết tâm của những người đứng đầu và nhận thức thay đổi của người nông dân, chỉ sau một thời gian ngắn, cả ba mô hình hợp tác liên kết với Tập đoàn Quế Lâm là trồng lúa hữu cơ, trồng cam hữu cơ và chăn nuôi lợn hữu cơ đều phát triển rất tốt, khác biệt hoàn toàn so với canh tác thông thường.

“Hiệu quả rõ rệt của các mô hình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm đã được chứng minh, ở Vũ Quang bây giờ rất nhiều hộ nông dân đã thay đổi tư duy, nhận thức và mong muốn hợp tác để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Với lợi thế về nông nghiệp như chăn nuôi lợn, diện tích trồng cây ăn quả và nghề nuôi ong, con đường Vũ Quang lựa chọn chắc chắn là nông nghiệp tuần hoàn, đó cũng là con đường vì lợi ích người nông dân”, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng chia sẻ.

Tương tự, ở Can Lộc, Cẩm Xuyên, những thay đổi từ cơ quan quản lý, người nông dân cùng với sự hỗ trợ đồng hành của Tập đoàn Quế Lâm đang xây dựng nên một cộng đồng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ngày một rộng khắp.

Mô hình trồng lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Anh Chiến.

Mô hình trồng lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Anh Chiến.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là xu thế phát triển nông nghiệp của đất nước mà điều thể hiện rõ nét nhất là sinh kế, lợi ích của người nông dân.

“Hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, Hà Tĩnh sẽ xây dựng các mô hình gắn với những sản phẩm lợi thế, xây dựng các nhà máy cung ứng vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hệ thống cửa hàng bán sản phẩm, lồng vào các chương trình OCOP để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Hà Tĩnh ngày càng rộng rãi hơn”.

Giá trị cốt lõi là lợi ích người nông dân

Sẵn sàng đầu tư và đồng hành với Hà Tĩnh làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: Quế Lâm và Hà Tĩnh gặp nhau ở triết lý phát triển và giá trị cốt lõi là vì lợi ích người nông dân.

Với hơn 20 năm kiên định con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, muốn làm gì thì làm nhưng hiệu quả kinh tế, sức khỏe của người nông dân là vấn đề tiên quyết và cốt lõi.

Ông Nguyễn Hồng Lam: Hiệu quả kinh tế, sức khỏe người nông dân là vấn đề cốt lõi. Ảnh: Anh Chiến.

Ông Nguyễn Hồng Lam: Hiệu quả kinh tế, sức khỏe người nông dân là vấn đề cốt lõi. Ảnh: Anh Chiến.

“Liên kết với người nông dân chúng tôi luôn xác định đồng hành, bồi dưỡng cho họ 3 kiến thức quan trọng: Thị trường, hiệu quả kinh tế các mô hình và an toàn trước dịch bệnh. Từ đó, người nông dân họ sẽ chủ động, trách nhiệm thay vì trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tất cả những hộ nông dân liên kết với Quế Lâm đều được trang bị những kiến thức quan trọng như thế và họ đã tự thay đổi số phận của mình”, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ.

Theo ông Lam, để làm nông nghiệp hữu cơ tại Hà Tĩnh, trước tiên phải thay đổi nhận thức, phổ biến, tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ và từ đó triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cho người dân biết về kỹ thuật, thị trường và về kinh tế nông nghiệp để xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả cao. Phát huy cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc cùng các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân về lợi ích của phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng nông sản hữu cơ.

Tập đoàn Quế Lâm kiến nghị Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan, các địa phương phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng các mô hình và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trọng điểm; ứng dụng và nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ cuối mỗi vụ bằng công nghệ vi sinh không gây ảnh hưởng môi trường. Sớm bố trí quỹ đất nhằm xây dựng khu phát triển trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh thái 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer, tức trang trại - thành phẩm - thức ăn chăn nuôi - phân bón hữu cơ); phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực...

Tập đoàn Quế Lâm sẵn sàng đồng hành để đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh trung tâm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Anh Chiến. 

Tập đoàn Quế Lâm sẵn sàng đồng hành để đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh trung tâm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Anh Chiến. 

"Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với lòng tin là yếu tố tiên quyết, Tập đoàn Quế Lâm sẵn sàng đồng hành để đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh trung tâm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam.  

Xem thêm
Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng

Sơn La Ngày 19/11, Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng được khai trương tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kết nối giao thương Việt Nam và Lào.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hậu Giang: Thi công cao tốc gây gián đoạn nguồn nước sản xuất nông nghiệp

UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ liên quan đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tránh người dân khiếu kiện tập trung, ảnh hưởng dự án.