| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 09/07/2018 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 09/07/2018

Bí thư huyện bị quát và chuyện công chức hách dịch, coi thường dân

Việc bí thư huyện ủy cải trang, trực tiếp đi xe máy xuống cơ sở kiểm tra công vụ một cách bất ngờ của ông Nguyễn Hữu Quế rất đáng hoan nghênh...

Báo chí dẫn lời ông Nguyễn Hữu Quế, Bí thư Huyện ủy Ia Grai (Gia Lai) rằng, hôm 19/6, ông mặc áo quần bình dân, gửi xe ngoài cổng UBND xã Ia Pếch rồi đi vào “phòng một cửa”. Thấy một nhân viên gác chân lên bàn, ngửa người ra sau ngủ, ông Quế hỏi nhân viên bên cạnh, sao giờ làm việc lại ngủ như vậy? Đến lúc đó, Nguyễn Cảnh Thắng, nhân viên địa chính - xây dựng xã tỉnh giấc trừng mắt quát “Có việc gì?”. 

Ông Nguyễn Hữu Quế (phải) chia sẻ về sự việc. (Ảnh: Người lao động)

Nghe thấy khó chịu, ông Quế nói, giờ nhà nước, cán bộ thì phải làm việc nghiêm túc, ăn nói lịch sự. Nếu không có việc thì ngủ chỗ khác. Nếu mệt, khi có người dân tới thì giải thích, xin lỗi mong người ta thông cảm. Ông Thắng lại trợn mắt, hất mặt lên hỏi tiếp, có việc gì?

“Cán bộ mà có thái độ như vậy là không thể chấp nhận được. Những cán bộ như thế, nếu không xử lý nghiêm sẽ làm xấu hình ảnh cán bộ trong mắt người dân”, ông Quế bình luận.

Việc bí thư huyện ủy cải trang, trực tiếp đi xe máy xuống cơ sở kiểm tra công vụ một cách bất ngờ của ông Nguyễn Hữu Quế rất đáng hoan nghênh. Nó khác với những cuộc kiểm tra lâu nay nhiều cấp, nhiều ngành vẫn làm rầm rộ.

Cách mà người ta vẫn thường làm đó là kiểm tra định kỳ có kế hoạch và có xe công đưa, đón. Cấp trên đánh công văn gửi xuống cơ sở, thông báo nội dung kiểm tra, thành phần, chức danh của đoàn, thời gian và địa điểm kiểm tra. Có khi, xong việc còn ăn uống linh đình, quà cáp mang về. Để rồi, sau mỗi cuộc kiểm tra, các cơ quan đơn vị đều được đánh giá là công sở văn hóa, nề nếp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cách đây không lâu, ngay giữa Hà Nội, tại phường Văn Miếu, trung tâm văn hóa của Thủ đô xảy ra việc một nhân viên tư pháp từ chối tiếp nhận và xử lý cấp giấy chứng tử cho người dân. Người dân này đã cầu cạnh van xin rằng nếu không có giấy chứng tử thì gia đình sẽ không làm thủ tục hỏa táng người quá cố được. Thế nhưng vẫn không được giải quyết. Việc làm vô trách nhiệm với thái độ hành dân của công bộc tại đây tất nhiên bị dư luận lên án gay gắt.

Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), nơi có số dân cư mới về ở khu bán đảo Linh Đàm rất lớn nên việc giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày ở đây khá nhiều. Nắm bắt được nhu cầu thực tế đó, một số công chức tìm cách gây khó dễ với nhân dân.

Bằng chứng là việc người dân hoàn thiện các thủ tục như đăng ký làm hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng… gặp trở ngại. Không ít người dân đã khóc, uất nghẹn trước thái độ cư xử của cán bộ tiếp, xử lý hồ sơ. Có hộ dân đã phải đi lại đến 11 lần mới giải quyết xong thủ tục cấp hộ khẩu.

Có một điểm chung trong những lần nói trên khi tiếp xúc với cán bộ là người dân luôn bị đối xử thiếu tôn trọng, bị coi khinh và bị quát. Vì thế, trường hợp cán bộ địa chính của một xã ở Gia Lai quát ông Bí thư Huyện ủy không phải là ngoại lệ.

Trong khi cán bộ, công chức nhiều nơi đang có biểu hiện vô cảm, coi khinh nhân dân thì rất cần những ông bí thư, chủ tịch mẫn cán, có trách nhiệm, sâu sát với cơ sở để nắm bắt tình hình, chấn chỉnh kịp thời các hành vi coi khinh nhân dân như những trường hợp trên đây.

Chỉ khi kỷ cương phép nước được đề cao, công bộc phục vụ tận tình, chu đáo thì lúc đó nhân dân mới thực sự được làm chủ đúng nghĩa và bí thư, chủ tịch cũng không phải mất công “giả đóng dân” đi vi hành nữa.