| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Huyện ủy trên rẻo cao

Thứ Sáu 29/01/2021 , 08:54 (GMT+7)

Từ sĩ quan quân đội, khi trở thành Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An), ông trăn trở 'vì sao huyện cứ nghèo mãi'; 'làm sao để bứt phá, vượt lên'.

 Ông Vi Hòe trò chuyện với dân bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn.

 Ông Vi Hòe trò chuyện với dân bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn.

Nỗi day trở không dễ nguôi, nhất là khi ông đối diện những lá đơn của chính cán bộ huyện gửi về Tỉnh ủy…

Ông là đại tá Vi Hòe, người dân tộc Thái, nguyên Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Kỳ Sơn. Năm 2014 ông làm Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn.

Những lá đơn gây “sốc”

Ngay năm đầu nhận chức, ông khao khát tìm được hướng phát triển cho huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Ông bảo, ai cũng biết Kỳ Sơn thuộc huyện 30A, một trong 63 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước; một trong ba huyện nghèo nhất Nghệ An. Tăng trưởng chậm. Hạ tầng thì cơn mơ về “đường - đường và đường” vẫn chưa thành hiện thực. Đời sống của hơn tám vạn người dân Mông, Khơ-mú, Thái và Kinh thuộc 21 xã, thị trấn đang nhiều khó khăn.

Ông Vi Hòe và đoàn công tác trên đường tới xã 'cổng trời' Mường Lống. Từ phải sang: Bà Pany Yathotou- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào; ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Vi Hòe và cận vệ của bà Pa Ni.

Ông Vi Hòe và đoàn công tác trên đường tới xã “cổng trời” Mường Lống. Từ phải sang: Bà Pany Yathotou- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào; ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Vi Hòe và cận vệ của bà Pa Ni.

Trăn trở đó giúp ông nhìn thấu lực cản kìm hãm sự phát triển của huyện. Và đây, cái nhìn trực diện của ông: Cán bộ huyện và xã thiếu và yếu. 

Trọn một năm “cầm trịch” là thời điểm ông cho rằng “nên phải hành động ngay trong phiên họp duyệt Đại hội huyện Đảng bộ, nhiệm kì 2015-2020”.

Hành động đầu tiên là giải pháp luân chuyển để tăng cường cán bộ. Nhưng gay go lúc ấy (năm 2015) mới có một vài huyện trong tỉnh khởi động việc luân chuyển như Kỳ Sơn. Ông nghĩ, “Kỳ Sơn đột phá càng sớm thì càng hay cho cả huyện và tỉnh”. 

Khi chuẩn bị thực hiện luân chuyển, ông Bí thư chợt nghe xôn xao về một số cán bộ “không thoải mái tư tưởng”. Đúng lúc, Tỉnh ủy có công văn mời ông xuống làm việc. Trên 300 cây số từ nhiệm sở xuống Tỉnh ủy, ông Bí thư huyện cứ băn khoăn mãi.

Tại Văn phòng Tỉnh ủy, ông nghe câu hỏi của Bí thư tỉnh: “Khi điều động luân chuyển, tăng cường cán bộ, đồng chí đã nghiên cứu kĩ chưa, có để xảy ra sơ suất gì không?”. Ông Vi Hòe nghĩ ngay tới những phản ứng của một vài cán bộ đã râm ran ở huyện.

Đại loại, “đồng chí Bí thư Huyện ủy do không thích người này, người nọ; do không phải ê kíp của Bí thư nên đưa chúng tôi về cơ sở; kiến nghị Bí thư tỉnh xem xét lại cách làm việc của Bí thư Huyện ủy trong lĩnh vực luân chuyển cán bộ”.

Ông tự tin trả lời: “Tập thể lãnh đạo huyện tăng cường cán bộ về xã là vì đồng bào, vì cán bộ miền núi. Nếu không tăng cường thì cán bộ không trưởng thành nhanh được. Trong không khí khá trầm lắng, Vi Hòe nói tiếp: “Các đồng chí cứ yên tâm. Tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo huyện cố gắng làm tốt cho vùng rẻo cao, biên giới Kỳ Sơn. Cán bộ của Kỳ Sơn nhất định sẽ đổi mới”. 

Xã Hữu Kiệm hôm nay.

Xã Hữu Kiệm hôm nay.

Sáu tháng đầu năm 2015, huyện sơ kết công tác của nhóm 9 cán bộ tăng cường. Kết quả, 9 xã đều có những chuyển biến tích cực. Hai xã Phà Đánh, Mường Lống công tác cán bộ đã tốt lên. Xã Bảo Nam cán bộ từ trì trệ nay trở thành người làm gương, gây dựng thành công nhiều phong trào hữu ích ở địa phương.

Đặc biệt, Hữu Kiệm đang trên đà đẩy mạnh tiến độ xây dựng xã NTM. Ông Vi Hòe nói: “Khi chín vị đi tăng cường, chỉ có ba vị là Ủy viên BCH Huyện ủy.

Sau 5 năm, sáu vị còn lại đều trở thành Huyện ủy viên. Riêng Phó bí thư, chủ tịch xã Mường Ải là Lữ Quang Hưng trở thành Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đồng chí Thò Bá Rê từ Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn, hiện đang được làm quy trình bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách mảng nông nghiệp”.

Xã nông thôn mới đầu tiên ở rẻo cao

Năm 2015, ông Nguyễn Hữu Lượng, Phó Văn phòng HĐND và UBND huyện Kỳ Sơn là một trong chín cán bộ luân chuyển để tăng cường về xã Hữu Kiệm. Trong đại hội đảng bộ xã hồi tháng 4/2020, ông được bầu làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã - một mô hình mới ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Sau 5 năm tăng cường, tháng 9/2020, ông Lượng trở thành Huyện ủy viên.

Ông Nguyễn Hữu Lượng (trái), Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hữu Kiệm và bà Lương Thị Xai đang nói chuyện chăm nuôi bò.

Ông Nguyễn Hữu Lượng (trái), Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hữu Kiệm và bà Lương Thị Xai đang nói chuyện chăm nuôi bò.

“Khi được giao nhiệm vụ, tôi hơi bị choáng. Choáng rồi trăn trở, lượng sức bởi mình vốn là dân văn phòng, làm việc với công chức, viên chức; chuyên tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo huyện. Giờ về trực tiếp với dân mà lại xây dựng xã làm NTM thì từ tư duy đến công việc phải hết sức cụ thể”, ông Lượng nói.

Cái khó đầu tiên là nhận thức của dân bản Khơ Mú, Thái. Họ còn rất mơ hồ về xã NTM. Họ nghe nói việc xây dựng xã NTM nhưng cứ nghĩ đây là một chương trình đầu tư, được cấp ngân sách chứ chưa hiểu xã NTM là một chuỗi hoạt động tổng thể, lồng ghép do người dân trong xã phải nỗ lực mới làm được. Ông Lượng phải mất nửa năm giải thích, truyên truyền, vận động.

“Làm NTM, đòi hỏi phải xuất phát từ cách nghĩ, cách làm của người dân. Bà con phải hiểu về NTM, được bàn bạc và cùng làm”, ông Lượng nêu kinh nghiệm đầu tiên.

Theo cách này, ông Lượng cùng lãnh đạo xã nêu 19 tiêu chí quy định về xã NTM, đối chiếu với thực tế của xã. Ông kể: “Cái khó nhất mà Hữu Kiệm phải làm được là làm sao vực dậy một cách bền vững đối với hộ nghèo. Họ không nghèo đơn thuần về cái ăn mà nghèo đa chiều. Nghèo về thu nhập kinh tế, nghèo về hưởng thụ văn hóa…

Tập trung vào “mũi” này, ông Lượng thấy một số bà con ở bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2, Huồi Thợ và bản Bà dư lao động nhưng không muốn đi làm. Muốn biến sức lao động này trở nên có ích, ông Lượng huy động cán bộ vào vận động thanh niên đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc. Tiếp đó, đưa một số đơn vị tuyển dụng lao động xuất khẩu để tận dụng phần lớn lao động dôi thừa ở các bản nghèo.

Một hướng khác để giúp dân bản thoát nghèo là vực dậy nghề làm ăn chính của dân bản bằng cách giúp đầu tư con giống.

Ông Lượng phân tích: “Dân bản ở đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi bò. Khổ nỗi, người nghèo có nhân lực nhưng không có tiền mua bò. Chúng tôi báo cáo lãnh đạo huyện giúp đầu tư cho 22 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Huyện kêu gọi xã hội hóa từ một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tặng 22 con bò cho 22 hộ khó khăn. Tặng xong, bản Bà đề xuất “còn một bà cụ nghèo là Lương Thị Xai, chồng mất, năm nay đã 79 tuổi muốn có một con bò nuôi để tự trang trải đời sống”.

Biết tin này, ông Bí thư Huyện ủy trích tiền lương, xuống bản Bà tặng bà Xai 10 triệu đồng để mua một con bò cái. Hôm chúng tôi vào bản Bà, bà Xai khoe: “Con bò của Bí thư huyện tặng nay sắp đẻ rồi. Hôm nào dẫn bò đi ăn ngoài rừng về tui cũng cho nó ăn một ít muối, một ít cơm và một vắt xôi thì nó mới khỏe, mau sinh sản thì tui mới hết nghèo đấy”.

Ông Lượng cho rằng, giải quyết được “kế sinh nhai” để xóa nghèo cho dân khiến mình tự tin hơn khi quản lí dự án xây dựng đường liên thôn từ xã về các bản và hầu hết các trục giao thông nội đồng vào Na Chảo, khe Nhinh, bản Hòm. Dự án lớn hơn nữa là tuyến đường bê tông huyết mạch của xã từ bản Bà vào hai bản xa nhất xã là Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, vốn đầu tư 20 tỉ đồng từ nguồn kinh phí của TW đối với xã 30A và huyện hỗ trợ.

“Đường - đường - và đường là ba ước mơ lâu đời không chỉ của bà con Hữu Kiệm mới có được xã NTM như hôm nay”, ông Lượng vui nói.

Một góc xã NTM Hữu Kiệm.

Một góc xã NTM Hữu Kiệm.

Kỳ Sơn “xóa trắng” xã NTM cho Nghệ An

Xã NTM Hữu Kiệm là mô hình đầu tiên của vùng rẻo cao, biên giới. Kỳ Sơn là huyện cuối cùng của Nghệ An có xã NTM. Xã NTM của Kỳ Sơn là xã thứ 17 của 6 huyện biên giới, nâng tổng số xã NTM của Nghệ An lên 246/411 xã (chiếm 60%), giúp xóa “trắng” xã NTM cho Nghệ An. Đây là mô hình của một huyện nghèo nhất tỉnh, nhất nước, rất đáng nhân rộng”.

(Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm