| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo làm rõ vụ 'Lấy nước sông ô nhiễm bán cho dân'

Thứ Hai 29/07/2019 , 08:46 (GMT+7)

Liên quan tới hoạt động cấp nước vốn gây ra nhiều lùm xùm trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo tình hình và nêu phương án xử lý.

Không thể chậm trễ

Ngày 25/7/2019, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn hỏa tốc số 5169/UBND-CN về việc “báo cáo tình hình, phương án xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động cấp nước trên địa bàn thành phố Vinh” gửi đến Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài chính.

11-28-56_1
Cty cấp nước Nghệ An không lấy nước thô từ sông Lam như cam kết.

Sau khi thống nhất các nội dung liên quan, 1 ngày sau đó Sở Xây dựng đã có văn bản số 2291/SXD-HTKT báo cáo tình hình chung.

Sở này nêu: Nước sạch tại khu vực TP Vinh và các vùng phụ cận do Cty CP cấp nước Nghệ An sản xuất và cung ứng, thông qua 2 nhà máy sản xuất nước sạch Hưng Vĩnh (vị trí tại phường Cửa Nam, TP Vinh, công suất 60.000m3/ngày đêm) và Cầu Bạch (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, công suất 20.000 m3/ngày đêm).

Trước khi có dự án cung cấp nước thô của Cty TNHH MTV cấp nước Sông Lam thì cả 2 nhà máy nói trên đều sử dụng nguồn nước thô từ sông Đào (Nhà máy nước Cầu Bạch lấy nước ở trạm bơm Cầu Bạch, nhà máy nước Hưng Vĩnh lấy nước từ trạm bơm Cầu Đước).

11-28-56_2
Việc lấy nguồn đầu vào từ sông Đào khiến người tiêu dùng thực sự bất an.

Giá nước sạch hàng năm do Cty CP cấp nước Nghệ An lập, Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt ban hành, trong đó chi phí nước thô được cơ cấu trong giá nước sạch là 900 đồng/m3.
 

Cạnh tranh không lành mạnh

Qua tìm hiểu, từ ngày 15/12/2015 dự án cung cấp nước thô 200.000m3/ngày đêm của Cty TNHH MTV cấp nước Sông Lam hoàn thành và chính thức cấp nước thô toàn bộ cho các nhà máy của Cty CP cấp nước Nghệ An. Việc này thực hiện dựa trên các cơ sở pháp lý sau: Biên bản ghi nhớ giữa 2 công ty về nội dung đầu tư ký ngày 9/9/2014; thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô giữa UBND tỉnh Nghệ An và Cty cấp nước Sông Lam ngày 28/1/2015; hợp đồng mua bán nước thô giữa số 04/2015/HĐ-MBNT giữa 2 Cty cấp nước Sông Lam và Cty cấp nước Nghệ An...

Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tưởng như “mối lương duyên” đôi bên sẽ ngày càng bền chặt. Nào ngờ mọi thứ rẽ theo chiều hướng hoàn toàn khác, khi quyền lợi của doanh nghiệp (DN) không được đảm bảo thì đông đảo người tiêu dùng bị vạ lây theo.

Nguyên do bắt nguồn từ thông báo số 207/UBND-CN của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó có nội dung: “Kể từ ngày 2/1/2019 các nội dung ký kết tại Thỏa thuận dịch vụ cấp nước thô ngày 28/1/2015 giữa UBND tỉnh và Cty cấp nước Sông Lam không còn hiệu lực thi hành”.

Vin vào đấy, phía Cty CP cấp nước Nghệ An khẳng định Hợp đồng mua bán số 04/2015 giữa họ và đối tác ký kết trước đó cũng không còn giá trị pháp lý. Ngoài ra, đơn vị này cũng cho rằng mức giá nước thô 1.950 đồng/m3 (UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/2018) là quá cao.

11-28-56_3
Đồng thời đẩy đối tác là Cty TNHH MTV cấp nước Sông Lam vào tình cảnh khốn đốn.

Với lập luận trên, từ ngày 7/7/2019 phía Cty cấp nước Nghệ An rất hạn chế sử dụng nguồn nước sông Lam tại nhà máy nước Hưng Vĩnh (không bơm nước từ 0h đến 6h sáng), đồng thời không tiếp nhận 100% nước sông Lam từ 0h từ ngày 27/4 tại nhà máy nước Cầu Bạch. Thay vào đó đơn vị này ngang nhiên lấy nước sông Đào thay thế, nguyên nhân được đưa ra là “nguồn nước đầu vào của đối tác không đảm bảo”.

Cần biết, Dự án hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh của Cty cấp nước Sông Lam (thuộc Cty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc) có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, bao gồm trạm bơm nước quy mô hơn 3.000m2 cùng hệ thống tuyến ống cấp nước hiện đại bậc nhất, dài hơn 13.000m đi qua 5 xã và thị trấn Nam Đàn. Dự án có công suất thiết kế 200.000m3/ngày đêm, cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Bạch và Nhà máy nước Hưng Vĩnh.

Đây là dự án theo dạng “thu hút”, do đó nhận được nhiều kỳ vọng lớn lao về việc tháo gỡ nút thắt xung quanh những vấn đề liên quan đến chất lượng đầu vào bấy lâu. Tuy nhiên động thái “đem con bỏ chợ” của tỉnh Nghệ An khiến DN lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, đi kèm với đó là niềm tin hao mòn về một môi trường đầu tư thiếu lành mành, thiếu sự cạnh tranh công bằng.

Trở lại vụ việc, trên cơ sở báo cáo, đánh giá của các đơn vị chuyên ngành, Sở Xây dựng kết luận: Cty cấp nước Nghệ An sử dụng nước thô Sông Đào để sản xuất, cung ứng nước sạch nhưng áp dụng mức giá nước sạch tại Quyết định 41/2018/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Nghệ An để thu của người dân là không phù hợp”.

Từ cơ sở trên, đơn vị này kiến nghị: “Giá nước sạch của nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch đã bao gồm chi phí giá nước thô lấy từ sông Lam. Vì vậy yêu cầu Cty CP cấp nước Nghệ An ngừng sử dụng nguồn nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sạch tại nhà máy nước Hưng Vĩnh. Yêu cầu Cty TNHH MTV cấp nước Sông Lam phải có giải pháp cải tạo phương án cấp nước phù hợp với yêu cầu công nghệ của Nhà máy nước Cầu Bạch (trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất nước phải thông qua hồ sơ lắng).

Người dân gánh chịu

Xung quanh vấn đề này, dư luận và người dân trực tiếp sử dụng khẳng định nguồn nước thô tại sông Đào, đoạn qua xã Nam Giang (Nam Đàn) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc Cty cấp nước Nghệ An vẫn sử dụng để sản xuất nước sạch là không đảm bảo tiêu chuẩn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng.

Cùng với đó, mức giá nước thô 1.950 đồng/m3 áp dụng tại TP Vinh và các vùng phụ cận là quá cao và không có cơ sở, vượt khung so với mặt bằng chung.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất