| Hotline: 0983.970.780

Bị 'tra tấn' cả ngày bởi các hộ nuôi chim yến

Thứ Năm 12/01/2017 , 09:08 (GMT+7)

Những năm qua, phong trào nuôi yến trong nhà bùng phát mạnh tại Bình Định. Ngoài những nhà yến riêng biệt, nhà ở trong khu dân cư cũng được cơi tầng để nuôi yến.

 Tiếng kêu dẫn dụ yến như xoáy vào tai những người sống gần nhà nuôi yến. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Bình Định đang đề ra biện pháp siết chặt quản lý.

Bị "tra tấn" cả ngày

Xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) có lẽ là địa phương phát triển mạnh nhất nghề nuôi yến trong nhà. Ở đây không hiếm người đầu tư cả tỷ đồng để xây nhà yến cao tầng, hoặc cơ nới ngôi nhà đang ở lấy tầng thượng để nuôi chim yến.

10-15-43_1
Nuôi yến trong khu dân cư
 

Đi dọc tỉnh lộ 639 đoạn qua các thôn Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2, Tân Thành 2 (xã Tam Quan Bắc), chúng tôi đếm có không dưới 50 nhà yến chuyên dụng. Điều đáng nói nhà nuôi yến được xây dựng xen lẫn trong khu dân cư. Việc lắp đặt hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân đang sống cạnh các nhà yến. Chưa kể mùi hôi từ phân chim yến thải ra khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm.

Một người dân ở thôn Tân Thành 2, ca thán: “Ở gần nhà yến, tất cả các thành viên trong gia đình tôi không bao ngủ được tròn giấc, nhất là trẻ nhỏ, tiếng dẫn dụ chim yến phát ra cả ngày lẫn đêm như bị tra tấn”.

Tại khu dân cư Đông Điện Biên Phủ và Chợ Dinh (TP Quy Nhơn) cũng đang tồn tại hàng chục nhà nuôi yến theo kiểu “chung sống với yến” theo kiểu: Yến nuôi tầng trên, người ở tầng dưới. Tất cả các ngôi nhà này đều được xây 2 - 3 tầng, tường xây kín có chừa lỗ để chim yến bay ra bay vào. 

10-15-43_2
Yến ở trên, người ở dưới

 

“Nghe nhân dân phản ánh nhiều rồi, nhưng UBND phường không đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý những trường hợp này. Phường cũng mong các cấp, ngành liên quan sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi yến để chúng tôi làm cơ sở thực hiện”, ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình, nói.
 

Siết chặt quản lý

Trước thực trạng trên, ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, bày tỏ: “Cho đến nay, ngành chức năng của thành phố chưa thống kê được có bao nhiêu hộ nuôi yến trên địa bàn, cũng chưa cấp phép cho bất kỳ cơ sở nuôi yến nào. Việc quản lý các hộ nuôi yến chỉ căn cứ vào Thông tư số 35/2013/TT-BNN-PTNT (ngày 22/7/2013) quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến, nhưng còn rất chung chung; trong khi các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện thì từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp và UBND tỉnh chưa ban hành. Do đó việc quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi yến ở địa phương gặp không ít khó khăn”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Vinh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, cơ quan quản lý xây dựng hiện khó có thể xử phạt hành vi tự hoán cải nhà ở để nuôi yến của các hộ. Bởi lẽ, trước khi nuôi yến, các hộ đều làm giấy phép xin xây dựng công trình nhà ở và xây đúng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng được cấp; sau đó mới tiến hành hoán cải, tận dụng một phần bên trong ngôi nhà để nuôi yến. 

Làm việc với ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Bình Định, chúng tôi được biết, Thông tư số 35 đang được Bộ NN-PTNT sửa đổi, bổ sung; nhưng do phong trào nuôi yến tại Bình Định phát triển nhanh đến “chóng mặt”, nên Sở NN-PTNT tỉnh này đã tổng hợp ý kiến các sở ngành liên quan và dựa trên Thông tư 35 để xây dựng quy chế báo cáo trình UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

“Việc mở âm thanh dẫn dụ chim yến sẽ được khống chế từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối và âm dẫn dụ không quá 70 đề-xi-ben. Những hộ đã nuôi phải đăng ký với Phòng NN-PTNT và Phòng Kinh tế các huyện, thành phố. Những hộ muốn nuôi mới phải xin phép với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, nếu kiểm tra thấy đủ điều kiện mới cho phép xây mới nhà yến. Kể từ nay, các ngành xây dựng, môi trường cũng có trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh việc nuôi yến”, ông Diệp cho biết.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.