| Hotline: 0983.970.780

Bị 'treo' lương, đời sống 3.700 công nhân thủy nông đã cùng cực lắm rồi!

Thứ Sáu 17/03/2017 , 09:40 (GMT+7)

Chưa bao giờ số phận của hơn 3.700 cán bộ, công nhân viên và người lao động của các Cty thủy nông trên địa bàn thủ đô Hà Nội lại khốn đốn như thế. Thậm chí, một số giám đốc các công ty phải đau xót thừa nhận rằng: “Đời sống của anh em đã cùng cực rồi! Họ chán chường và tuyệt vọng”.

Bị “treo” lương trường kỳ

Những ấm ức của gần 800 cán bộ, công nhân viên và người lao động Cty Đầu tư – Phát triển Thủy lợi Sông Tích đã nhen nhóm từ đầu năm 2016, khi họ không được trả đủ lương định kỳ hàng tháng (chỉ được tạm ứng lương với số tiền ít ỏi).

15-14-40_img_2680
Công nhân thủy nông thuộc Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ mòn mỏi chờ được chi trả lương để ổn định cuộc sống.
 

Sự ấm ức ấy bùng lên thành nỗi bức xúc và hoang mang khi bước sang 11/2016 - mọi chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội của người lao động trong công ty không được chi trả một đồng một cắc, họ cũng không được tạm ứng. Những người đương chức đã khổ, những người đến tuổi về hưu trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến nay cũng bi thảm không kém khi chưa được hưởng chế độ lương hưu do nợ BHXH.

Ông Nguyễn Kim Hạ, công nhân Cụm 2 - Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ (Cty Thủy lợi Sông Tích) chua xót nói: "Dịp Tết Đinh Dậu vừa rồi, anh em chúng tôi không nhận được một xu tiền thưởng đã đành, đằng này tiền lương chờ hoài, chờ mãi vẫn chẳng thấy. Nhiều lúc, mấy cháu thanh niên trong đơn vị phải đi vay từng đồng mua xăng xe; mua suất cơm ăn trưa".

Trong cuốn sổ nợ của ông Anh – chủ hộ kinh doanh đồng nát (cạnh văn phòng làm việc của công nhân Cụm 2 – Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ) có thời điểm công nhân xí nghiệp vay tới 50 – 60 triệu đồng.

Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như anh Nguyễn Đức Long (trú tại Cụm 1, xã Cẩm Đình, Phúc Thọ) mới thực là bi đát. Vợ chết sớm lại phải nuôi mẹ già và con nhỏ đang phải học lớp 9, nguồn sống của cả gia đình dựa vào đồng lương của anh. Nhiều tháng qua, anh phải chạy ăn từng bữa, chạy vạy vay chỗ này mượn chỗ kia như con thoi.

“Ngày trước, cán bộ tín dụng ngân hàng về nài nỉ công nhân thủy lợi Sông Tích vay vốn tiêu dùng, bây giờ công nhân lên quỵ lụy mãi cũng chẳng ai cho vay. Họ bảo rằng, công nhân thủy lợi bây giờ làm gì có tiền mà trả nợ, anh đi chỗ khác vay giùm”, anh Long nói. Nhiều gia đình cả hai vợ chồng, thậm chí con cái đều làm công nhân thủy lợi nhưng nhiều tháng không nhận được lương, cuộc sống rơi vào bế tắc.

Mặc dù đang trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, thế nhưng toàn bộ 800 cán bộ, công nhân viên Cty ĐT-PT Thủy lợi Sông Tích vẫn bị “đổ thêm dầu” khi bị truy thu 5% tổng tiền lương của năm 2013 và 10% tổng tiền lương của năm 2014 theo Chương trình hành động tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP Hà Nội.
 

Biết phạm luật nhưng “lực bất tòng tâm”

Ông Đặng Tuấn Hùng, Giám đốc Cty ĐT-PT Thủy lợi Sông Tích than thở: “Là lãnh đạo công ty, nhưng thú thật tôi cũng chẳng biết lương của công nhân được hưởng theo chế độ chính sách nào”.

Trước đây, Cty được cấp khoảng 130 tỷ đồng/năm để thực hiện các nội dung công việc theo đặt hàng dịch vụ thủy lợi của thành phố, dựa trên Quyết định 6147/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật duy trì, vận hành hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, xã hội. Nhưng trong quá trình thực hiện, trên cơ sở rà soát lại các định mức kinh - tế kỹ thuật, đến cuối năm 2015, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 6974/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quyết định 6147.

Không chỉ ở Cty Thủy lợi Sông Tích, hàng ngàn công nhân ở các Cty ĐT- PT Thủy lợi trên địa bàn Hà Nội như: Sông Nhuệ, Sông Đáy, Mê Linh và Hà Nội cũng bị treo lương suốt nhiều tháng liền.

Đây là cơ sở thanh quyết toán kinh phí đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2015 và xây dựng phương án tạm thời đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2016 (có hiệu lực thực thi từ ngày 18/12/2015). Tuy nhiên, từ đó đến nay Quyết định 6974 dường như vô hiệu.

Minh chứng cụ thể là tháng 10/2016, UBND TP Hà Nội ra một quyết định tạm thời đặt hàng dịch vụ thủy lợi với 5 CtyThủy lợi trên địa bàn Hà Nội trong đó có Cty Sông Tích theo kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí (Nghị định 67/2012/NĐ-CP), tức chỉ bằng khoảng 40% so với giá trị đặt hàng theo Quyết định 6974.

Với khoảng 60 tỷ đồng được cấp năm 2016 (bằng khoảng 40% kinh phí của năm 2015) theo quyết định tạm thời đặt hàng trên, từ tháng 01 – 10/2016, Cty Sông Tích chỉ tạm ứng lương cho cán bộ công nhân viên với mức bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Và từ tháng 11/2016 đến nay, công ty không còn tiền để trả cho người lao động.

Số tiền mà Cty còn nợ BHXH là gần 10 tỷ đồng; nợ tiền điện khoảng 15 tỷ đồng. Các khoản chi phí liên quan đến công tác an toàn lao động, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ luật Lao động cũng không được thực hiện do không có kinh phí. Cty biết như vậy là vi phạm luật nhưng “lực bất tòng tâm”.

Cũng theo ông Hùng, do UBND TP Hà Nội chưa có quyết định đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2017 và cũng chưa tạm ứng trước kinh phí để thực hiện nhiệm vụ của năm, do đó Cty Sông Tích nói riêng và 5 Cty thủy lợi trên địa bàn với khoảng 3.700 người lao động không có nguồn để trả lương; các chế độ khác cho cán bộ công nhân viên cũng như các chi phí khác phục vụ công tác quản lý, sửa chữa công trình thủy lợi.

 “Nhiều người nói rằng đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người lao động trong các Cty Thủy lợi của Thủ đô đã xuống đáy của sự cùng cực rồi”, ông Đặng Tuấn Hùng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm