| Hotline: 0983.970.780

Biến cây ăn quả thành... cây lương thực?

Thứ Ba 08/06/2010 , 10:23 (GMT+7)

Đóng góp cùng NNVN, một đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của Chính phủ đã đưa ra ý tưởng táo bạo sử dụng hạt dẻ như một loại cây lương thực…

Đóng góp cùng NNVN, một đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của Chính phủ đã đưa ra ý tưởng táo bạo sử dụng hạt dẻ như một loại cây lương thực

Hạt dẻ và loài gấu ngủ đông

Nhắc đến hạt dẻ người ta sẽ liên tưởng đến loài gấu dũng mãnh, dẻo dai ở trong rừng. Sau mỗi mùa hạt dẻ, những con gấu đã chuẩn bị đầy đủ năng lượng tích trữ để chui vào hang nằm tránh rét suốt 3 tháng mùa đông. Câu chuyện gấu ngủ đông cho thấy hàm lượng dinh dưỡng dồi dào mà hạt dẻ có thể mang lại.

Đối với nhân loại, từ lâu dẻ đã được coi là một trong những cây quả khô quan trọng trên thế giới. Tại các nước phát triển hạt dẻ được tiêu thụ với sản lượng hàng vạn tấn/năm. Sản lượng dẻ ở Italia năm 2002 đạt 16,6 vạn tấn, trong đó 80% được đưa ra thị trường bán quả tươi, 5-10% dùng làm thức ăn chăn nuôi. Italia cũng là nước xuất khẩu dẻ chủ yếu của EU, hàng năm xuất 3,5 vạn tấn. Tây Ban Nha là nước sản xuất hạt dẻ đứng thứ hai sau Italia và Pháp đứng thứ 3 với sản lượng 2,7 vạn tấn. Công nghệ sau thu hoạch dẻ ở Pháp, Italia rất phát triển. Dẻ sau thu hoạch được rửa sạch, phân cấp, đóng gói bảo quản để cung cấp quanh năm trên thị trường và xuất khẩu. Mĩ và Nhật là hai nước nhập khẩu hạt dẻ với khối lượng lớn. Mỗi năm Mĩ phải nhập khẩu 4.500 tấn hạt dẻ. Tại Nhật mỗi năm tiêu thụ khoảng 7-8 vạn tấn nhưng sản xuất trong nước chỉ đạt từ 2-3 vạn tấn, còn lại phải dựa vào nhập khẩu.

Trung Quốc là nước sản xuất dẻ hàng đầu thế giới, tính đến năm 2005, diện tích trồng dẻ toàn TQ đạt 1,25 triệu ha, tổng sản lượng 82,5 vạn tấn chiếm 3/4 sản lượng dẻ thế giới. Chất lượng hạt dẻ TQ rất tốt, hàm lượng đường và tinh bột 62-70%, protein từ 5,7-10,7%, chất béo 2-7,4%. Hiện Trung Quốc đã đưa tới 300 giống dẻ vào sản xuất trong đó có 50 giống đã thương mại hóa, phân bố rộng từ Hải Nam đến Cát Lâm, trải khắp 4 đới khí hậu, từ hàn đới đến nhiệt đới. Số liệu nêu trên là minh chứng hùng hồn, khẳng định vai trò dinh dưỡng quan trọng mà hạt dẻ mang lại cho con người.

Thêm một ý tưởng lãng mạn

Trở lại giả thiết ban đầu khi đồng bằng bị thu hẹp, chúng ta cần tận dụng đất đồi núi để sản xuất lương thực. Việt Nam có thể phát triển cây dẻ như các nước trên thế giới? Trên thực tế, nước ta có tới 26 loài dẻ tự nhiên. Đặc biệt tập trung ở nhiều vùng các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn trên độ cao 500-2.000 m. Trong đó có giống dẻ ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có chứa nhiều tinh bột, hạt to, thơm ngon, rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, do dẻ là loại cây trồng 7-8 năm mới cho hạt, nông dân Việt Nam còn nghèo, không đủ tiềm lực kinh tế để chăm sóc, gìn giữ nên các dự án phát triển, mở rộng diện tích trồng dẻ đều không đạt hiệu quả. Những năm gần đây, loài dẻ này đang bị thoái hóa.

Trước mắt, để khôi phục lại giống dẻ Trùng Khánh, Cty CP Giống cây lâm nghiệp Vùng Đông Bắc, thuộc Tổng cục Lâm nghiệp đã giải quyết vấn đề “bóc ngắn, cắn dài” của người nông dân bằng cách nghiên cứu, lai giữa dẻ Trùng Khánh và dẻ Trung Quốc tạo ra một giống dẻ mới có khả năng cho thu hoạch ngay từ năm thứ 3. Giống dẻ này đã được một số hộ dân Lạng Sơn trồng và bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Theo bà Chu Thúy Sung, thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Đạt, TP Lạng Sơn, là người dân đầu tiên trồng thử nghiệm giống dẻ mới thì hiện nay bà đang sở hữu vườn dẻ 3.000 gốc đang cho thu hoạch.

Khoảng 6 năm trước, khi được giới thiệu giống này bà không dám tin dẻ có thể cho thu hoạch sau 3 năm nên chỉ trồng thử 300 gốc xen kẽ với vườn vải. Nào ngờ, đúng 3 năm cây dẻ đã bắt đầu đậu quả, chất lượng hạt to và thơm ngon nên bà Sung quyết định mở rộng diện tích trồng cây dẻ. Vụ dẻ năm 2009, khoảng 70% số cây dẻ trong vườn của bà đều cho quả. Trung bình một cây 3 tuổi đậu hạt được 2-3 kg, cây 6 năm tuổi có thể thu hoạch 5-6 kg hạt dẻ, cá biệt có cây lên tới 21 kg hạt. Giá hạt dẻ to trên thị trường là 50.000 đồng/kg, hạt nhỏ cũng trên 30.000 đồng/kg. Mùa dẻ năm ngoái bà Sung thu toàn quả bói cũng bán được hơn 150 triệu đồng.

Theo đúng kĩ thuật thì giống dẻ mới sẽ cho sản lượng 21-22 kg/cây ở độ tuổi 15 và thu hoạch đều đến năm thứ 40 thì cây bắt đầu thoái hóa. Với mật độ tiêu chuẩn 600 cây/ha, giống dẻ này có năng suất 1,3 tấn/ha/năm mà chỉ phải đầu tư 1 lần. Ông Hoàng Lê Minh – GĐ Cty CP Giống cây lâm nghiệp Vùng Đông Bắc khẳng định với hàng loạt ưu điểm nổi trội: thời gian bảo quản lâu, thơm ngon, có giá trị xuất khẩu, năng suất cao… trong tương lai giống dẻ này sẽ trở thành loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Nhưng biến dẻ thành cây lương thực, ông Minh cho rằng đây là một ý tưởng táo bạo và hơi có khuynh hướng lãng mạn. Nhất là ở khu vực miền núi, người dân chưa có thói quen trồng cây hàng hóa nên tiến hành trồng thử nghiệm đã không thành công thì khó có thể biến sản phẩm thành hàng hóa.

Để lai tạo và thử nghiệm thành công giống dẻ mới này ông Minh phải dành ra hơn chục năm tâm huyết nhưng để mở rộng diện tích trồng dẻ ở riêng vùng Đông Bắc này cũng không hề đơn giản… Hơn nữa, mỗi tiểu vùng khí hậu sẽ thích ứng với một vài giống dẻ khác nhau, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, chọn tạo giống dẻ cho từng vùng, mà việc này ở nước ta không mấy người quan tâm.

Có lẽ ông Minh đúng, mặc dù cây dẻ có nhiều ưu điểm, có tiềm năng xuất khẩu, thị trường trông thấy, lợi nhuận trông thấy nhưng để phát triển trở thành một vùng cây ăn quả cũng còn quá nhiều việc phải làm. Duy chỉ có điều không địa phương nào làm, không ai muốn làm...

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.