| Hotline: 0983.970.780

Biến chất thải thành… quả ngọt

Thứ Tư 26/06/2019 , 08:49 (GMT+7)

Dự án LCASP tại Lào Cai đang phát huy hiệu quả, đặc biệt trong công tác quản lý chất thải chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường, biến chất thải thành nguồn năng lượng sạch.

19-44-56_1
Nông dân Lào Cai đã làm tốt quản lý chất thải chăn nuôi.

Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng thêm thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
 

Biến chuyển nhận thức

Thông qua dự án, đến nay, người nông dân Lào Cai đã chủ động xây dựng mô hình trạng trại chăn nuôi khép kín. Áp dụng hiệu quả nhiều biện pháp xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi như: ủ chất thải rắn bằng chế phẩm vi sinh, xây dựng bể lắng sau công trình biogas và bể hòa loãng để sử dụng bơm nước tưới cho cây chè, cây rau, cây ăn quả. Từ đó nâng cao năng suất cây trồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, góp phần bảo vệ môi trường.

Điển hình như mô hình xử lý chất thải tại trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Thành, tổ 3, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Mặc dù nuôi hàng trăm con lợn sinh sản, lợn thịt nhưng môi trường vẫn trong lành nhờ thực hiện công trình khí sinh học. Vườn cây ăn quả 5 ha gồm thanh long, bưởi, mít… cũng phát triển xanh tốt bởi nguồn phân hữu cơ vi sinh.

Ông Thành cho biết: Gia đình tôi đã được hỗ trợ để đầu tư lắp đặt 2 công trình khí sinh học với công suất 120 m3. Một phần chất thải được đưa vào công trình khí sinh học tạo ra nguồn năng lượng khí đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời dùng để sưởi ấm cho lợn giống. Nguồn nước thải biogas để tưới cho cây trồng. Một phần chất thải còn lại, ông Thành tận dụng nuôi giun quế làm thức ăn để nuôi gà và sản xuất phân hữu cơ trùn quế.

Gia đình ông Nguyễn Trường Tam, thôn Én 1, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn là một trong những hộ thực hiện chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Để phục vụ trồng hơn 2 ha cam và hơn 200 gốc bưởi, ông Tam đã thực hiện quy trình ủ phân vi sinh tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây ăn quả.

Theo ông Tam, mô hình ủ bằng chế phẩm sinh học đã giúp cho gia đình chủ động được nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng rất hiệu quả, không chỉ giảm được chi phí mua phân bón hóa học mà sản phẩm cam của gia đình rất an toàn, chất lượng quả ngọt đậm, được thị trường ưa chuộng. Vụ cam đầu tiên, bán với giá 35.000 đồng/kg tại vườn, gia đình ông thu được gần 20 triệu đồng từ tiền cam.
 

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Sau hơn 5 năm thực hiện dự án, hầu hết các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi tại Lào Cai đã thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học biogas, ủ phân vi sinh, bón cho cây trồng.

19-44-56_2
Mô hình trồng cam Cao Phong của gia đình ông Nguyễn Trường Tam - Khánh Yên Trung - Văn Bàn.

Các trang trại, hộ chăn nuôi có nguồn khí đốt sạch, khí ga sử dụng chạy máy phát điện, xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường. Đồng thời tiết kiệm chi phí phân bón hóa học, cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng từ 10 – 30%. Tạo ra các sản phẩm nông sản hữu cơ an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Góp phần giảm lượng phát thải khí CO2 và các loại khí độc hại do chất thải chăn nuôi gây ra…

Dự án đã hỗ trợ hơn 3.400 hộ xây dựng lắp đặt công trình khí sinh học với mức 3 – 5 triệu đồng/hộ. Xây dựng 4 công trình cỡ vừa trên 50 m3 với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/công trình. Hỗ trợ 20 trang trại chăn nuôi trồng trọt tổng hợp xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng, ủ phân hữu cơ vi sinh, nuôi giun quế, sử dụng nước thải biogas tưới cho các loại cây trồng.

Ngoài ra, còn xây dựng 21 mô hình hỗ trợ 21 hộ sử dụng máy phát điện bằng khí sinh học, có công suất từ 3 – 5kw/h, có hiệu quả, tiết kiệm chi phí điện năng tiêu thụ gia đình từ 1 – 1,5 triệu đồng/hộ/tháng.

Dự án đã phối hợp với Phòng NN-PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo thông tin tuyên truyền, thu hút hơn 5.000 lượt nông dân tham gia, lợi ích khi áp dụng quản lý chất thải chăn nuôi, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi… Tổ chức được 111 lớp tập huấn vận hành và bảo dưỡng công trình khí sinh học cho 3.581 hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh. 1.792 hộ được tham gia các lớp tập huấn thực hành nuôi giun quế, ủ phân hữu cơ vi sinh, sử dụng nước thải biogas tưới cho các loại cây trồng…

Theo Ban Quản lý dự án LCASP Lào Cai, tới đây sẽ tập trung nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi này ra địa bàn các xã vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh để góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm