| Hotline: 0983.970.780

Biên độ nhượng bộ giữa vợ chồng

Chủ Nhật 24/12/2017 , 09:41 (GMT+7)

Khi chưa thành vợ chồng, chị Lệ Hoa, nhân viên thiết kế thời trang sẵn lòng hi sinh rất nhiều cho bạn trai của mình. Chị vốn thích tất cả các thể loại âm nhạc và anh Huy, người yêu chị lúc đó lại có năng khiếu đặc biệt vể chơi đàn.

Vấn đề là anh Huy rất bảo thủ mỗi khi hai người đề cập đến âm nhạc. Khi chị Hoa nói về một ban nhạc nào đó mà anh Huy không thích, anh sẽ chỉ trích, thậm chí còn gắt lên với chị. Trong khi đó, chị Hoa lại không biết tự bảo vệ quan điểm bản thân mà chỉ biết gượng cười, gật đầu theo và không bao giờ nói lên cảm xúc thật của chị.

08-01-37_trng_12
Ảnh minh họa

Cưới nhau rồi, bản tính không nhượng bộ của anh Huy vẫn không thay đổi. Khi vợ chồng cùng bàn tính chuyện nhà, anh luôn lấn át vợ, nói sao cho được phần thắng về mình. Chị Hoa không ít lần cảm thấy buồn giận, nhưng vốn lâu nay chịu lép vế chồng nên đành chịu. Thực tế là, quan hệ tình yêu, hôn nhân giữa hai người sẽ bền chặt nhất khi mỗi người được là chính họ. Ý định thay đổi chồng/vợ hoặc tự thay đổi bản thân quá nhiều để chiều theo ước muốn của người kia đều có thể dẫn đến thất bại.
 

Lợi bất cập hại

Anh Quốc, làm việc tại một trạm y tế quận, thường xuyên tranh luận với vợ về thói quen ngủ trưa của mình. Theo anh, ngủ trưa càng nhiều càng có lợi cho sức khỏe. Vì thế, anh thường tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để ngủ từ trưa cho đến chiều mới thức dậy. Thấy chồng có suy nghĩ chưa đúng về việc nghỉ trưa, vợ anh, chị Lan muốn chồng nên ngủ ít giống như mình để dành thời gian đưa chị đi siêu thị, thì anh lại cáu gắt: “Cô không biết gì thì đừng nói. Hay là muốn tôi làm việc như trâu cày ruộng cả ngày nghỉ mới vừa lòng”.

Vẫn chưa chịu nhượng bộ chồng, chị Lan tìm cách ngăn cản giấc ngủ của anh bằng cách la hét mấy đứa con trong nhà, dù chúng chỉ phạm sai lầm việc nhỏ nhặt, cho bõ tức. Nếu như những niềm tin và thói quen của hai người quá khác biệt, vợ chồng có thể làm cho mối quan hệ của họ trở nên xấu đi mà không ý thức được điều đó. Một số người dường như không bao giờ muốn nhượng bộ chuyện gì cả. Họ muốn chồng/vợ mình phải thỏa mãn những đòi hỏi của mình. Nếu người kia không thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao ngất này, họ sẽ giận, buồn bực và mệt mỏi. Ngược lại, một số người lại quá nhượng bộ chồng/vợ mình.
 

Đừng đánh mất chính mình

Chị Hoàng Oanh nhớ lại, khi mới quen và yêu anh Hùng, ông xã của chị bây giờ, hai người tuy tính nết khác nhau nhưng vì tình yêu, họ sẵn lòng nhượng bộ lẫn nhau để tránh những cải vã không cần thiết, có thể làm giảm sự lãng mạn của tình yêu. Chị Oanh chấp nhận từ bỏ thói quen la cà mua sắm để dành nhiều thời gian cho người yêu bất cứ lúc nào có thể, còn anh Hùng đành ngậm đắng nuốt cay lãng quên thú vui mê đá banh chỉ vì muốn làm vui lòng cô người yêu bé bỏng của mình.

Vậy mà lấy nhau rồi, vợ chồng họ không ai chịu nhượng bộ ai, chỉ làm theo cách mình thích nên hạnh phúc chung cũng ảnh hưởng theo. Khi mới bắt đầu một mối quan hệ, người ta có thể sẵn lòng hi sinh vì họ thật lòng thích người kia và cũng muốn làm bản thân mình được quan tâm, yêu mến. Khi đó, một trong hai người có thể cố gắng giảm thiểu sự khác biệt bằng cách từ bỏ những mối quan tâm của bản thân.

Nhưng khi một người phải nhân nhượng quá nhiều so với người còn lại, mối quan hệ sẽ trở nên mất cân bằng. Sau cùng, người lúc nào cũng nhượng bộ sẽ mệt mỏi và không còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Hơn nữa, việc nhượng bộ những giá trị và niềm tin cốt lỏi cũng sẽ mang lại sự thất vọng, mệt mỏi. Chuyện này xảy ra khi một trong hai người cho rằng, họ cần thay đổi chính mình để sống theo những tiêu chuẩn của người kia. Trong trường hợp ấy, người đó hay cả hai có thể nhầm tin rằng giữa họ không tồn tại sự khác biệt nào.

Vợ chồng anh Huấn chị Tuyết từng trải qua giai đoạn cơm không ngọt canh không lành chỉ vì tính không nhượng bộ của anh Huấn. Chị Tuyết từng nghĩ đến việc chia tay vì không chịu nỗi tính khí của chồng. Nhưng đến khi giọt nước gần tràn ly, anh Huấn mới thấm thía cái giá của sự nhượng bộ. Anh rút ra kinh nghiệm là làm vợ/chồng hạnh phúc với cái giá trị phải trả là hạnh phúc của chính mình sẽ chỉ khiến cho mối quan hệ trở nên tệ hơn. Sự nhường nhịn, thỏa hiệp là một phần tự nhiên, tất yếu giúp hai người khác nhau có thể sống cùng nhau. Khi cả hai sẵn sàng điều chỉnh vì lợi ích chung thì chuyện nhượng bộ, điều đình ấy sẽ giúp vợ chồng trở nên mạnh mẽ hơn.

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất