| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu, chuyên gia Việt - Mỹ chia sẻ kinh nghiệm

Thứ Ba 30/08/2011 , 10:42 (GMT+7)

Đại sứ quán Mỹ và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững vừa tổ chức buổi Hội thảo về Kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Quang cảnh buổi hội thảo
Đại sứ quán Mỹ và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững vừa tổ chức buổi Hội thảo về Kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tham gia hội thảo, phía Mỹ có bà Shana Udvardy - Giám đốc Chương trình Khôi phục Sông ngòi thuộc tổ chức Sông ngòi Hoa Kỳ (American Rivers) và Tham tán về Môi trường, Khoa học – Công nghệ và Y tế của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ông Eric Frater. Ngoài ra, hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng đại diện các Viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức dân sự trong và ngoài nước.

Các bài tham luận được trình bày tại hội thảo đều hướng tới chia sẻ mô hình sản xuất nông nghiệp thành công trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương và những bài học kinh nghiệm đạt được sau khi thử nghiệm các mô hình này.

Cụ thể, đó là các tham luận:

- Một số mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Quảng Trị (ông Võ Chí Tiến, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung- CRD): Ông Tiến nhận định, BĐKH ảnh hưởng tới nông nghiệp tại Quảng Trị ngày càng nghiêm trọng; các hộ nghèo và hộ có phụ nữ làm chủ hộ là những đối tượng rất dễ bị tổn thương; nuôi trồng thủy sản bị tác động nặng nhất, kế đến là chăn nuôi. 

Phía Trung tâm đã áp dụng: đánh giá sinh kế và tác động của BĐKH; chọn hộ để thực hiện mô hình; thẩm định hộ mô hình; xác định khó khăn riêng của từng hộ… Các mô hình được áp dụng là trồng rau trái vụ; trồng ớt; trồng ngô xen lạc, trồng khoai lang…, đều cho kết quả khá tốt.

Ông Tiến cũng đưa ra bài học kinh nghiệm riêng: Phải nâng cao năng lực của nông dân; huy động cán bộ xã, thôn và nông dân tham gia để tăng khả năng nhân rộng mô hình; tập huấn phải chuyên nghiệp hơn để nông dân tiếp thu nhanh; giám sát thường xuyên…

- Hỗ trợ người dân đa dạng hóa sinh kế nông lâm nghiệp trung du miền núi để thích ứng với biến đổi khí hậu (ông Dương Nhất Linh, Tổ chức GRET/CRD Thanh Hóa): Ông Linh đưa ra 2 địa điểm cụ thể là Quan Hóa, Bá Thước – 2 trong số 62 huyện nghèo nhất Việt Nam, qua đó, các hoạt động sinh kế phù hợp tại 2 vùng này là: trồng rau (Quan Hóa); nuôi giun quế (Bá Thước); nuôi gà dưới tán rừng luồng (Quan Hóa); mô hình 3 vụ nhằm hạn chế phá rừng… Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm: Các mô hình bổ sung nhau để tăng hiệu quả; có sự điều chỉnh, bổ sung về kĩ thuật kịp thời; khuyến khích nông dân tiên phong và có kinh nghiệm hỗ trợ các hộ khác; kèm cặp giúp thuần thục các kỹ thuật, hạn chế rủi ro...

- Bảo tồn giống lúa địa phương để thích ứng với biến đổi khí hậu (Điều phối viên của Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững- SRD): Bản tham luận này đề cập cụ thể đến củng cố và phát triển hệ thống giống lúa nông hộ, ứng phó với BĐKH tại Bắc Kạn. Tác động của BĐKH là: tăng dịch bệnh trên cây lúa; cơ cấu mùa vụ thay đổi; lượng nước cho canh tác giảm; phải thay đổi canh tác trong khi thiếu kỹ thuật, đầu tư. Can thiệp chính của Trung tâm này là nâng cao năng lực cho nông dân bằng cách: tuyên truyền kĩ thuật từ nông dân đến nông dân; vận động chính sách cùng lúc từ các cấp; dùng các kĩ thuật phục tráng, nhân giống, sản xuất lúa giống.

- Quá trình xây dựng các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông lâm nghiệp (Đại diện Hadeva Phú Thọ): Bản tham luận đưa ra mục tiêu: nâng cao thu nhập của người dân; giảm lượng nước tưới trên lúa làm giảm lượng phát thải khí Methane (CH4), góp phần giảm thiểu các yếu tố gây ra BĐKH.

Về phía Mỹ, bà Shana Udvardy nhận định, ứng phó với BĐKH, quan trọng nhất vẫn là khâu truyền thông đến người dân và các nhà lãnh đạo, nhà khoa học phải đưa ra các bản nghiên cứu kĩ về tình hình khí hậu, vị trí địa lý, tập quán lao động của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp… để có được phương án tối ưu.

Phía tổ chức CARE Quốc tế nêu lên những bài học kinh nghiệm, ngoài việc áp dụng tối đa kiến thức bản địa của người dân thì phải khuyến khích tối đa sự tham gia của người dân trong lập kế hoạch, cùng nhau tìm ra giải pháp cho từng vấn đề cụ thể; huy động sự đóng góp của dân và cộng đồng (tiền, vật liệu và ngày công lao động) thông qua phân tích hiệu quả thực tế của các mô hình để đảm báo tính bền vững; nâng cao nhận thức cho người dân về rủi ro thiên tai để có những giải pháp phù hợp trong nông nghiệp.

Cuối buổi hội thảo, cả phía Mỹ và Việt Nam đều đi đến kết luận, chính phủ có vai trò quan trọng và quyết định trong công tác hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự nhằm đưa ra các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách lại phụ thuộc rất nhiều vào các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, trong đó có công tác hỗ trợ người dân tiếp cận với kiến thức về Biến đổi khí hậu. Các tổ chức xã hội dân sự phải luôn học hỏi, trau dồi, nâng cao hiểu biết và cập nhật thông tin để có thể truyền bá, bổ sung kiến thức về biến đổi khí hậu cho người dân một cách kịp thời và chính xác.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.