| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu vào Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội

Thứ Tư 26/11/2014 , 08:14 (GMT+7)

“Nước” - bộ phim lấy đề tài cuộc sống của người nông dân trước biến đổi khí hậu vừa ra mắt công chúng tại LHP Quốc tế Hà Nội 2014 (diễn ra từ 23-27/11 tại Hà Nội) đã tạo nên nhiều tranh luận trái chiều.

PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh (ảnh) về bộ phim này.

minh170852260

Nước mắt nông dân

Biến đổi khí hậu được xem là đề tài khó kéo khán giả đến rạp, vì sao ông có sự lựa chọn mạo hiểm này?

Đã làm phim, tất nhiên nhà sản xuất hi vọng vào lợi ích thương mại mà phim mang lại. Tuy nhiên, Saigon Media (Cty Cổ phần Truyền thông - Điện ảnh Sài Gòn) - chủ thể sản xuất bộ phim lại muốn làm một bộ phim nghiêng về tính nghệ thuật nhiều hơn giải trí. Ưu tiên đề tài biến đổi khí hậu, tôi nghĩ các nhà làm phim cũng đã rất có tâm rồi.

Còn cảm hứng của tôi bắt đầu từ những hình ảnh lam lũ, nhọc nhằn của người nông dân, cụ thể ở đây là người nông dân Nam Bộ trước biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu mà tôi biết đến, còn biến đổi cả đời sống, cả tâm lý của người dân. Hậu quả của vấn đề này không chỉ nằm ở bề nổi của vật chất, mà còn tác động vào chiều sâu tâm lý của mỗi người dân.

Bạn cứ thử tưởng tượng đi, đang là người nông dân với những thửa ruộng, mảnh vườn quen thuộc, thoắt cái, họ mất trắng, chẳng còn gì ngoài những bãi nước mênh mông mà tôi vẫn gọi là những “sa mạc nước”. Mà đã là “sa mạc” thì làm gì còn hi vọng cho sự sinh tồn nữa.

Không được sống với mảnh đất, cây cỏ của mình thì người nông dân cũng đâu còn là người nông dân nữa.

Chính vì vậy, “Nước” không chỉ là một thông điệp về biến đổi khí hậu chung chung, mà còn là những ẩn ức, những giọt nước mắt của người nông dân trước sự xâm lấn của nước mặn.

Theo ý ông thì những hậu quả của biến đổi khí hậu mà nhân vật phải chịu trong bộ phim là những gì người nông dân Việt Nam đang và sẽ phải gánh chịu?

Bộ phim là một câu chuyện viễn tưởng, tức là một thực tại nông thôn sẽ xảy ra vào năm 2030. Tôi hi vọng bộ phim sẽ làm được một nhiệm vụ khó khăn là dự báo, cảnh báo con người chúng ta trước những nguy hại mà biến đổi khí hậu gây ra.

Có thể ngay lúc này, chúng ta chưa thể thấy hết được những hậu quả đó. Bộ phim sẽ khắc họa những hình ảnh trong tương lai, cụ thể là một ĐBSCL vào năm 2030 sẽ là một biển nước.

Tôi lấy bối cảnh vùng Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), tôi nhận ra một điều vùng đất này chính là tương lai gần của “Nước”. Bởi chính tại những nơi tôi đặt máy quay thì nước biển đã mấp mé xâm lấn vào đất liền rồi.

16-53-14_nuoc-5
Cảnh trong phim “Nước”

Bộ phim “Nước” là tác phẩm điện ảnh duy nhất của Việt Nam được vinh dự chọn trình chiếu trong Liên hoan phim Berlin 2014 (Đức) cùng 36 tác phẩm đến từ các quốc gia khác.
Đây cũng là một trong ba bộ phim Việt Nam tham dự Liên hoan phim Busan (Hà Quốc) năm nay. Và bộ phim này hiện đang tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Mill Valley của Viện phim California (Mỹ).

Những cánh đồng lúa khô cháy vì nhiễm mặn, những lứa cá tôm nước ngọt đang vơi đi từng ngày chính là hiện thực hóa của “Nước”. Sẽ dễ dàng nhận ra được những tàn phá mà nước biển đem đến từ những lời tâm sự bất lực của nông dân nơi đây.

Tuy mang màu sắc viễn tưởng, nhưng bộ phim thật sự đã “vẽ” nên tương lai đầy nước mắt của những người nông dân nơi đây một cách rất thật. Và những gì bộ phim mang lại, không chỉ là viễn tưởng, mà sẽ trở thành sự thật nếu như chúng ta vẫn bàng quan với vấn đề này.

Từ trăn trở của Nguyễn Ngọc Tư

Được biết, kịch bản của “Nước” có nguyên tác từ tác phẩm văn học “Nước như nước mắt” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Vậy “Nước” có bao nhiêu phần trăm là “Nước như nước mắt” thưa ông?

“Nước như nước mắt” được xem như phần nền của “Nước”. Một số chi tiết quan trọng trong bộ phim được lấy ra từ tác phẩm văn học này.

Chuyện phim cũng xoay quanh ba nhân vật chính là Giang và vợ chồng cô Sáo trước hậu quả của nước biển dâng. Hầu như tất cả các nhân vật đều được giữ nguyên, chỉ có nhân vật Giang là tôi chuyển từ anh nông dân ham làm giàu sang một nhà khoa học.

Sự chuyển đổi này vừa phù hợp với mạch phim hướng theo nội dung viễn tưởng. Lại vừa đưa vào phim những nội dung thời sự của ngành nông nghiệp hiện nay như biến đổi gien cây trồng, hiện đại hóa ngành nông nghiệp...

Tuy nhiên, tác phẩm văn học có đời sống riêng của nó, phim cũng lại có một cuộc đời khác.

Ngay từ khi bắt tay vào viết kịch bản, tôi đã xác định mình phải tìm cho bộ phim một cách nhìn khác. Hay nói đúng hơn, là cho bộ phim một “cuộc đời” khác. Vẫn bám theo mạch câu chuyện trong “Nước như nước mắt”, nhưng cách khai thác và xử lí câu chuyện của tôi là hoàn toàn mới.

Và một điều nữa, tôi thấy người nông dân trong “Nước như nước mắt” quá khổ, quá đau, quá vật vã, quá vô vọng. Tôi muốn tìm cho họ một con đường đi mới, dù bằng ước mơ, dù bằng viễn tưởng, rằng có một ngày, đất lại trở về với họ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất