| Hotline: 0983.970.780

Biện pháp chưa đủ mạnh

Thứ Hai 04/03/2013 , 10:16 (GMT+7)

Phần lớn các ô tô chở hàng trên QL9 từ Lào về đều rơi vào tình trạng quá tải.

Phần lớn các ô tô chở hàng trên QL9 từ Lào về đều rơi vào tình trạng quá tải. Thông thường, mỗi xe chở gỗ, thạch cao... có trọng tải trên 50 tấn, có khi trên cả 100 tấn, trong khi đó QL9 chỉ cho phép xe có trọng tải 30 tấn, cầu 18 tấn. 

Tiền vay chưa trả xong, đường đã hỏng

Quốc lộ 9 dài 83 km từ TP Đông Hà của tỉnh Quảng Trị đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - nằm trên trục đường giao thông huyết mạch nối liền với các nước Lào - Thái Lan, được thi công bằng vốn vay ADB mấy chục triệu USD, đến nay vẫn trả chưa xong nợ. Song có một thực tế là QL9 đang oằn mình chịu đựng một lượng xe quá tải, quá khổ rất lớn lưu thông từ Lào về mỗi ngày.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 2/3 lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết số hàng hóa mỗi năm từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để vào nội địa Việt Nam chiếm đến 50% trong tổng số hàng hóa của các tỉnh có chung cửa khẩu với Lào, nhập về.

Con số trên cũng đã nói lên để vận chuyển số hàng hóa khổng lồ ấy về nội địa qua QL9, chủ yếu là gỗ, thạch cao... thì các chủ hàng đều sử dụng phương tiện vận chuyển bằng ô tô. Không kể hàng hóa về mỗi ngày, trong năm 2012, đợt gỗ từ Lào về ồn ào nhất là 400 ô tô làm thủ tục vào Việt Nam, về nội địa đêm 27/7. Một doanh nghiệp kinh doanh gỗ thừa nhận chở gỗ từ Lào về xe nào cũng quá tải, quá khổ.


Ô tô chất đầy gỗ này mới đi từ Lao Bảo về Đông Hà mà không phải hạ tải

Mới đây là dịp Tết Quý Tỵ 2013, hơn 400 ô tô chở gỗ quá tải, quá khổ chất ùn tại Lao Bảo, cuối cùng cũng về được Đông Hà. Bởi vậy, mới có chuyện, khuya 18 và sáng 19/2, tại km 15 trên QL9, Thanh tra của Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị chỉ kiểm tra 2 trong đoàn có 50 ô tô chở gỗ từ Lào về thì 48 chiếc đi sau đều tự giác dừng lại. Kết quả 2 xe được kiểm tra đều quá tải.

Thanh tra Sở GTVT nói rằng không cần cân đo, bằng mắt thường cũng biết xe ô tô nào chở quá tải. Qua kiểm tra tại nhiều chỗ, các phương tiện chỉ hạ tải khoảng 20% số lượng gỗ và được lưu thông, do vậy trọng tải của các xe gỗ này vẫn trên dưới 100 tấn. Trong khi đó quy định QL9 chỉ cho phép xe ô tô có tải trọng 30 tấn trở xuống được lưu thông. Trên tuyến này còn có hai cây cầu chỉ có tải trọng 18 tấn. Các xe chở gỗ quá tải liên tục lưu thông rất nguy hiểm, có nguy cơ sập cầu bất cứ lúc nào.

Cầu chưa sập nhưng đã có rất nhiều vụ ô tô chở gỗ quá tải bị lật nhào trên QL9. Tối 15/2, ô tô tải BKS 74K-0569 do lái xe Nguyễn Đức Thuận điều khiển, ước chở trên 80m3 gỗ từ Lao Bảo về Đông Hà, đến km 66 thuộc QL9 thì va quẹt với một chiếc xe đầu kéo khác và tông thẳng vào nhà một người dân bên đường gây sập phần trước ngôi nhà.

Trước đó, xe đầu kéo biển số 74C-00286 kéo rơ moóc 74R-00018 chở gỗ đang lưu thông thì tự lật trên QL9. Thương tâm nhất là xe đầu kéo 37C-01234 kéo rơ móc 37R-00032 do Doãn Công Khánh, 34 tuổi, trú tại Nghệ An điều khiển, chở hơn 100 tấn gỗ hương từ cửa khẩu Lao Bảo về bất ngờ bị lật đè chết một người đi xe máy trên đường mà lái xe không hề biết đến khi xe cẩu lên mới phát hiện.

Cần thái độ cương quyết

Trước mắt, để xử lý xe quá khổ, quá tải trên QL9, ông Mai Thức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở GT-VT làm việc với các doanh nghiệp vận tải, buộc họ có cam kết thực hiện vận tải đúng quy định; Cty Quản lý đường bộ hướng dẫn các biển báo để xe chấp hành lưu thông; Cục Hải quan ngăn chặn ngay từ cửa khẩu Lao Bảo, quản lý chặt chẽ khi xe lưu hành vào nội địa; Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, đó là các giải pháp, còn thực tế bằng mắt thường ai cũng có thể biết xe nào quá khổ, quá tải lưu thông trên QL9. Ðiều đó cho thấy, các ngành chức năng chưa có thái độ kiên quyết trong xử lý xe quá khổ, quá tải.

Theo Sở GT-VT tỉnh Quảng Trị, phương tiện vận tải phát triển ngày càng nhiều. Một lượng lớn xe công-ten-nơ, xe đầu kéo, xe tải có trọng tải lớn, có xe lên tới hàng trăm tấn lưu thông từng đoàn trên các tuyến đường, vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường, quá tải trọng cho phép của phương tiện... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, cầu cống bị hư hỏng, nền đường lún, mặt đường rạn nứt, bong bật, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nhưng tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu hành trên địa bàn vẫn còn xảy ra phổ biến, chưa được xử lý triệt để. Tình trạng trên khiến các đại biểu HÐND và cử tri trong tỉnh Quảng Trị bức xúc.

UBND tỉnh Quảng Trị đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông- Vận tải, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đề nghị một giải pháp căn cơ. Đó là ưu tiên xây dựng và đưa Trạm cân Cam Lộ hoạt động trở lại. Văn bản đã gửi nhưng vấn đề này phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Sở GT-VT tỉnh Quảng Trị phối hợp với Khu quản lý Đường bộ 4, Công an tỉnh Quảng Trị và các địa phương liên quan tổ chức đoàn khảo sát hiện trường và đề xuất xây dựng ba điểm hạ tải trên tuyến quốc lộ 9 (tại Lao Bảo), đường Hồ Chí Minh nhánh tây và tỉnh lộ 588. Riêng với vấn đề đối ngoại, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào vào tháng 8/2012, Sở GT-VT Quảng Trị đã đề nghị phía Lào phối hợp trong việc kiểm tra xe quá khổ, quá tải...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.