| Hotline: 0983.970.780

Biển ta, ta làm

Thứ Tư 15/06/2011 , 11:15 (GMT+7)

Dù bị Trung Quốc dùng súng bắn, uy hiếp, cố tình đuổi khỏi ngư trường, ngư dân Phú Yên vẫn không hề nao núng, họ khẳng định: “Nhà ta, ta ở. Biển ta, ta làm".

Vừa bị tàu Trung Quốc dùng súng bắn, uy hiếp, cố tình đuổi khỏi ngư trường đang đánh bắt vào ngày 29/5 vừa qua, thế nhưng sau khi cập bờ bán sản phẩm, những chiếc tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã vội vàng mua sắm nhiên liệu, lương thực để tiếp tục ra khơi.  “Nhà ta, ta ở. Biển ta, ta làm”- ngư dân không hề nao núng nói.

Ruộng năng canh, biển năng hành

Đối với các tỉnh ven biển miền Trung, ngư dân của tỉnh Phú Yên là những người đi tiên phong trong nghề khai thác cá ngừ đại dương. Hàng chục năm qua, nghề này đã mang lại cho hàng nghìn hộ ngư dân ở tỉnh này “của ăn của để”, đem lại diện mạo mới cho các vùng dân cư ven biển.

 Con tàu và khơi xa vốn đã thân thuộc với họ như căn nhà và vùng đất quê hương mình. Bởi vậy, trước sự quấy rối của tàu Trung Quốc trong thời gian qua, chẳng những họ đã không hề nao núng mà bối cảnh này càng hun đúc trong lòng họ sự quyết tâm bám biển. Với họ, nghề biển bây giờ không chỉ để mưu sinh mà còn để góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Ngư dân Võ Đường (60 tuổi) ở phường 6 (TP Tuy Hòa) vừa dọn dẹp lại sàn của chiếc tàu cá mang số hiệu PY 90019 TS để chuẩn bị ra khơi vừa kể chuyện: “Chuyến biển vừa rồi 2 chiếc tàu của gia đình tôi (chiếc kia có số hiệu PY 92476 TS) ra khơi vào đầu tháng 5/2011. Ngư trường đánh bắt của chúng tôi là vùng biển gần đảo Đá Đông và đảo Đá Tây. Cùng đánh bắt chung ngư trường còn có 4 chiếc tàu của anh Lê Văn Giúp, 1 tàu của anh Bùi Văn Mẹo và 1 tàu của anh Trần Văn Đông cùng ở phường 6, TP Tuy Hòa.

Vào ngày 29/5, trước khi kết thúc chuyến biển vào bờ bán cá, 8 chiếc tàu của anh em chúng tôi ghé vào đảo Đá Đông B để bộ đội biên phòng thuộc Lữ đoàn 746 đóng quân trên đảo ký giấy xác nhận tàu cá khai thác trên vùng biển xa. Ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục tỏa ra những vùng biển lân cận bủa câu. Bất ngờ có 3 chiếc tàu Trung Quốc chạy đến gần, sau những câu nói gắt gỏng mà chúng tôi không hiểu gì, họ xả súng bắn vào bánh lái của chiếc tàu này (ông Đường chỉ tay vào tàu PY 90019 TS chúng tôi đang đứng).

Lúc ấy chúng tôi đang kéo câu. Những lao động trên tàu không hề sợ sệt như lúc trước mà trở nên gan góc lắm, không nao núng, cứ tiếp tục làm. Anh em trên tàu bảo nhau “mình đang ở nhà của mình thì sợ gì ai”. Nghe báo tin qua bộ đàm, các tàu bạn đang đánh bắt gần đó chạy lại hỗ trợ”.

Thuyền viên Võ Văn Quang tiếp lời: “Gì chứ bị tàu Trung Quốc bắn đuổi thì chúng tôi gặp hoài. Mới đầu năm nay, lúc tàu chúng tôi đang đánh bắt tại vùng biển gần đảo An Bang và đảo Ba Ke thì thấy máy bay Trung Quốc quần đảo, nhìn thấy chúng tôi, họ liên lạc thế nào mà chỉ 1 giờ sau là có tàu Trung Quốc ập đến bắn phá. Tôi và anh Lê Kim Hùng cùng anh Nguyễn Văn Minh coi như không có gì xảy ra, cứ kéo lưới. Nếu mình sợ thì họ được nước lấn tới, phải “chì” thì mới làm ăn được”.

Ngư dân Võ Đường tâm sự: “Vì đang thời điểm cuối vụ đánh bắt nên chuyến biển vừa rồi kéo dài cả tháng nhưng tàu PY 92476 TS chỉ câu được 1,4 tấn cá, còn tàu PY 90019 TS chỉ câu được gần 1,3 tấn. Phí tổn cho mỗi tàu tăng đến 135 triệu đồng, trong đó chi phí nhiên liệu đã “ngốn” đến 3.376 lít dầu (72,5 triệu đồng). Trong khi đó giá cá chỉ còn bán được 130.000đ/kg (loại 1), trừ chi phí mỗi bạn chỉ chia được có 4- 5 triệu đồng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đồng lòng tiếp tục ra khơi".

"Dù thu nhập ít cũng được nhưng chúng tôi phải bám biển. Thời điểm này mà tàu bè ở nhà hết, biển vắng, cầm bằng mình bỏ nhà trống. Ra biển, vừa có công chuyện làm, vừa “giữ nhà” luôn. Ông bà xưa dạy rồi, ruộng thì phải năng canh, biển thì phải năng hành. Chuyến này 8 chiếc tàu trong nhóm chúng tôi sẽ ra khơi cùng lúc”, ngư dân Võ Đường khẳng định chắc nịch.

Ngư dân được tiếp sức

Bên cạnh đó, những chính sách thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngư dân cũng đã làm tăng thêm quyết tâm bám biển của họ. Họ vững lòng hơn khi giữa trùng khơi mà không hề đơn độc. Ông Nguyễn Hữu Vinh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết: “Hiện lực lượng tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Phú Yên có 720 chiếc (công suất từ 90 CV trở lên), trong đó có khoảng 350 chiếc chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Với lực lượng này, tại các địa phương ven biển chúng tôi đã thành lập 102 tổ tàu thuyền an toàn với hàng ngàn ngư dân tham gia. Với mô hình này, lực lượng ngư dân đã tạo ra được sức mạnh đoàn kết, có thể tương trợ nhau trong quá trình làm ăn trên biển. Ngoài ra, ngư dân còn hỗ trợ cho lực lượng bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biển đảo”.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Vinh, nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân đã được thực thi. Về bảo hiểm tàu cá ngư dân còn được Nhà nước hỗ trợ 50%. Nếu tàu bị tông chìm, chủ tàu sẽ được Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng để đóng tàu mới. Khi tàu cá của ngư dân bị nạn hoặc bị tàu nước ngoài bắt giam, những lao động trên tàu được Nhà nước hỗ trợ 750.000 đồng/người trong thời gian 3 tháng.

“Sắp tới, những tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Phú Yên sẽ được cấp 1 máy thông tin liên lạc hiện đại trị giá 37 triệu đồng/chiếc và đặt 1 trạm máy bờ để những thông tin từ biển liên tục được trên bờ cập nhật. Ngoài ra, theo kế hoạch, 100 chiếc tàu thường xuyên bám biển của ngư dân Phú Yên sẽ được Tổng cục Thủy sản phân bổ 100 máy thông tin liên lạc qua vệ tinh thuộc dự án Movima (Pháp) tài trợ”, ông Nguyễn Hữu Vinh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho hay.

Cả khi thuyền viên trên tàu là lao động chính trong gia đình, khi bị tàu nước ngoài bắt giam thì những đứa con dưới 3 tuổi và cha mẹ trên 60 tuổi ở nhà cũng sẽ được Nhà nước hỗ trợ 15kg gạo/người trong vòng 3 tháng. Khi thuyền viên bị bắt được thả, Nhà nước sẽ chu cấp 100% chi phí tàu xe khi thuyền viên về đoàn tụ với gia đình. Thuyền viên đi biển mua bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ 100% phí.

Nhiều ngư dân còn phấn khởi cho hay: “Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên thường xuyên dùng bộ đàm kết nối thông tin với chúng tôi trong thời gian chúng tôi đang đánh bắt xa bờ để tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa bờ và biển nên chúng tôi không có cảm giác đơn độc trên biển”.

Ngư dân Lê Văn Giúp (phường 6- TP Tuy Hòa) trút lòng: “Khi tàu cá của Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam để đánh bắt, họ dùng phương thức khai thác “dã man” lắm, như là dùng mành chụp, đèn cao áp. Cách đánh bắt này làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển của ngư dân ta. Nếu không ngăn chặn được tình trạng này, chỉ vài ba năm nữa nhiều loại cá, mực sẽ vắng bóng trên vùng biển Việt Nam. Do vậy, khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi càng yên tâm bám biển để gìn giữ chính cuộc sống của mình”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất