| Hotline: 0983.970.780

Biển tấn công làng

Thứ Hai 16/11/2009 , 09:47 (GMT+7)

Trong 10 năm trở lại đây, người dân vùng biển ở TT-Huế liên tục chứng kiến cảnh biển "gặm" đất liền...

Trong gần 10 năm trở lại đây, người dân vùng biển ở Thừa Thiên - Huế chưa bao giờ chứng kiến cảnh biển cứ mỗi ngày càng “gặm” mất đất, tiến sâu vào đất liền.

Chưa từng thấy

Sau mỗi cơn bão tan đi kèm theo triều cường và lũ lớn dâng cao nhấn chìm nhiều nhà cửa và hoa màu. Bên cạnh đó, hàng chục km bờ biển đi qua địa bàn các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Hải Dương (huyện Hương Trà), Vĩnh Hải (huyện Phú Lộc)… cũng bị nước biển cuốn trôi, ăn sâu vào đất liền vài chục mét.

Theo nhiều người dân thôn Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn), vào đêm cuối tháng 9 vừa qua, gió giật cấp 8, nước biển dâng cao đánh thẳng vào bờ. Biển đã “ngoạm” vào đất liền gần 20m; nhiều nhà cửa, công trình sinh hoạt, lăng mộ... bị cuốn trôi.

Anh Lâm Xuân Lành (xã Quảng Công) có căn nhà đang đứng chơi vơi trước miệng biển, lo sợ: “Trước đây, khi ra ở riêng làm nhà, tôi đã chọn miếng đất cách bờ hơn cả trăm mét. Cứ bảo bụng rứa là an toàn rồi chi nữa. Ai ngờ mô, chỉ qua hai năm gần đây, biển đã lấn vô tới sát đầu hồi nhà bếp rồi".

Cũng trong đợt mưa đầu tháng 9, tuyến đường bê - tông cách bờ biển khoảng 10m ở thôn Tân Thành đã bị sóng biển làm sạt lở mất một đoạn dài gần 20m, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong thôn.

Lo mất hết đất

Năm 2008, tại thôn An Lộc (xã Quảng Công) tình trạng sạt lở xẩy ra liên tục, biển đã ăn sâu vào đất liền khoảng 30m, buộc phải di dời khẩn cấp 22 hộ dân đến định cư nơi ở mới. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn xã Quảng Công vẫn còn 45 hộ dân đang nằm trong diện phải di dời ở các thôn Tân Thành, An Lộc và Tân An.

Ở xã Quảng Ngạn, biển đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân ở hai thôn BC, Tân Mỹ. Ông Trần Chung, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), cho biết: “Những năm trở lại đây biển xâm thực ngày càng nhiều, nặng nhất là các thôn BC, Tân Mỹ. Tại hai thôn có hơn 70 hộ dân đang sinh sống, hằng ngày phải đối mặt với nạn xâm thực của biển".

Xã ven biển Vĩnh Hải (huyện Phú Lộc) có 657 hộ dân nhưng trong đó gần một nửa hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông với 128 ha đất lúa. Sau bão số 9 tan, sạt lở bờ biển xảy ra nghiêm trọng chưa từng thấy. Sáu km bờ biển bị triều cường đánh vỡ và lấn sâu hàng chục mét, sóng tràn qua bờ cát, mở thêm cửa lạch mới đẩy nước mặn từ biển vào đồng ruộng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho hay: Năm nào địa phương cũng tốn hàng chục triệu đồng, huy động hàng nghìn công lao động trồng phi lao tái tạo môi trường và giữ đất, vậy mà xâm thực mỗi lúc mỗi nặng. Mức sạt lở giờ đã vượt quá sức dân. Lo nhất hiện nay là ruộng nhiễm mặn diện rộng, người dân không có đất sản xuất.

Đứng ở bìa thôn Tân Thành, chỉ cách mép sóng biển chưa đầy 10m, ông Võ Thành gần 80 tuổi, ngồi nhìn ra biển đang tung bọt trắng xóa rồi nói như hỏi mọi người xung quanh: “Dân biển sống nhờ biển, răng mà chừ biển lại hung tợn dữ rứa hè. Trước đây, có khi mô nước biển tràn được vô làng mô, nó cứ vỗ toàm toạp ngoài xa kia mà. Ui chao, chừ như vầy thì sợ lắm!”.

Ông Võ Dũng, Chi Hội Nông dân thôn Tân Thành ái ngại: “E chẳng mấy chốc nữa là biển “gặm” mất làng thôi. Người dân bây chừ mong được sớm di dời đến nơi an toàn để sớm ổn định cuộc sống”.

Thế nhưng, trong báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa bão của tỉnh TT- Huế lại “quên” thống kê, đề cập thực trạng nghiêm sạt lở ở một số địa phương như xã Vĩnh Hải, Vinh Thanh…Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bỉnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, cho biết thêm: “Trong các cuộc họp, người dân đã nhiều lần có ý kiến, chính quyền xã cũng đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét có giải pháp bảo vệ bờ biển hoặc di dời người dân đến nơi an toàn hơn, nhưng nay vẫn chưa thấy chủ trương chi cả”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất