| Hotline: 0983.970.780

Biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ

Thứ Ba 20/10/2020 , 10:44 (GMT+7)

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong giai đoạn tới, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, biến thách thức thành cơ hội,… để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP.

Vị thế của Việt Nam được nâng cao

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Thủ tướng, chúng ta có 4 năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển KTXH, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Như vậy, năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng lưu ý, thời gian còn lại của năm 2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục quyết liệt hành động, đổi mới cách làm, tranh thủ thời cơ, phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm nông trường Đồng Giao (Ninh Bình). Ảnh: TL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm nông trường Đồng Giao (Ninh Bình). Ảnh: TL.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng phù hợp, phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chúng ta tuyệt đối không chủ quan mà cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn.

Theo Thủ tướng, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác lớn trong khu vực, trên biển tiếp tục diễn ra gay gắt.

Xung đột thương mại gia tăng và những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng, bất bình đẳng, nghèo đói và các vấn đề xã hội.

Năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD

Việt Nam được đánh giá là nước đang phát triển đầy tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số vàng; có không gian phát triển rộng mở với 13 hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu hiện hữu; nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh... Tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần nỗ lực phấn đấu để hiện thực hoá khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD;

Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.