| Hotline: 0983.970.780

Quản lý thuốc BVTV - nhìn từ cơ sở

Biết độc, vẫn xài

Thứ Năm 20/03/2014 , 10:42 (GMT+7)

Việc lạm dụng và sử dụng sai thuốc BVTV tạo ra những hệ lụy nguy hại như gia tăng sâu bệnh, triệt tiêu thiên địch và một số loại cỏ dại kháng thuốc.

Sản lượng cây trồng hằng năm ở ĐBSCL không ngừng gia tăng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của việc ứng dụng giải pháp tiến bộ kỹ thuật BVTV. Tuy nhiên mặt trái của nó là việc lạm dụng thuốc BVTV, phun xịt thuốc vô tội vạ; cây trồng bệnh nhẹ cũng sử dụng thuốc độc hại... đầu độc ruộng đồng.

Thấy sâu rầy là xịt

Ông Tám, nông dân ở phường Thới Long, quận Ô Môn (Cần Thơ) làm ruộng, trồng cây ăn trái quanh nhà. Khi hỏi chuyện để lúa trúng mùa và xoài, mận… làm sao đậu nhiều trái, ông Tám phán ngay: “Chẳng có bí quyết gì, bây giờ nhà nông trồng cây gì mà không dùng thuốc BVTV trừ sâu bệnh mà có ăn mới lạ. Lúa không phun xịt phòng ngừa, sâu rầy tấn công liền. Vườn cây thì cần thuốc nhiều hơn.

Hồi trước xoài, mận, chôm chôm, cam, quýt… cứ để tự nhiên, có trái ngon lành. Nhưng nay chẳng hiểu sao, cây không phun thuốc BVTV, mấy khi có trái ăn được, bổ ra bên trong toàn sâu. Lạ hơn, mấy năm gần đây nhãn, bưởi cũng bị sâu phá hại. Bởi vậy muốn vườn cây đậu trái, tâm lý chung là hễ thấy sâu thì xịt, thậm chí chưa thấy bướm, thấy sâu cũng xịt phòng ngừa cho chắc ăn”.

Đến vườn quýt hồng của anh Út Bích ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đón mùa trái tết sum xuê. Anh là nhà vườn giỏi, đã học lớp IPM áp dụng SX cây ăn trái mỗi năm đều trúng mùa. Thế nhưng theo lối nhỏ ra khoảng giữa bờ vườn nhà anh, thấy một hố sâu, rộng hơn 6 m2 chứa gần đầy vỏ bao bì, chai lọ đủ loại nhãn hiệu thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng trái.

Tương tự ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai (Cần Thơ), anh Lê Trung Ngôn trồng hơn 5 công sơ ri. Anh quả quyết: "Nếu không có thuốc BVTV, nhà vườn khó có cách nào giữ cây cho đậu trái để bán. Cây trồng bây giờ giống như nghiện… thuốc vậy".

Anh Hòa, canh tác 3 ha lúa ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, bộc bạch: "Chúng tôi nghe đài, đọc báo hay hội họp, cán bộ kỹ thuật đều khuyên nên giảm dùng thuốc BVTV. Mấy năm gần đây có một số loại thuốc sinh học trừ sâu rầy bán ra thị trường nhưng nông dân ít sử dụng, một phần do yếu vốn, họ mua nợ tiền phân thuốc nên phụ thuộc nhiều vào chủ đại lý.

Đại lý đưa loại nào thì nông dân mang loại ấy ra đồng "xài" thử. Tâm lý chung là hễ phun thuốc thấy sâu rầy chết ngay thì cho là hiệu nghiệm. Trong khi thuốc sinh học ngấm từ từ, hiệu quả có nhưng chậm hơn. Nông dân lo sợ lúa giảm năng suất, thua anh em hàng xóm nên ít dùng".

Những con số giật mình

Hằng năm ở ĐBSCL có 1,85 triệu ha đất lúa, sản lượng đạt gần 24,3 triệu tấn, cùng với 228.000 ha cây ăn trái, thu hoạch 3,18 triệu tấn. Cùng với sự gia tăng năng suất, sản lượng mùa vụ cây trồng, chưa tính tới lượng phân bón, số lượng thuốc BVTV sử dụng không ngừng tăng lên.

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ:

"Đối với thuốc BVTV độc hại, nếu loại bỏ ra khỏi danh mục thì mạnh dạn loại trừ, ngoại trừ trường hợp thuốc “đặc trị” chưa có thuốc khác thay thế. Về góc độ quản lý, có thể chọn 3 phương án. Thứ nhất, cấm hẳn thuốc hóa học. Thứ hai, cho sử dụng thuốc BVTV trong trường hợp đặc biệt với giá cao. Thứ ba, đưa thuốc sinh học cùng hiệu năng như thuốc hóa học vào danh mục, khuyến cáo thay thế
thuốc hóa học".

Vào cuối tháng 11/2013, Trung tâm BVTV phía Nam phối hợp Cty CP BVTV An Giang tổ chức sơ kết chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" tại An Giang. Tại hội nghị, Trung tâm BVTV phía Nam công bố, trước năm 2006 VN sử dụng từ 35.000 - 37.000 tấn thuốc trừ sâu bệnh/năm. Đến năm 2008 là 110.000 tấn, tăng gấp 3 lần. Theo tính toán của các chuyên gia, tại VN, lượng bao bì thuốc BVTV chiếm 14,86%, riêng lượng thuốc bám dính bao bì từ 1,85 - 2%, tương đương 195 tấn thuốc BVTV.

Theo một nghiên cứu của Trường ĐH An Giang, năm 2010, tỉnh An Giang sử dụng 5.693 tấn thuốc BVTV, trong đó phần lớn rác thải vứt ngoài đồng, thả xuống sông rạch hoặc đốt. Có một thực tế không thể phủ nhận là cứ mỗi khi trong vùng ĐBSCL xảy ra đại dịch rầy nâu, lượng thuốc BVTV sử dụng tăng lên rất nhanh.

Vào lúc cao điểm năm 2006, tổng diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở các tỉnh phía Nam lên tới trên 175.000 ha, chiếm 4,18% diện tích gieo sạ, trong đó có gần 100.000 ha nhiễm nặng và trên 25.000 ha phải tiêu hủy. Sau đó các địa phương thực hiện nhiều biện pháp tổng hợp phòng chống dịch hiệu quả, trong đó có sử dụng thuốc BVTV nên khống chế được dịch hại. Những năm sau đó bệnh VL-LXL giảm rất nhanh. Nhưng ngược lại cứ sau mỗi đợt dịch hại thói quen dùng thuốc BVTV lại tăng lên.

Ông Hồ Minh Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam thừa nhận, từ khi có nhiều giống lúa nhiễm rầy, VL-LXL... lượng thuốc BVTV tăng rất cao so với năm 1992. Năm 2008, các DN chi 150 triệu USD để nhập thuốc BVTV. Trong khi đó các cán bộ trong ngành BVTV cho rằng, ý thức bảo vệ môi trường từ cộng đồng trong thời gian qua vẫn còn thấp do sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. 

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, việc lạm dụng và sử dụng sai thuốc BVTV tạo ra những hệ lụy nguy hại như gia tăng sâu bệnh, triệt tiêu thiên địch và một số loại cỏ dại kháng thuốc.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.