| Hotline: 0983.970.780

Biệt phủ cho những cuộc thử nghiệm

Thứ Năm 05/07/2012 , 10:19 (GMT+7)

Căn biệt thự nằm trong khuôn viên 3000m2 vườn từ lâu đã trở thành biệt phủ thử nghiệm cho một công nghệ đang dần thống lĩnh trên thế giới, công nghệ nano.

Ngành thời thượng trên thế giới, công nghệ nano liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô một phần tỉ mét lại được một ông già tuổi gần bát tuần mê như điếu đổ…

Biệt phủ cho những cuộc thử nghiệm

Căn biệt thự nằm trong khuôn viên 3000m2 vườn, phía đón gió từ đồng lúa, bề tiếp giáp hai sông, là biên giới cuối cùng của xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) với tỉnh Hưng Yên từ lâu đã trở thành biệt phủ thử nghiệm cho một công nghệ đang dần thống lĩnh trên thế giới, công nghệ nano.

Khuôn mặt khắc khổ, chỉ có ánh mắt ông là le lói những tia sáng lạ thường. Giáo sư Đinh Xuân Bá, nguyên là Chủ nhiệm khoa Tin học Đại học Bách khoa Hà Nội, nổi tiếng với cách giảng những vấn đề hóc búa đến mấy cũng thành dễ nuốt như cơm bình dân. Chẳng hạn như trong bữa cơm gia đình bàn về thành lập Viện nghiên cứu nano của hệ thống SECOIN, ông thủng thẳng: “Thực ra bây giờ mình mới nghĩ đến thành lập Viện nghiên cứu nano chứ ông cha ta đã dùng sản phẩm nano từ đời xửa, đời xưa”.


Ông già nano Đinh Xuân Bá

Nghe thấy lạ quá, mấy đứa con ông mắt tròn, miệng dẹt, buông rơi cả đũa. Ông cười rồi lại thủng thẳng: “Các con không thấy muốn chống mọt thì ông cha ta hay đem đồ vật lên gác bếp à? Bồ hóng chính là nano, là những hạt cực nhỏ kích cỡ một phần tỉ mét đấy. Thế giới có hai phương pháp làm nano là từ trên xuống và từ dưới lên. Cách từ dưới lên là hình thành vật liệu nano từ các nguyên tử hoặc ion còn trên xuống là từ những hạt rất to, “nghiền” nó ra thành những hạt nhỏ cỡ nano. Khói bếp lơ lửng không trông thấy, nhưng ngồi trong bếp một lúc rồi quẹt lên mũi xem, đen kịt. Nano đấy! Nó hình thành theo cách từ dưới lên. Các con phải học cách nghĩ cái gì cũng đơn giản để không sợ những khái hiệm khó nhưng lúc bắt tay thực hiện phải thực sự nghiêm túc mới thành công”.

Cũng bằng cách giảng giải cực dễ hiểu ấy, ông xoay xoay ba cái cốc trên bàn trà rồi bảo tôi rằng: “Ba cái này chính là ba phân tử nước, là H20. Đây là 0, đây là hai H, thằng mang điện tích dương, thằng mang điện tích âm. Phân tử nước là phân tử lưỡng cực. Đấy là xét riêng một phân tử nhưng trong nước có hàng triệu phân tử, chúng kết thành bè, mỗi cái có hàng trăm, hàng ngàn phân tử. Nước bất kỳ ở đâu, trong cơ thể con người hay ngoài tự nhiên không tồn tại như những phân tử độc lập mà tồn tại thành bè. Nếu các bè đó do một lực gì tác động lên, không phải hóa chất, mà tách thành các cụm phân tử nhỏ, có 5-6 phân tử chứ không phải hàng trăm, hàng ngàn phân tử kết thành bè như bình thường, nước như thế gọi là nước hoạt thủy, tức nước nano”.

Thứ nước thần kỳ này tốt cho sự chuyển hóa trong các loại sinh vật. Ví như cây cối, nước được đưa từ dưới đất lên thân cây qua hệ thống mạch rất bé. Nếu nước kết bè hàng trăm hàng ngàn phân tử với nhau sẽ rất khó chuyển lên thân cây, ngược lại các bè ấy nếu được đánh tan ra chỉ còn là các cụm phân tử nhỏ, rất dễ hấp thụ. Cũng tương tự như vậy, khoảng 70% trọng lượng người là nước, trong các bè phân tử lớn, nếu nước là bè nhỏ sẽ chuyển hóa nhanh hơn rất nhiều.


Cục nano trong chum nước

Ở Nhật Bản những năm 80 của thế kỷ trước có một Cty phát hiện ra loại đá mỏ rất đặc biệt. Họ đem luyện đá đó thành cao su nhân tạo (Bio rubber) bán làm đế kê cốc uống nước. Một miếng nhỏ lót vừa cái cốc giá 3.000 yên Nhật tương đương 800.000 đồng. Tấm lót cốc công nghệ nano này có gì đặc biệt mà đắt kinh hoàng? Nó có tác dụng khi các sóng hồng ngoại trong môi trường phát đến sẽ biến các tia hồng ngoại nói chung thành các bước sóng từ 4-25 micro mét. Bước sóng đó là bio wave, tức sóng sinh học. Sóng đó sẽ giúp đánh tan các mảng bè nước, tạo thành nước hoạt thủy (nước nano). Mấy năm gần đây, người Trung Quốc làm ra cái tương tự, gọi là Nano 863.

Ông có tò mò hỏi tại sao có tên 863, họ bảo nhà nước Trung Quốc đưa ra đề án 863, bất kể ở đâu cứ đưa ra một thành tựu mới về công nghệ, được phong cho cái tên 863 và được nhà nước hỗ trợ. Một tài liệu trên mạng của Mỹ lại lý giải một cách khác, 863 chính là tên đề án chế tạo một loại vũ khí vô cùng tinh vi. Một số nhà khoa học Trung Quốc muốn tận dụng mặt tích cực của 863 đó để tạo ra một loạt các sản phẩm nano phục vụ cho nông nghiệp. Có hai loại nano, màu xanh dùng cho cây cối, động vật, loại màu vàng dùng cho người. Vào mạng Youtube gõ từ khóa nano 863 sẽ cho rất nhiều clip nông dân Trung Quốc ứng dụng cho chăn nuôi bò, lợn, gà đến trồng lúa, trồng rau.


Thử nghiệm nano trong bể cá

Theo dự báo của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, giá trị thương mại hàng năm giai đoạn 2011-2015 của tất cả các sản phẩm liên quan tới công nghệ Nano sẽ vào khoảng 1000 tỷ USD. Box: Là một người chuyên nghiên cứu sâu về trầm hương, kỳ nam, ông trồng tới 10.000 cây dó bầu, mày mò thử nghiệm kích cảm tạo trầm nhưng cứ như lời ông trồng cây chỉ để… chơi, dọa là chính vì muốn xuất khẩu trầm phải chứng minh là có trồng. Hiện nay cơn sốt kỳ nam đang lên cực điểm nhưng cũng nên phát triển dó bầu có chọn lọc nghiêm túc chứ đừng làm bừa, phát triển các giống xấu trên toàn quốc thì kiểu gì cũng chết.

“Khi hàng trăm, hàng ngàn phân tử nước kết thành bè, các H+ dính vào các O, lượng H+ tự do không còn mấy nữa. Khi đánh tan nó ra bằng công nghệ nano, lượng H+ tự do rất nhiều. H+ nhiều đồng nghĩa độ pH của nước tăng lên, ta tạm gọi là nước kiềm tính. Thế giới văn minh đang đi tìm kiếm nước kiềm tính để uống. Một chiếc máy chạy bằng điện để tăng độ pH trong nước có giá vài ngàn USD. Nước giếng ở đây khi tôi đo độ pH khoảng 6, nước hoạt thủy độ pH lên tới 8,13. Hơi khác tấm nano của Trung Quốc, tấm lót nano của Nhật không dùng để ngâm trong nước mà để kê dưới cốc rượu, tối đa 3 phút sau, rượu đó khác đi, uống dịu và thơm hẳn lên”.

Công nghệ nano sẽ làm thay đổi nhiều thứ, điều đó đang là sự thật hiển nhiên. Một giáo sư Ấn Độ còn khẳng định một cách chắc chắn rằng công nghệ nano sẽ tạo cách mạng xanh lần thứ hai trong nông nghiệp ở nước này.

Với ông thì đơn giản hơn: “Công nghệ nano không chỉ làm thay đổi quá trình sinh trưởng của các sinh vật mà nó còn tác động đến công nghệ sau thu hoạch và công nghệ làm nông sản. Như củ nghệ, tác dụng rất lớn với sức khỏe con người, bôi vào vết sẹo giúp nhanh lành, đau dạ dày uống nhanh khỏi…Tốt thật đấy nhưng để chữa bệnh thì có khi một ngày phải ăn cả vài cân nghệ. Trong cân nghệ đó có khi chỉ vài miligram thấm vào cơ thể còn lại biến thành “bã” hết. Đó là tính sinh khả dụng của một chất, bao nhiêu phần trăm chất đó đưa vào mới chuyển hóa vào trong cơ thể con người đúng vị trí nó cần. Có phải dễ mà vào đâu. Thay vì phải ăn cả cân nghệ, lọ nano nghệ của Singapore có giá bán 99 USD chỉ uống ngày có 9 giọt là đủ, nó có hiệu suất sinh khả dụng hơn 99%”. Đang có trong tay vài sản phẩm nano nghệ của thế giới để nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm, ông cho rằng Việt Nam phải làm ra các thứ như thế này.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất