| Hotline: 0983.970.780

Bình Định cần tập trung phát triển chăn nuôi, thủy sản

Thứ Tư 19/09/2012 , 10:51 (GMT+7)

Ngày 18/9, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Bình Định...

Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định

Ngày 18/9, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Bình Định về tình hình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản, đồng thời kiểm tra công tác thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.

Người dân hưởng ứng NTM

Vừa đặt chân đến đất Bình Định, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã về thăm xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), điểm sáng của mô hình xây dựng NTM của tỉnh này.

Ông Cao Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, báo cáo những thành quả đã đạt được trong tiến trình xây dựng NTM trong thời gian vừa qua. Đến nay, xã Nhơn Lộc đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Từ nay đến cuối năm 2012, Nhơn Lộc phấn đấu đạt chuẩn thêm 2 tiêu chí nữa. Ngoài ra, xã sẽ có giải pháp hữu hiệu để giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Đến năm 2015, xã Nhơn Lộc sẽ cán đích với 4 tiêu chí còn lại.

Ông Cao Văn Nghĩa cho biết: “Về giao thông, chúng tôi đã làm 7 tuyến đường thôn, xóm. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của người dân khi họ tình nguyện hiến gần 5.000m2 đất để làm đường. Ngoài ra, người dân còn đóng góp 50% kinh phí cứng hóa giao thông bằng đất sỏi đồi, 50% kinh phí còn lại do nguồn ngân sách xã hỗ trợ. Trong năm 2012 này, chúng tôi sẽ tiếp tục bê tông hóa thêm 3km đường nữa. Về thủy lợi, đến nay đã kiên cố hóa 5,3km kênh mương nội đồng, từ nay đến cuối năm sẽ làm thêm 2km. Sang năm 2013, tiếp tục hoàn tất thêm 3km kênh mương nữa để đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi. Cũng trong năm nay chúng tôi sẽ triển khai xây dựng nhà văn hóa xã và 5 nhà văn hóa thôn”.

Sau khi làm việc với chính quyền địa phương xã Nhơn Lộc, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra Nhà Văn hóa thôn Đông Lâm đang xây dựng và tình hình sản xuất của làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá tại thôn Cù Lâm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát biểu dương những nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Nhơn Lộc trong công tác thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Bộ trưởng nói: “Tôi đánh giá cao sự đồng thuận trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong hệ thống chính trị của xã Nhơn Lộc. Đặc biệt, Nhơn Lộc đã làm tốt công tác tuyên truyền nên đã đạt được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng NTM, cụ thể là đã có rất nhiều hộ dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn".

Tập trung chăn nuôi, thủy sản

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản của địa phương này.

Theo báo cáo của ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển ổn định, tốc độ phát triển tổng sản phẩm xã hội (GDP) tăng bình quân từ 4,5-5%/năm, chiếm tỷ trọng 33,03% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (năm 2011), góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Để có được kết quả ấy là nhờ sản xuất nông, lâm và thủy sản của Bình Định đã phát triển khá toàn diện.

Trên lĩnh vực trồng trọt, Bình Định đã duy trì Chương trình cấp 1 hóa giống lúa, đảm bảo tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 98%; diện tích lúa lai đạt 20.000 ha/năm. Bình Định cũng đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung mía, mì phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn tỉnh có 250.843 con bò, tỷ lệ bò lai chiếm 72% so với tổng đàn; đàn heo 682.817 con và đàn gia cầm trên 6,3 triệu con. Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm khá tốt nên trong thời gian vừa qua, mặc dù các tỉnh lân cận đã bị “dính” dịch cúm gia cầm nhưng ở Bình Định, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát và được khống chế.

Hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản phát triển với sản lượng thủy hải sản khai thác hàng năm đạt trên 100 ngàn tấn. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, Bình Định chú trọng công tác trồng, giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay Bình Định đã thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; quy hoạch xây dựng bộ tiêu chí NTM cho 124 xã, lập đề án cho 64 xã hoàn thành xây dựng NTM đến năm 2020. Riêng trong năm 2012, tỉnh Bình Định đã đầu tư 291,762 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển sản xuất tại các xã NTM. Đến năm 2015, Bình Định phấn đấu có 20% số xã ở các huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn NTM.

“Bộ NN-PTNT rất ủng hộ đầu tư cho thủy lợi để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nếu xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và cần xây dựng hệ thống thủy lợi để phục vụ, Bình Định cần lập đề án để Bộ NN-PTNT xem xét, đầu tư vào những năm tới”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.

Tại buổi làm việc, Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để nâng cấp 4 hồ chứa nước cấp bách trong giai đoạn 2013-2015 và các dự án: Hệ thống kênh tưới Văn Phong, dự án hồ Đồng Mít, dự án hoàn chỉnh hệ thống Tân An - Đập Đá. Ngoài ra, Bình Định còn đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cảng cá Tam Quan, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão đầm Đề Gi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy Bình Định đã quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn trong thời gian qua.

Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu: “Trong thời gian tới, Bình Định cần duy trì tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, Bình Định cần tập trung cao hơn đối với những ngành có nhiều tiềm năng như chăn nuôi và thủy sản. Riêng ngành trồng trọt, Bình Định cũng cần phải có những điều chỉnh về cơ cấu cây trồng, tập trung cho những đối tượng cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Về Chương trình xây dựng NTM, mặc dù trong điều kiện khó khăn về kinh phí nhưng trong thời gian tới, Bình Định cần phải dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến trình thực hiện”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm