| Hotline: 0983.970.780

Bình Định cảnh báo vụ tôm bất trắc do vắng lũ

Thứ Năm 25/02/2021 , 10:22 (GMT+7)

Do năm trước vắng lũ, ao hồ nuôi tôm không được nước lũ gột rửa nên vụ tôm năm nay tỉnh Bình Định phải đối mặt với nhiều bất trắc bởi ô nhiễm.

Khởi động vụ tôm mới

Theo kế hoạch, trong năm 2021, tỉnh Bình Định sẽ thả nuôi tôm trên diện tích 2.107ha. Vùng nuôi tôm thâm canh tập trung tại các huyện Phù Cát và Phù Mỹ, thả giống vụ 1 từ tháng 2 - 4. Vùng nuôi tại đầm phá, cửa sông ở phía Nam TX Hoài Nhơn thả nuôi vụ 1 từ tháng 2 đến giữa tháng 5.

Những vùng nuôi tôm khác ở TX Hoài Nhơn, TP. Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ thả nuôi vụ 1 từ tháng 3 - 5. Hiện, một số vùng nuôi tôm trên cát, vùng cao triều, người nuôi tôm ở Bình Định đang cải tạo ao hồ, chuẩn bị thả giống nuôi vụ 1/2021 theo lịch thời vụ do ngành nông nghiệp tỉnh này ban hành.

Ông Trương Văn, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn), người đang có 2 ao nuôi tôm với diện tích 1.500m2, cho hay, ông đã cải tạo ao từ đầu tháng Chạp âm lịch và đã tiến hành xử lý nước trong và thả nuôi ương 500.000 con tôm thẻ chân trắng. Sau khi nuôi ương khoảng 30 ngày, ông Văn sẽ đưa tôm qua 2 ao nuôi với mật độ thích hợp theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Được biết, vùng nuôi tôm trên cát tại thôn Lộ Diêu có 25 hộ nuôi với hơn 40ha. Đây là vùng cao triều, cơ sở hạ tầng khá tốt nên bà con thả tôm nuôi quanh năm, sản lượng thu hoạch bình quân 10 - 12 tấn/ha/vụ.

Vùng nuôi tôm ở thôn An Lợi, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) đang cải tạo ao hồ, lắp máy sục khí chuẩn bị thả giống vụ 1/2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vùng nuôi tôm ở thôn An Lợi, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) đang cải tạo ao hồ, lắp máy sục khí chuẩn bị thả giống vụ 1/2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, các vùng nuôi tại đầm phá, cửa sông ở tỉnh này có hạ tầng kém, không đảm bảo do ô nhiễm môi trường nên hiện chưa có hộ nào thả tôm giống. Những hộ nuôi ở đây đang thực hiện gia cố, nạo vét, vệ sinh, cải tạo ao đìa để chuẩn bị thả giống nuôi vụ 1.

“Chúng tôi tăng cường quản lý vùng nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi tôm phải tuân thủ theo lịch thời vụ. Đồng thời chúng tôi tiến hành quan trắc, kiểm tra các thông số nhiệt độ, độ pH, độ mặn, độ kiềm tại các vùng nuôi để giúp người dân kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh tôm trong vụ nuôi mới”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

Đối mặt nhiều bất trắc

Anh Phạm Văn Chạy, Trưởng Ban quản lý cộng đồng vùng tôm nuôi theo hướng an toàn sinh học với 25ha tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), nhận định, vùng nuôi tôm Đông Điền đến khoảng cuối tháng 2/2012 mới bắt đầu cải tạo ao hồ để đầu tháng 3 âm lịch là thả giống. Vụ nuôi đầu năm nay sẽ gặp không ít khó khăn. Bởi năm 2020 vừa qua Bình Định không có lũ, tồn dư thức ăn trong những vụ nuôi năm trước không được lũ gột rửa sẽ gây ô nhiễm đáy ao.

"Không có lũ rửa trôi nên môi trường bên ngoài ao hồ cũng không được sạch, vì vậy, nếu không cải tạo ao hồ kỹ lưỡng sẽ phát sinh dịch bệnh trên tôm. Ngoài ra, thời tiết trong vụ nuôi đầu năm cũng rất bất thuận để tôm phát triển”. Anh Chạy lo lắng.

Người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đang kiẻm tra độ mặn của nguồn nước nuôi trước khi thả giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đang kiẻm tra độ mặn của nguồn nước nuôi trước khi thả giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo anh Chạy, trước điều kiện bất thuận kể trên, người nuôi tôm phải thực hiện việc cải tạo ao hồ thật kỹ, nhất là công đoạn xử lý đáy ao mới mong có vụ nuôi an toàn. Thức ăn cho tôm tồn dư trong đáy ao từ những vụ nuôi năm trước không được lũ gột rửa phải được xử lý thật kỹ bằng vôi và thuốc vi sinh. Bình thường, xử lý 1ha ao hồ chi phí khoảng từ 25 - 30 triệu đồng, nhưng trong điều kiện như đã nói trên, sau khi xả nước vào, người nuôi phải xử lý hóa chất để diệt khuẩn, cấy vi sinh để tái tạo môi trường nguồn nước mất thêm khoảng 5 triệu đồng/ha ao hồ nữa thì mới dám thả tôm giống.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, để giúp người nuôi tôm trong tỉnh bảo toàn tôm nuôi trong vụ nuôi mới, ngành chức năng tỉnh này đã phân bổ hơn 57 tấn hóa chất sát trùng để các địa phương cấp cho người nuôi tôm xử lý môi trường vùng nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống nhằm đảm bảo đầu vào đạt chất lượng, tôm giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng. Khi khởi động vụ nuôi mới, đơn vị này còn phân công cán bộ kỹ thuật đến từng địa bàn để hướng dẫn người nuôi tôm cải tạo ao hồ, lấy mẫu tôm giống xét nghiệm dịch bệnh.

Người nuôi tôm ở Bình Định đang dùng hóa chất xử lý nguồn nước nuôi trước khi thả giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người nuôi tôm ở Bình Định đang dùng hóa chất xử lý nguồn nước nuôi trước khi thả giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Theo dự báo, tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 thời tiết âm u do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc sẽ gây bất thuận cho tôm sinh trưởng, phát triển. Gió mùa Đông Bắc sẽ khiến nước trong ao nuôi bị lạnh, tôm giống mới thả nuôi gặp phải điều kiện sống không phù hợp sẽ phát triển èo uột, đối mặt với dịch bệnh. Tôm vừa thả nuôi mà gặp thời tiết nắng ấm sẽ phát triển ổn định hơn”, anh Phạm Văn Chạy, Trưởng Ban quản lý cộng đồng vùng tôm nuôi theo hướng an toàn sinh học Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) chia sẻ.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.