| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Cầu tạm An Liên lại gãy, tai nạn rình rập người dân

Thứ Sáu 15/11/2019 , 15:23 (GMT+7)

Cơn bão số 5 đánh sập cầu An Liên, người dân 2 xã An Dũng và An Vinh (huyện An Lão, Bình Định) khắc phục tạm bằng cách làm cầu sạp gác ván, thế nhưng chiếc cầu tạm này tiếp tục bị bão số 6 đánh gãy, chìm dưới sông Dinh.

Cơn bão số 5 đánh gãy cầu An Liên nối 2 xã An Vinh và An Dũng với thị trấn An Lão (huyện An Lão, Bình Định), người dân khắc phục bằng cách gác những thân cây cau qua cầu để đi tạm.

Trong cơn bão số 5 xảy ra vào đầu tháng 11 vừa qua, cây cầu An Liên nối 2 bờ sông Dinh dài khoảng 100m, rộng 4m với 3 nhịp cầu đã bị nước lũ đánh sập. Cầu An Liên là tuyến giao thông độc đạo của 1.200 hộ dân xã An Dũng và xã An Vinh đến trung tâm huyện An Lão (Bình Định).

2 ngày sau, vì quá bức xúc việc đi lại, người dân địa phương đã tạm thời khắc phục bằng cách dùng những thân cây cau tròn ghép lại, gác lên những nhịp cầu đã gãy để đi bộ qua sông. Nhận thấy việc đi qua sông trên những thân cau tròn lẳn, trơn trượt như vậy quá nguy hiểm, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng làm cầu sạp bằng ván bắc qua sông để bà con đi lại. Thế nhưng vào ngày 12/11, cơn bão số 6 tiếp tục đánh gãy chiếc cầu tạm, nhấn 1 đầu cây cầu chìm xuống sông, nguy cơ dẫn tới tai nạn cho người dân qua lại sông Dinh trong điều kiện nước sông đang lớn.

Chị Lỡ Thị Thúy Lan, Chuyên viên phụ trách mầm non của Phòng GD – ĐT An Lão, lo lắng: “Bên xã An Vinh có điểm trường mẫu giáo bán trú, hàng ngày các cô giáo phải vận chuyển thức ăn mua từ xã An Hòa lên trường để nấu bữa trưa cho các cháu. Để đến xã An Vinh các cô phải qua sông Dinh, thế nhưng điều kiện cầu An Liên như thế này việc qua lại của các cô giáo là quá nguy hiểm”.

Thấy đi lại trên những thân cây cau quá nguy hiểm, chính quyền địa phương làm cầu sạp thì lại bị bão số 6 đánh sập 1 đầu cầu chìm dưới sông Dinh.

Ông Đinh Văn Leng, 1 người dân ở xã An Dũng, cũng cho biết: “Đời sống của người dân 2 xã An Dũng và An Vinh bị ảnh hưởng nhiều từ ngày cầu An Liên bị sập đến nay. Mỗi khi nước sông Dinh dâng cao thì việc đi qua các đoạn cầu tạm rất nguy hiểm, nhất là các em học sinh. Hàng hóa nặng vận chuyển qua cũng không được. Bà con mong Nhà nước sớm quan tâm sửa chữa lại cây cầu để mọi người đi lại được an toàn”.

Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch UBND xã An Dũng, cho biết: “Trước mắt, xã tiếp tục cắt cử lực lượng theo dõi, giám sát việc đi lại của người dân qua cầu An Liên. Vào những ngày nước sông Dinh dâng cao, chảy xiết, không đảm bảo an toàn cho người dân qua lại cầu sạp thì địa phương thông báo, cắt cử lực lượng khuyến cáo người dân không nên đi lại”.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho hay: Huyện An Lão đã làm việc với Sở GT-VT Bình Định về việc khắc phục các nhịp cầu An Liên bị gãy để đảm bảo an toàn cho người qua lại. Trước mắt, Sở GT-VT Bình Định đã đồng ý hỗ trợ cho huyện 3 dầm sắt chữ Y, mỗi nhịp dài 18m, rộng gần 1m, làm cầu để xe gắn máy, ô tô qua lại.

“Tuy nhiên, nước sông Dinh vẫn còn lớn, chảy xiết, nên việc khắc phục cầu An Liên chưa thể triển khai. Chờ nước sông Dinh rút bớt, UBND huyện sẽ yêu cầu đơn vị thi công gia cố thêm rọ đá, cọc sắt các mố cầu, sau đó sẽ tiến hành lắp đặt các thanh dầm hình chữ Y. Dự tính trong tháng 11/2019, công tác sửa chữa, khắc phục sự cố cầu sập sẽ hoàn thành”, ông Nam nói.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.