| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Đắng lòng dưa hấu

Thứ Sáu 05/03/2010 , 10:54 (GMT+7)

Chỉ mới trước Tết Nguyên đán, dưa hấu được bán tại ruộng còn đứng ở giá 6.000đ/kg. Chưa kịp mừng, sang đến giữa tháng Giêng này giá dưa bỗng tuột xuống chỉ còn 1.700đ/kg.

Chỉ mới trước Tết Nguyên đán, dưa hấu được bán tại ruộng còn đứng ở giá 6.000đ/kg. Các chủ ruộng có dưa chưa đến kỳ thu hoạch như mở cờ trong bụng. Chưa kịp mừng, sang đến giữa tháng Giêng này giá dưa bỗng tuột xuống chỉ còn 1.700đ/kg. Mà dưa thì không thể “giam hàng” chờ giá. Bán xong ruộng dưa, nông dân cầm những đồng tiền “còm cõi” mà thấy đắng lòng.

Dưa hấu du canh

Rút kinh nghiệm từ những “cú thua” trước đây, người trồng dưa hấu ở Bình Định nhận ra rằng, để cầm chắc thắng lợi, trên 1 diện tích đất không thể trồng 2 vụ dưa liên tục bởi đất thể nào cũng hóa cằn và dễ sinh sâu bệnh gây hại cho vụ sau. Do đó trong vài năm trở lại đây, người trồng dưa hấu ở Bình Định rong ruổi khắp nơi trong tỉnh, lên đến Tây Nguyên để thuê đất trồng dưa luân chuyển. Từ đó hình thành nên những hộ trồng dưa nhiều năm bám nghề, trở nên chuyên nghiệp.

Ông Huỳnh Chút - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Canh cho biết: “Vân Canh là huyện có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Bình Định. Trong vụ đông xuân này, diện tích trồng dưa tăng lên đến hơn 300 ha. Tuy nhiên, chủ ruộng dưa là người địa phương rất ít mà hầu hết là những người trồng dưa hấu chuyên nghiệp ở huyện Tây Sơn xuống đây thuê đất trồng. Giá cho thuê đất ở đây tùy từng loại đất. Đất mới hoặc đất gần nước được cho thuê từ 5-6 triệu đồng/ha/3 tháng. Đất đã từng trồng dưa những năm trước hoặc xa nước được cho thuê với giá 4 triệu đồng/ha/3 tháng. Nông dân Vân Canh chỉ chuyên trồng mì (sắn), vụ đông xuân cho những hộ trồng dưa thuê đất, qua Tết âm lịch thu hoạch xong, thời tiết mát mẻ xuống giống mì rất thuận lợi lại được hưởng phân bón của cây dưa để lại trong đất nên ai cũng muốn cho những hộ trồng dưa thuê đất để kiếm thêm thu nhập”.

Nắng chang chang giữa tháng Giêng, chúng tôi lặn lội về xã Canh Hòa (Vân Canh) để tận mắt nhìn những cánh đồng dưa xanh ngút mắt đang kỳ thu hoạch ở đây. Chị Nguyễn Thị Ngọc, quê ở thôn 2, xã Bình Nghi (Tây Sơn) tâm sự: “Vợ chồng tôi nối nghề trồng dưa từ ba mẹ đã được 8 năm nay. Lỡ “ăn thua” với nghề này rồi nên bây giờ bỏ không được chứ trồng dưa du canh cực khổ lắm. Trồng dưa bây giờ cũng như trồng lúa, mỗi năm làm 3 vụ. Mà phải làm luân chuyển đất, vụ đông xuân này làm ở Vân Canh, đến 20 tháng Giêng thu hoạch xong là quay về Tây Sơn thuê đất làm vụ hè. Đến tháng 5 (ÂL) thu hoạch vụ hè vợ chồng lại khăn gói lên Tây Nguyên thuê đất làm tiếp. Cứ thế xoay vòng quanh năm, 2 đứa con nhỏ gửi gắm cho nội, ngoại trông nuôi. Làm dưa là phải bám dưa từng ngày để theo dõi sâu bệnh nên vợ chồng tôi xem trại dưa như là căn nhà “di động”. Đã 8 năm qua vợ chồng tôi chưa biết ăn Tết với gia đình là gì”.

Trồng dưa như… đánh bạc

Mặc dù đã cẩn trọng, trồng luân chuyển vùng đất để “né” sâu bệnh nhưng người trồng dưa vẫn không thể “né” được những trận thua thê thảm do giá cả bập bênh. Người trồng dưa hấu chuyên nghiệp ở Bình Định thường ví nghề của mình như là… đánh bạc. Như năm nay, những ruộng dưa thu hoạch trong những ngày trước Tết Canh Dần thì lãi tưng bừng với cái giá bán tại ruộng từ 6.000đ-7.000đ/kg. Nhưng chỉ vài chục ngày sau Tết chủ những ruộng dưa thu hoạch lúc này ai nấy đều méo mặt vì giá dưa đã tuột xuống chỉ còn 1.700đ/kg.

Chị Nguyễn Thị Ngọc nhìn ruộng dưa của mình đang phơi trái dày cả mặt đất mà ngậm ngùi: “Vụ này vợ chồng tôi thuê ở xã Canh Hòa (Vân Canh) 16 sào đất, riêng tiền thuê đất đã gần 7 triệu đồng. Do đất xấu lại xa nước nên phải đầu tư cao, nếu như ruộng đất mới, gần nước thì chỉ đầu tư chừng 4 triệu đồng/sào thì tôi phải đầu tư từ 5-6 triệu đồng/sào dưa. Với năng suất từ 2-2,5 tấn/sào mà bán được giá 6.000đ-7.000đ/kg như thời điểm này năm ngoái thì “trúng”, nếu bán giá 3.000đ/kg thì còn lãi ngày công, còn bán giá 1.700đ/kg như hiện nay thì lỗ chỏng gọng!”.

Chúng tôi dạo quanh những điểm các thương lái tập trung dưa chuẩn bị cân lên các xe tải để chở sang Trung Quốc để tìm hiểu vì sao dưa rớt giá đột ngột và thê thảm đến vậy. Thương lái tên Hoa quê ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) cho biết: “Thị trường tiêu thụ dưa hấu chủ yếu là ở Trung Quốc. Giá cả thì tùy thuộc vào thời tiết, ở đó nắng nóng thì giá dưa tăng cao, nếu trời trở rét đột ngột thất thường như năm nay thì dưa hấu lập tức bị ế”.

Khổ thân cho người trồng dưa, có ai tài cán gì “dự báo” được thời tiết của nước bạn đến 3 tháng sau. Đến vụ cứ trồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” suốt 3 tháng ròng rã, đến kỳ thu hoạch mà rớt giá thì người trồng dưa chỉ biết khóc ròng. Chị Lê Thị May ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh (Vân Canh) buồn rầu ngồi trước đống dưa của mình nói như khóc: “Tôi là dân ở đây nên không phải thuê đất, nhà có 10 sào đất, làm lúa thì thu nhập chẳng là bao. Vụ này vợ chồng tôi vay mượn của bà con họ hàng 20 triệu và mua nợ vật tư của các đại lý đầu tư trồng dưa hấu, cầu may được mùa trúng giá kiếm ít vốn hộ thân.

Nào ngờ đến khi thu hoạch thì dưa rớt giá chỉ còn 1.700đ/kg. Mà đâu phải tất cả đều bán được giá đó, các thương lái lựa ra, chỉ mua những trái có trọng lượng từ 1,5 kg trở lên, số còn lại chúng tôi đành bán chợ được đồng nào hay đồng đó. Nhà tôi cách đây 1 con sông mà không có cầu, nên muốn vận chuyển dưa qua sông sang đây để cân cho thương lái tôi phải thuê 4 chuyến xe Chiến Thắng chi phí hết 1 triệu đồng nữa. Lỗ nặng, chắc rồi đây phải bán mấy con bò để trả nợ cho dưa”!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.