| Hotline: 0983.970.780

Bình Định đề nghị bổ sung hạn ngạch tàu đánh bắt vùng khơi

Thứ Năm 01/08/2019 , 08:59 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa có quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho Bình Định với 3.118 tàu cá được phép khai thác thủy sản ở vùng khơi.

Trong quá trình triển khai, tỉnh gặp vướng vì có 723 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên (chiều dài dưới 15m) phải thay đổi ngư trường từ vùng khơi vào vùng lộng.

09-16-57_img_3613
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định khai thác cá ngừ sọc dưa.

Tuy nhiên, xác định việc cấp hạn ngạch là cơ sở để quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản đúng theo Luật Thủy sản 2017, hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm, bền vững, tỉnh Bình Định vẫn quyết tâm thực hiện.
 

Quy định mới phân định rạch ròi ngư trường

Bên cạnh bức xúc của các chủ tàu có công suất lớn hơn 90CV (chiều dài thân tàu dưới 15m) đang đánh bắt vùng khơi, giờ theo quy định mới phải vào đánh bắt trong vùng lộng, cũng có nhiều ý kiến của ngư dân còn lại đều đồng tình với quy định khai thác thủy sản theo hạn ngạch, bởi cho rằng đây là sự phân định rạch ròi ngư trường khai thác.

Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, người “cầm chịch” đội tàu 14 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), số lượng tàu đang đánh bắt vùng khơi ngày càng tăng đến “chóng mặt”, trong khi nguồn lợi thủy sản tại ngư trường vùng khơi ngày càng cạn kiệt, do đó, hiệu quả đánh bắt của các tàu cá chuyên đánh bắt khơi xa cũng giảm theo.

“Quy định mới theo Luật Thủy sản 2017 là tàu cá có chiều dài dưới 15m không được đánh bắt vùng khơi sẽ làm giảm áp lực cho ngư trường này, tuy nhiên, sẽ tạo áp lực lớn cho vùng lộng. Muốn hướng đến nghề cá bền vững, ngành chức năng cần xem xét hạn chế việc đóng mới tàu cá và từng bước giảm dần số lượng tàu đang đánh bắt trên biển. Muốn vậy, Nhà nước phải mở hướng cho ngư dân làm các nghề trên bờ”, ông Ninh bộc bạch.

Ngư dân Trương Văn Thành, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 91015 TS ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Lâu nay vùng hoạt động của các tàu cá đánh bắt xa bờ không rõ ràng, có những tàu khai thác vùng khơi lại vào hoạt động ở vùng lộng hoặc ngược lại. Nay, quy định cấp giấy phép khai thác thủy sản sẽ giúp ngư dân hoạt động đúng vùng tuyến theo quy định”.

Ngư dân Võ Trung, chủ 3 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) thì phân tích: “Tôi ủng hộ quy định mới của Nhà nước. Việc cấp hạn ngạch khai thác thủy sản sẽ giúp quản lý việc phát triển số lượng tàu thuyền, tránh hiện tượng có quá nhiều tàu hoạt động ở một vùng, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Hơn nữa chính sách mới quy định rất chi tiết các điều kiện kỹ thuật, theo đó tàu cá muốn ra đến vùng khơi phải đảm bảo nhiều yếu tố an toàn về kỹ thuật, phương tiện, máy móc thiết bị”.
 

Đề xuất Bộ NN-PTNT bổ sung hạn ngạch vùng khơi

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện toàn tỉnh có 6.232 tàu cá; trong đó có 3.038 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi; 1.388 tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng; 1.806 tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ. Theo quy định mới, Bình Định đã được Bộ NN-PTNT cấp 3.118 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi.

Đối với tàu cá khai thác tại vùng lộng và ven bờ, Bình Định đang triển khai cấp 2.997 giấy phép khai thác vùng ven bờ và vùng lộng; trong đó, có 1.609 giấy phép cho tàu đánh bắt vùng ven bờ và 1.388 giấy phép cho tàu đánh bắt vùng lộng. Tính đến nay, tỉnh này đã thực hiện cấp tổng cộng 554 giấy phép khai thác thủy sản, trong đó vùng khơi có 487 giấy phép, vùng lộng 64 giấy phép và vùng ven bờ 3 giấy phép.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp giấy phép khai thác thủy sản, Bình Định gặp vướng vì có 723 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng có chiều dài dưới 15m đang hoạt động khai thác ở vùng khơi phải chuyển sang hoạt động khai thác ở vùng lộng theo quy định.

Đặc biệt trong số này có 400 chiếc đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh sách đăng ký thường xuyên khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 128 chiếc đã lập hồ sơ và nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.

“Nếu 723 tàu cá nói trên chuyển vùng khai thác sẽ gây áp lực rất lớn cho vùng lộng và vùng ven bờ. Nhưng nếu để khối tàu này cải hoán vỏ đáp ứng quy định để tiếp tục được khai thác ở vùng khơi thì lại vướng, bởi 3.118 giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi do Bộ NN-PTNT phân bổ đã nằm trong danh sách đăng ký tàu cá”, ông Nguyễn Công Bình, Chi cục rưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết.

“Để tạo điều kiện cho số tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, có chiều dài dưới 15m được tiếp tục được khai thác thủy sản ở vùng khơi, đảm bảo đời sống, tránh gây bức xúc trong dân và không gây áp lực lớn đối với vùng lộng, Sở NN-PTNT Bình Định đã đề nghị Tổng cục Thủy sản báo cáo, đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho số tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, có chiều dài dưới 15m, được phép cải hoán vỏ tàu từ 15m trở lên để đủ điều kiện khai thác thủy sản ở vùng khơi theo quy định”, ông Nguyễn Công Bình chia sẻ.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.