| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Mạnh dạn tái đàn nhờ chủ động con giống

Thứ Hai 31/08/2020 , 10:00 (GMT+7)

Giá heo hơi hiện đang giảm, heo giống đắt giá, nhưng nhờ chủ động con giống nên người chăn nuôi ở Bình Định vẫn mạnh dạn tái đàn vì có lãi gần 2,5 triệu đồng/con.

Lợi thế chủ động heo giống

Công tác tái đàn heo Bình Định đang được ngành chức năng đẩy mạnh, kết quả tính đến nay tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh này đã đạt hơn 1 triệu con; trong đó có 130.000 con heo nái, 1.200 heo đực giống, 620.000 heo thịt và 248.000 heo con theo mẹ.

Nơi tái đàn heo mạnh nhất ở Bình Định hiện nay là huyện Hoài Ân, vốn được mệnh danh là vựa heo của miền Trung với tổng đàn heo luôn ổn dịnh ở mức trên 300.000 con. Thế nhưng sau thời gian dài bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đến cuối năm 2019 đàn heo ở huyện này chỉ còn 100.000 con.

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhờ Hoài Ân đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, nên hiện đàn heo đã tăng trưởng được 210.000 con. Và cứ với tốc độ này, chỉ từ nay đến cuối nay đàn heo của Hoài Ân sẽ tăng tốc vượt bậc để phục tết Nguyên đán.

12 heo nái của anh Nguyễn Văn Bình vừa đẻ được 60 heo con, sau khi cai sữa anh chuyển sang chuồng neo heo thịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

12 heo nái của anh Nguyễn Văn Bình vừa đẻ được 60 heo con, sau khi cai sữa anh chuyển sang chuồng neo heo thịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, sở dĩ địa phương này tái đàn heo mạnh trong bối cảnh heo giống đang rất đắt đỏ là nhờ người chăn nuôi ở đây chủ động được nguồn heo giống.

Hầu hết các trang trại, gia trại, nông hộ nuôi heo ở đây đều có trong chuồng đàn nái sinh sản, chúng đẻ ra bao nhiêu để lại nuôi hết bấy nhiêu. Khi phong trào tái đàn heo trên địa bàn được đẩy mạnh, đàn heo nái ở đây cũng nhanh chóng tăng trưởng.

“Nếu trước đây Hoài Ân chỉ có 17.000 con heo nái thì nay đã tăng đến 23.000 con, số lượng heo giống chúng đẻ ra dư sức cung ứng cho người chăn nuôi heo trên địa bàn tái đàn. Nếu không chủ động được heo giống thì người chăn nuôi sẽ rất dè dặt tái đàn, bởi giá heo giống cao gấp 3 lần giá heo hơi.

Hiện nay dù giá heo hơi đã giảm 10.000đ/kg, nhưng giá heo giống vẫn không nhúc nhích, thậm chí còn cao hơn trước do nhu cầu tái đàn đang tăng cao, nhất là khi tết Nguyên đán đến gần nhu cầu thịt heo lên cao”, ông Vương cho biết.

Heo nuôi trong dân hiện hạ giá chỉ còn 74.000đ/kg, heo giống đắt gấp 3 giá heo thịt, nhưng nhờ chủ động con giống nên anh Bình vẫn mạnh dạn tái đàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Heo nuôi trong dân hiện hạ giá chỉ còn 74.000đ/kg, heo giống đắt gấp 3 giá heo thịt, nhưng nhờ chủ động con giống nên anh Bình vẫn mạnh dạn tái đàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lãi hơn 2 triệu đồng/con

Anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), người thường xuyên nuôi trong chuồng từ 80 – 100 con heo thịt thương phẩm, nguồn heo giống anh nuôi là từ 12 heo nái sinh ra, nên từ năm ngoái đến nay anh có heo xuất bán đều đặn.

Hiện dù giá heo đã giảm mạnh so với trước, nhưng anh vẫn có lãi hơn 2 triệu đồng/con nhờ không phải bỏ tiền ra để mua heo giống. Theo chia sẻ của anh Bình, anh vừa bán hơn 30 con heo thịt với giá 74.000đ/kg, hạch toán ra anh vẫn còn lãi gần 2,5 triệu đồng/con.

“12 heo nái trong chuồng nhà tôi vừa đẻ 60 heo con sắp tách mẹ, tôi chuẩn bị đưa chúng sang chuồng khác để nuôi thành heo thịt. Tính từ khi tách sữa đến khoảng hơn 4 tháng sau sẽ xuất bán, khi ấy chúng đạt trọng lượng bình quân 75kg/con.

Trong quãng thời gian ấy mỗi con heo sẽ ăn mất khoảng 2,5 triệu thức ăn. Nếu bán với giá 74.000đ/kg heo hơi như hiện nay, thì mỗi con heo thịt cho tôi thu vào hơn 5,5 triệu đồng. Sau khi trừ 2,5 triệu đồng tiền chi phí thức ăn, tôi còn lãi ròng hơn 2,5 triệu đồng/con”, anh Bình tính toán.

Hiện heo giống sạch bệnh được nuôi theo hướng công nghệ cao có giá đắt gấp 3 lần so với giá heo thịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện heo giống sạch bệnh được nuôi theo hướng công nghệ cao có giá đắt gấp 3 lần so với giá heo thịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y Bình Định, tính theo lý thuyết, sản xuất 1kg heo tăng trọng có giá thành khoảng từ 32.000đ – 36.000đ. Thời điểm hiện nay giá thành có tăng hơn do giá con giống cao, phải đầu tư sát trùng chuồng trại, 1kg heo tăng trọng có thể đạt mức 40.000đ – 50.000đ/kg.

Do đó, thậm chí nếu giá heo hơi hạ thấp chỉ còn 60.000đ/kg thì người chăn nuôi vẫn còn lãi, nếu ai nuôi heo nái tự cung cấp được nguồn heo giống thì còn lãi to hơn.

Chủ động đối phó với thời tiết bất lợi

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi- Thú y Bình Định, trong những tháng cuối năm, người dân sẽ tái đàn heo mạnh hơn để cung ứng thịt cho thị trường trong dịp tết.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển đàn heo trong thời điểm này sẽ gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên con heo như bệnh viêm phổi, bệnh tụ huyết trùng, dịch tả lợn châu Phi...

Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm từ thịt heo tràn lan, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh xâm nhập vào đàn heo trên địa bàn.

Nhiều hộ chăn nuôi heo ở Bình Định đầu tư nâng cấp chuồng trại, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để tái đàn heo an toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều hộ chăn nuôi heo ở Bình Định đầu tư nâng cấp chuồng trại, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để tái đàn heo an toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để công cuộc tái đàn heo được an toàn, từ ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi đều chủ động những giải pháp đối phó với những điều kiện bất lợi.

Để tái đàn heo an toàn, đạt hiệu quả cao, đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi heo ở Bình Định đầu tư sửa chữa, nâng cấp chuồng trại và ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Ví như như ông Nguyễn Phúc Ánh ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng khu trạng trại chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học, cách xa khu dân cư.

Để đảm bảo an toàn cho đàn heo, những nông hộ nuôi heo nhỏ lẻ giăng màn ngăn côn trùng quanh chuồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để đảm bảo an toàn cho đàn heo, những nông hộ nuôi heo nhỏ lẻ giăng màn ngăn côn trùng quanh chuồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Ngành chức năng đang tăng cường công tác giám sát dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; phối hợp kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và kinh doanh sản phẩm động vật trái phép. Đồng thời đã hỗ trợ thuốc thú y cho người dân phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Tỉnh cũng đã giải ngân gói tín dụng 150 tỷ đồng để hỗ hộ chăn nuôi trên địa bàn tái đàn heo.

Phần lớn các hộ dân đều đầu tư mua heo con giống từ các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi có uy tín trong tỉnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ngành chức năng tỉnh cũng đang chỉ đạo lực lượng thú y hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn heo”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Hạn hán khốc liệt, nhiều diện tích cà phê bị cháy khô

GIA LAI Tình trạng khô hạn khắc nghiệt kéo dài tại huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã khiến cho nhiều diện tích cà phê bị cháy khô, nguy cơ chết cả vườn cây.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm