Người chăn nuôi tăng đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. |
Đây lại là thời điểm người chăn nuôi tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm, do đó, ngành chức năng và các địa phương vẫn không chút lơ là trong công tác phòng chống dịch nhằm bảo vệ đàn heo trên địa bàn.
Hoài Ân là huyện có đàn heo lớn nhất tỉnh Bình Định với gần 300.000 con hiện đang dồn mọi nỗ lực, áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn DTLCP. Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, trong 40 ngày gần đây, tình hình DTLCP trên địa bàn huyện này đã lắng dịu, không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Hiện giá heo hơi tại huyện Hoài Ân đang tăng cao, từ 39.000 - 40.000đ/kg, mỗi ngày người chăn nuôi trên địa bàn tiêu thụ được khoảng từ 1.000 - 3.000 con heo ra thị trường TP Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Với giá heo như hiện nay, người chăn nuôi heo đã có lãi sau thời gian dài cam chịu cảnh từ lỗ ít đến… lỗ nhiều.
“Dịch bệnh không phát sinh, giá heo hơi tăng, bình quân mỗi con heo xuất chuồng lãi trên 500.000đ, nên người dân đang tái đàn để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng, chính quyền các địa phương hỗ trợ thuốc thú y, vôi bột, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Hữu Khúc, cho hay.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy ở TP Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, diễn biến của DTLCP cũng không còn phức tạp như trước. Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tính đến cuối tháng 9, tỉnh đã xử lý, tiêu hủy 25.187 con heo bị nhiễm DTLCP trên địa bàn 10/11 huyện, thị xã, thành phố (ngoại trừ huyện Vĩnh Thạnh). Số lượng heo đã tiêu hủy chủ yếu tập trung trong tháng 7/2019.
“Từ cuối tháng 8 đến nay nhiều địa phương trong tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới, đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, ở TX An Nhơn, huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn thì hàng tuần vẫn còn xảy ra dịch tả heo”, ông Hùng cho hay.
Lo lắng lớn nhất hiện nay là một bộ phận người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống, một số địa phương chưa thực hiện chính sách hỗ trợ cho người bị thiệt hại nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Do đó, nguy cơ DTLCP bùng phát trở lại là rất cao.
Trước thực trạng này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Ngành chức năng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên trong ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh bám sát địa bàn phụ trách để nắm bắt tình hình, hỗ trợ, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh luôn sát cánh với chính quyền các địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ cho công tác phòng chống DTLCP khi các khoản chi hỗ trợ vượt quá ngân sách dự phòng chi của địa phương”.
Huyện Hoài Ân kiểm soát chặt chẽ lượng heo ra vào địa bàn. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng không chút lơ là trong thời điểm dịch đã lắng xuống, mà liên tục đôn đốc ngành chức năng và chính quyền các địa phương dồn nỗ lực trong công tác phòng chống dịch. Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục hỗ trợ thiệt hại do dịch gây ra, chủ động trích ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân và lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh, không trông chờ ỷ lại ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
“Tỉnh đã giao Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân có đàn heo phải tiêu hủy; giao Sở NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ thuốc thú y, vôi bột cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch; tiếp tục duy trì công tác kiểm tra vận chuyển heo ra vào tỉnh và phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm soát hoạt động giết mổ động vật; tư vấn hướng dẫn việc tái đàn heo”, ông Hồ Quốc Dũng. |