Đất trồng RAT được xử lý kỹ trước khi xuống giống |
Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển SX và tiêu thụ RAT, rau hữu cơ, vụ thu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn xây dựng mô hình SX RAT, rau hữu cơ với quy mô 2.000m2 tại thôn Thái Lai, xã Hoài Xuân.
Ông Nguyễn Thái Tha (50 tuổi) thực hiện mô hình trồng RAT tại thôn Thái Lai cho biết: “Được hỗ trợ 30% vốn đầu tư, tôi mạnh dạn mua lưới ngăn côn trùng, cọc tre, trang bị hệ thống tưới phun mưa để SX. Trước đây tôi trồng rau quy mô nhỏ, giờ bắt tay vào trồng RAT với nhiều chủng loại có hơi lúng túng, nhưng nhờ cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật nên quá trình canh tác suôn sẻ, hiệu quả thấy rõ”.
Theo ông Tha, trên diện tích 2.000m2 ông trồng các loại rau cải, rau xà lách, rau muống, dền, mồng tơi và rau quế. Không như trồng rau kiểu truyền thống như trước đây, là khi cây đã lớn vẫn bón phân và phun thuốc BVTV, trồng RAT chỉ đầu tư bón phân 1 lần khi làm đất và không hề phun thuốc BVTV.
Làm RAT cần nhất là tăng cường phân chuồng, phân mụn dừa, vôi cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây rau; đồng thời bồi dưỡng, cải tạo đất, hạn chế sử dụng phân vô cơ, chỉ sử dụng NPK để bón lót, không bón thúc các loại phân hóa học khác.
Đặc biệt, trồng RAT phải xử lý đất thật kỹ trước khi gieo trồng. Đất phải được cày ải từ 7 - 10 ngày, sau đó bón vôi, phân chuồng hoai mục đã ủ với chế phẩm Tricoderma trước khi lên luống gieo hạt giống.
“RAT được quản lý sâu bệnh hại bằng nhiều biện pháp tổng hợp, sử dụng lưới ngăn côn trùng để bao phủ, chọn hạt giống tốt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thuốc hóa học để phòng trị sâu bệnh.
Màng chắn côn trùng làm giảm sử dụng thuốc BVTV |
Nhờ lưới ngăn côn trùng nên bướm, bọ nhảy, côn trùng, sâu ăn lá, nấm đốm lá, gỉ trắng không xuất hiện hại rau. Vì thế không phải sử dụng thuốc BVTV. Cây con ít bị bệnh lở cổ rễ, nhờ xử lý đất ngay từ đầu. Sử dụng hệ thống tưới phun mưa tạo được ẩm độ, tiết kiệm nước, điện và nhân công. Phủ bạt nilon trên rò rau hạn chế được cỏ dại, giảm công lao động”, ông Tha cho hay.
Theo tính toán của ông Tha, tuy chi phí cao, nhất là đầu tư mua lưới chắn côn trùng, hệ thống tưới nước và cọc tre, tổng chi phí khoảng 60 triệu đồng, nhưng sản lượng, doanh thu đạt khá, lợi nhuận bình quân đạt 16.600.000 đồng/2 vụ.
Tuy nhiên, đầu ra cho RAT vẫn còn đó nỗi lo cho người trồng, bởi hiện giá bán vẫn theo giá rau thông thường. “Nếu RAT, rau hữu cơ được trồng nhiều diện tích tại địa phương, được tổ chức sơ chế rau tập trung, đóng gói bao bì, kiểm nghiệm, đăng ký thương hiệu theo quy trình SX thì sản phẩm sẽ có điều kiện tiêu thụ ổn định, lâu dài với giá cả hợp lý, mang lại cho người trồng lợi nhuận cao hơn”, ông Tha tâm tình.
Không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV nhưng rau vẫn phát triển tốt |
“Để có vùng rau tập trung, huyện Hoài Nhơn cần có chính sách khuyến khích SX, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ, thủ tục đăng ký chất lượng để gia tăng chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Đặc biệt các xã cần tạo điều kiện cho nông dân thuê đất lâu dài, để họ yên tâm đầu tư SX”, chị Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định đề nghị. |