| Hotline: 0983.970.780

Bình Định quyết tâm 'triệt' tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài!

Thứ Ba 09/01/2018 , 09:50 (GMT+7)

Mục tiêu của Bình Định là đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 tỉnh sẽ “triệt tiêu” tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển các nước. Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, Bình Định còn mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm...

Bình Định có đội tàu khai thác thủy sản xa bờ hùng hậu với khoảng 3.000 chiếc, thời gian qua, có tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải các nước trong khu vực để khai thác thủy sản trái phép; ngư dân không bật thiết bị giám sát hành trình, không ghi chép và nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cho cơ quan chức năng theo quy định vẫn còn diễn ra. Quyết chấm dứt tình trạng trên, Bình Định đã mạnh tay xử lý những tàu cá vi phạm.

11-07-03_1
Tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt trên vùng biển Trường Sa (Khánh Hòa)

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, năm 2017, có 23 tàu cá của ngư dân tỉnh này bị nước ngoài bắt giữ, trong đó có 21 tàu đã vi phạm vùng biển các nước Indonesia, Malaysia và Brunei, bị ngành chức năng các nước trên bắt giữ. So với năm 2016, số tàu vi phạm giảm 14 tàu. “Bình Định đã triển khai đồng bộ và quyết liệt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về lãnh hải, nhất là không xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Dù tàu vi phạm còn khá nhiều nhưng so với trước thì có bước giảm”, ông Trần Văn Phúc, Phó GĐ Sở NN-PTNT, cho biết.

Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, Bình Định còn mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm. Tổ công tác ngăn chặn tàu cá vi phạm đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Sở Ngoại vụ, Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiến hành xử lý nghiêm với các trường hợp xâm phạm trái phép vùng biển các nước.

“Hiện nay, trên địa bàn Bình Định đã có 9 tàu cá bị loại khỏi danh sách xem xét hỗ trợ hoặc chi hỗ trợ đi biển. Ngoài ra còn xử phạt hành chính 4 thuyền trưởng sau khi xâm phạm lãnh hải các nước trở về. Riêng 21 tàu vi phạm vùng biển các nước trong năm 2017 cũng bị xử lý nghiêm theo hình thức không cho phép đóng mới tàu cá, loại khỏi đối tượng xem xét hỗ trợ nhiên liệu trong năm 2017, không xem xét đóng tàu cá theo NĐ 67. Đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương tổ chức kiểm điểm chủ tàu và thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Phúc thông tin.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện có tàu vi phạm phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với chính quyền các địa phương để xảy ra tình trạng ngư dân vi phạm. Nếu trong thời gian tới ngư dân vẫn tiếp tục vi phạm thì chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết thêm: Để quản lý chặt tàu cá đánh bắt xa bờ, ngành nông nghiệp tỉnh này đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tổ chức tốt việc thu nhận thông tin 2 trạm bờ đặt tại TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Mỗi trạm phải có cán bộ trực 24/24 để tiếp nhận các thông tin tàu cá. Triển khai việc kết nối thông tin liên lạc với tàu cá xa bờ; đồng thời, xây dựng dữ liệu tiếp nhận, xử lý và báo cáo thông tin 24/24 giờ giám sát hành trình của các tàu cá hoạt động xa bờ thông qua bộ đàm VX 1700 và thiết bị thông tin Movimar.

“Chúng tôi đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan xác định các vụ việc tàu cá bị nước ngoài bắt giữ để kịp thời báo cáo, xử lý; cung cấp thông tin về tàu cá bị nước ngoài bắt giữ cho Tổ thẩm định 48 để không phê duyệt hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo QĐ 48 của Chính phủ”, ông Hổ nói.

Mục tiêu của Bình Định là đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 tỉnh này sẽ “triệt tiêu” tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển các nước. Để thực hiện được điều này, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo sở, ngành, đơn vị liên quan ngoài tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân về chủ quyền quốc gia trên biển, hiểu rõ ranh giới các vùng biển; hỗ trợ ngư dân máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS), giúp ngư dân xác định chính xác vị trí khai thác để tránh vi phạm.

11-07-03_2
Tàu cá của ngư dân cập vào đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để đóng dấu xác nhận hành trình

“Đề nghị Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành TƯ sớm nghiên cứu, áp dụng một loại máy có tích hợp thiết bị định vị để giám sát được hành trình, vị trí từng tàu cá, để ngành chức năng biết rõ tàu nào vi phạm vùng biển nước khác để thông báo và xử lý. Ngành nông nghiệp Bình Định cũng yêu cầu các tàu cá phải mở máy movimar 24/24 giờ truyền tải thông tin về vùng đánh bắt và một số thông tin có liên quan đến hoạt động khai thác”, ông Phan Trọng Hổ cho biết thêm.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất