| Hotline: 0983.970.780

Bình Định ‘tăng tốc’ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trong năm mới

Thứ Năm 04/03/2021 , 08:26 (GMT+7)

Trong năm 2021, Bình Định tăng cường thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp với mục tiêu kiên quyết khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU.

Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2020, công tác triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh này đã đạt được kết quả tích cực.

Sở NN-PTNT Bình Định đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, Bình Định tăng cường kiểm soát tàu cá ra vào cảng, hoạt động bốc dỡ sản phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền; nhất là xử lý nghiêm tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiện 100% tàu cá gồm 3.140 tàu có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân Bình Định đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bình Định được đánh giá là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành sớm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định.

Nhờ áp dụng nhiều giải pháp trong chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, nên trong năm 2020 số lượng tàu cá đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài tại Bình Định đã có xu hướng giảm, trong năm có 11 tàu vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, giảm 8 tàu so với cùng kỳ.

Chủ tàu cá của ngư dân Bình Định khai báo tại Cảng cá Quy Nhơn trước khi xuất bến. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chủ tàu cá của ngư dân Bình Định khai báo tại Cảng cá Quy Nhơn trước khi xuất bến. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thực tế cho thấy, những tàu cá ở Bình Định suốt nhiều năm liền không về địa phương, hoạt động ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng là đối tượng thường vi phạm đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Để ngăn chặn vấn nạn này, trong tháng 7/2020, ngành chức năng Bình Định đã thông báo xóa số đăng ký tàu cá đối với 550 tàu của ngư dân hoạt động khai thác tại ngư trường ngoài tỉnh nhiều năm liền không về địa phương. Động thái này của ngành chức năng Bình Định đã khiến nhiều chủ tàu phải quay về địa phương để báo cáo, cung cấp thông tin hoạt động tại ngư trường ngoài tỉnh.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, việc thông báo xóa số đăng ký tàu cá hoạt động ngoài tỉnh trong vòng 1 năm không về địa phương đã tạo chuyển biến tốt, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành Luật Thủy sản, quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

“Chi cục thường xuyên thực hiện công tác xóa đăng ký tàu cá theo luật đối với các trường hợp tàu cá bị chìm, tàu hư hỏng đã rã xác tàu, tàu đã chuyển nhượng quyền sở hữu và cập nhật liên tục số liệu tàu cá lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia để quản lý”, ông Bình chia sẻ.

100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (3.140 chiếc) của ngư dân Bình Định đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (3.140 chiếc) của ngư dân Bình Định đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tăng cường nhiều giải pháp

Bước sang năm 2021, trong lộ trình khắc phục “thẻ vàng” IUU, Bình Định quyết tâm thực hiện Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT có hiệu lực từ ngày 25/12/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT. Theo đó, quy định tàu cá chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi trước khi rời cảng phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm hướng đến phát triển nghề cá bền vững, góp phần thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

“Từ đầu năm đến hết tháng 2/2021, Chi cục Thủy sản đã cấp 164 giấy chứng nhận ATTP tàu cá. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, Bình Định đã có  2.864 với 3.118 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được cấp phép hoạt động tại vùng khơi đã được Chi cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận ATTP. Khi Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT có hiệu lực thì số lượng tàu chưa được cấp giấy chứng nhận ATTP trên địa bàn tỉnh còn ít, nên phần việc còn lại phải thực hiện được thuận lợi”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

Ngư dân Trần Trung Sơn ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu câu cá ngừ đại dương mang số hiệu BĐ 97949-TS, chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền, giữa năm 2018 tôi đã làm hồ sơ và được cấp chứng nhận ATTP tàu cá. Bây giờ, theo Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định bắt buộc tàu cá phải có chứng nhận ATTP mới được xuất bến thì tôi không còn phải lo nữa”.

Hiện Bình Định vẫn còn 418 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên có giấy phép hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi chưa có chứng nhận ATTP. Ngành Thủy sản Bình Định đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận ATTP theo quy định.

Lực lượng chức năng tiếp cận tàu cá chuẩn bị xuất bến để kiểm tra thủ tục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lực lượng chức năng tiếp cận tàu cá chuẩn bị xuất bến để kiểm tra thủ tục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Sanh Ngọc, chuyên viên Phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, Nghị định số 115/2018 của Chính phủ cũng có quy định tàu cá không có giấy chứng nhận ATTP mà đi khai thác sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng. “Để được cấp chứng nhận ATTP tàu cá, chủ tàu nộp hồ sơ, Chi cục Thủy sản sẽ kiểm tra thực tế tàu cá và hướng dẫn cụ thể cho ngư dân làm các thủ tục. Giấy chứng nhận ATTP có hiệu lực 3 năm, sau khi hết hạn chủ tàu phải làm thủ tục để được gia hạn”, ông Ngọc cho biết.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, nói kiên quyết: “Thông tư số 13/2020 mới được ban hành nên cần thời gian để thực hiện. Do đó, chúng tôi tạo điều kiện cho các chủ tàu có phiếu hẹn sau khi nộp hồ sơ làm chứng nhận ATTP được ra khơi; đồng thời buộc các tàu chưa làm chứng nhận phải cam kết hoàn tất hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận. Những chuyến biển sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, nếu tàu nào không có chứng nhận ATTP chúng tôi sẽ không cho xuất bến”.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, phần lớn tàu cá của ngư dân tỉnh này chưa có chứng nhận ATTP đều hoạt động tại các ngư trường ngoài tỉnh, thường cập bờ bán sản phẩm ở các tỉnh khác.

“Đối với những trường hợp này, chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bằng cách cử đoàn công tác đến các tỉnh có tàu cá Bình Định thường hoạt động để kiểm tra thực tế hiện trạng của tàu, làm cơ sở để gia hạn đăng kiểm tàu cá và kết hợp làm chứng nhận ATTP tàu cá. Trong những chuyến công tác này chúng tôi kết hợp tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định IUU cho các chủ tàu, thuyền trưởng; đồng thời buộc các tàu này ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Nguyễn Công Bình, chia sẻ.

Lực lượng chức năng Bình Định tăng cường kiểm soát tàu cá xuất nhập bến. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lực lượng chức năng Bình Định tăng cường kiểm soát tàu cá xuất nhập bến. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngoài ra, ngành chức năng Bình Định còn chú trọng hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ quy định về đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; không để tình trạng tàu cá đóng mới, tàu cải hoán lắp đặt máy tàu kém chất lượng nhằm đảm bảo an toàn tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển. Việc đăng kiểm tàu cá cũng được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ từ khâu kiểm tra vỏ tàu, máy tàu đến trang thiết bị thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn, PCCC trên tàu.

“Để quản lý tàu cá chặt chẽ hơn nữa, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý tàu cá xuất nhập cảng, kiểm soát việc đăng ký thuyền viên trên tàu trong khai báo; theo dõi hệ thống giám sát hành trình tàu cá để quản lý, cung cấp thông tin về tình hình thời tiết cho ngư dân hoạt động trên biển ứng phó nhằm đảm bảo an toàn. Tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm vi phạm hoạt động khai thác thủy sản, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài, không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá…”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

“Bước sang năm mới, Bình Định tăng cường thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp với mục tiêu khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm góp phần với cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU”, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định quyết tâm của hệ thống chính quyền địa phương.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất