| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Vì sao nông dân phải bỏ ruộng?

Thứ Ba 27/12/2011 , 10:37 (GMT+7)

Nông dân ở thôn Phú Hữu, xã Ân Nghĩa đang lo sợ nếu có làm thì lúa cũng không thể sống nổi với nước thải từ bãi khai thác vàng...

Những đám ruộng bỏ hoang của nông dân thôn Phú Hữu

Trong vụ đông xuân 2011-2012, nhiều nông dân ở thôn Phú Hữu, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân - Bình Định) đành nuốt nước mắt bỏ hoang những diện tích ruộng ít ỏi được Nhà nước giao quyền, đồng nghĩa với từ bỏ chính nguồn sống của mình bởi ngoài ruộng, họ không còn nguồn thu nhập nào khác. Vì sao?

Tại thời điểm này, trong khi nông dân ở nhiều địa phương khác đã xuống giống hoàn tất những diện tích ruộng 2 vụ/năm thì nhiều diện tích ruộng 2 vụ tại thôn Phú Hữu, xã Ân Nghĩa vẫn chưa được cày xới, còn đang nằm phơi mình cho cỏ mọc. Hỏi ra thì biết, nông dân ở địa phương này đang “nuốt nước mắt vào trong” mà bỏ hoang những đám ruộng của mình, bởi lo sợ nếu có làm thì lúa cũng không thể sống nổi với nước thải từ bãi khai thác vàng của Công ty TNHH Thương mại Đức Nghĩa (viết tắt là Cty Đức Nghĩa) chứa đầy hóa chất độc hại đổ xuống đồng ruộng của họ.

Họ còn có thêm mối lo khác là không biết thứ nước nguy hiểm kia sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe khi phải trực tiếp lội trong nó mà làm ruộng. Ông Nguyễn Ngọc Tề - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết: “Vụ đông xuân này người dân thôn Phú Hữu bỏ hoang đến 18 ha ruộng 2 vụ/năm. Chiều 23/12 vừa qua, các ban ngành của huyện Hoài Ân về tận địa phương tổ chức họp dân để động viên họ xuống ruộng họ vẫn lắc đầu”.

Đây đang là sự kiện “nóng” của chính quyền huyện Hoài Ân bởi vì nếu bỏ ruộng, nhiều hộ dân ở đây ắt sẽ bị đói. Diện tích ruộng được chia đã ít, đất miền núi cho năng suất không cao nên nếu làm đủ mỗi năm 2 vụ cũng phải chật vật lắm mới đủ lúa giáp hạt nên ít hộ có lúa dự trữ trong nhà. Bây giờ bỏ ruộng thì cầm chắc cái đói vì ngoài ruộng họ không còn nghề phụ nào khác.

Ngày 11/11/2010, UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép cho Cty Đức Nghĩa khai thác khoáng sản quặng vàng tại khu vực nói trên với diện tích khai thác là 11,4 ha; diện tích sử dụng các công trình phụ trợ khác là 5,13 ha. Trữ lượng khoáng sản được phép khai thác là 30.065m3 quặng nguyên khai, tương đương 364,7 kg vàng và 1.338,7 kg bạc. Thời hạn khai thác trong 9 năm, với công suất 3.600m3/năm.

Sau thời gian thăm dò, đến giữa tháng 9/2011 thì Cty Đức Nghĩa tiến hành khai thác chính thức. Bà Nguyễn Thị Lan (58 tuổi) ở xóm 4, thôn Phú Hữu lo lắng: “Họ mới khai thác được mấy hôm thì trời đổ mưa, nước ùa qua bãi vàng cuốn đất đá vừa mới được đào lên, cả những hóa chất độc hại chảy xuống khu dân cư xóm 4, đổ ra ruộng rồi tuôn ra dòng sông Kim Sơn. Từ đó đến nay tôi không dám thả gà, vịt ra khỏi chuồng vì sợ chúng uống phải “nước độc” của bãi vàng chảy qua con mương trước nhà”.

 Không biết nước thải từ bãi vàng Đức Nghĩa chứa chất gì trong đó mà có mùi rất khủng khiếp. Ông Nguyễn Thành Long - xóm trưởng xóm 4 cho biết: “Vào cuối năm ngoái, trước khi Cty Đức Nghĩa lên thăm dò, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân để trấn an về vấn đề môi trường. Sau đó, nhiều người dân đã lên tận mỏ vàng và nhìn thấy 3 bể chứa nước thải chỉ được lót tạm bợ bằng những bao tải đã rách bươm có nguy cơ chất thải sẽ thấm lậu ra môi trường rất cao nên họ lo lắng”.

“Để ngăn chặn nạn đói có thể xảy ra với nhiều hộ dân ở thôn Phú Hữu, sau khi tuyên truyền, vận động người dân làm ruộng trở lại, UBND huyện Hoài Ân quyết định hỗ trợ cho họ chi phí công làm đất nhưng họ vẫn nhất quyết không động tay”, ông Nguyễn Ngọc Tề - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết.

Chị Nguyễn Thị Quyên ở xóm 4, một trong những người lên “thị sát” bãi vàng kể lại: “Vừa lên đến nơi tôi đã nghe mùi hôi nồng nặc lan tỏa đậm đặc trong không khí. Khi đi ngang qua những hầm chứa thải ai cũng phải bịt mũi. Sau khi từ bãi vàng về, người yếu sức như tôi liền bị mất ngủ vì bị đau đầu, thậm chí bỏ cả cơm”.

Không chỉ có những hộ dân của thôn Phú Hữu lo ngại đến phải bỏ ruộng mà hàng ngàn hộ nông dân khác ở huyện Hoài Ân đều đang “run rẩy” vì sợ nguồn nước sông Kim Sơn khi đã bị nước thải của bãi vàng làm ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên diện rộng. Hiện ở Hoài Ân đang có trên 30 trạm bơm điện lấy nước từ sông Kim Sơn phục vụ SX. Nếu dòng sông này đã bị nhiễm hóa chất độc mà đem tưới vào ruộng thì cầm chắc cây lúa có sống cũng èo uột. Đó là chưa kể đến đàn trâu bò, vịt của người dân sẽ bị đe dọa vì hầu hết đều sống nhờ vào nguồn nước này.

Những khu dân cư vùng trũng ở huyện này mới là những người đang ôm mối lo lớn nhất, vì họ lấy nước sông Kim Sơn làm nước sinh hoạt. Ông Tạ Công Định - Thường trực HĐND huyện Hoài Ân e ngại: “Bãi vàng Phú Hữu 1 do Cty Đức Nghĩa đang khai thác là bãi vàng lộ thiên nên tốc độ khai thác sẽ rất nhanh. Khai thác nhanh ắt sẽ sử dụng nhiều hóa chất và thải nhanh. Kết cuộc là sẽ dẫn đến gây ô nhiễm diện rộng với mức độ cao. Điểm khai thác vàng nằm trên địa hình có độ dốc cao, cứ có mưa là nguồn nước ô nhiễm sẽ theo sông Kim Sơn đổ hết về phía hạ lưu. Nguy hại là toàn huyện có 14 xã và 1 thị trấn thì chỉ có 4 xã ăn nguồn nước sông An Lão, còn lại đều ăn nước sông Kim Sơn”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm