| Hotline: 0983.970.780

Bình Định xây dựng thương hiệu bò

Thứ Năm 31/10/2013 , 09:59 (GMT+7)

Nếu trước đây con trâu là đầu cơ nghiệp thì bây giờ đối với nông dân Bình Định, con bò là đầu cơ nghiệp.

Nếu trước đây con trâu là đầu cơ nghiệp thì bây giờ đối với nông dân Bình Định, con bò là đầu cơ nghiệp. Bởi, trong bối cảnh giá cả mọi thứ đều bấp bênh thì giá bò luôn ổn định nhất trong hàng gia súc, gia cầm.

Ngon ăn

Nông dân Bình Định đang nuôi bò bằng nhiều cách: Nuôi sinh sản đẻ ra bê con để lại nuôi tất, đến kỳ hạn bán thịt; hoặc mua bò gầy từ những vùng miền núi về nuôi vỗ béo, vài ba tháng sau bán bò thịt. Kiểu nuôi nào cũng cho lãi rất cao.

Anh Nguyễn Văn Đức ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), bộc bạch: “Nuôi bò không tốn chi phí thức ăn nhiều như nuôi gà, vịt hoặc heo. Bởi thức ăn cho bò có thể tận dụng từ những phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Hơn nữa, nếu nuôi gà, vịt, heo… đến thời điểm phải xuất chuồng mà gặp phải lúc giá cả xuống thấp cũng đành phải bán chứ không thể kéo dài thời gian nuôi, dù phải chịu lỗ.

Đối với con bò không cần phải vậy, gặp thời điểm bò ế, cứ để nuôi, bò nuôi càng to ký càng ăn tiền. Nếu là bò nái thì cứ để sinh sản, đẻ thêm bê con thì cũng không có gì phải lo, vì chi phí thức ăn cho chúng chẳng đáng là mấy, chẳng ảnh hưởng gì đến kinh tế của gia đình. Đến lúc bò tăng giá thì mình trúng, mặc sức đếm tiền”.


Đàn bò làm giàu cho gia đình anh Trần Văn Đức (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn)

Nuôi bò vỗ béo thì càng “ngon ăn”, bởi dễ làm mà cho thu nhập cao. Anh Đào Tiến Luận ở thôn Đại Hội, xã Phước An (Tuy Phước) có thâm niên hơn 15 năm nuôi bò, cho biết: “Trước đây, tui nuôi bò theo hình thức thả rông trên núi, thời gian nuôi khá lâu, một con bê từ khi sinh ra phải mất ít nhất 1 năm nuôi mới xuất bán được, hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2007 đến nay, tui quyết định chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Mỗi lứa tui nuôi 2 - 3 con, chỉ sau từ 2 - 3 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con bò cho tui tiền lãi từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng”.

Ở Bình Định, nơi “khai sinh” ra nghề nuôi bò vỗ béo là xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), và hiện cũng là địa phương dẫn đầu trong nghề này. Ông Dương Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 800 hộ nuôi bò vỗ béo với tổng đàn bò gần 1.400 con, tập trung chủ yếu tại thôn Cù Lâm, Trường Cửu, An Thành…

Chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ lãi suất vốn vay cho bà con chăn nuôi phát triển nghề nuôi bò vỗ béo, với lãi suất vay ưu đãi 0,6%/tháng, thời gian vay 4 tháng. Bên cạnh đó, Dự án Sinh kế nông thôn của tỉnh cũng được triển khai nhằm hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi vỗ béo bò”.

Người nuôi bò làm ăn có lãi, nghề nuôi bò ở Bình Định càng phát triển mạnh. Bình Định hiện là một trong những tỉnh có đàn bò lớn nhất vùng duyên hải Nam Trung bộ. Theo quy hoạch phát triển, đến 2015 tổng đàn bò của tỉnh này sẽ đạt đến 280.000 con và đến năm 2020 sẽ là 320.000 con.

Nông dân Trần Văn Đức ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) cho biết thêm: “Nhờ có lợi nhuận cao nên người nuôi bò ngày càng đầu tư chăm sóc bò tốt hơn để đạt mức trọng lượng cao nhất có thể. Hiện ở An Nhơn có nhiều con bò nuôi đạt đến 500 - 600 kg, bán giá đến 50 triệu đồng. Những con bò bán từ 20 - 30 triệu đồng là quá bình thường. Hộ nào có 4 - 5 con bò sinh sản thì cầm chắc mỗi năm kiếm cả trăm triệu đồng như chơi”.

Áp dụng TBKT

Theo kinh nghiệm của người nuôi bò, giống bò nuôi tốt nhất là bò lai; có bộ xương to, vai rộng, ức sâu, mông và bản lưng lớn, phàm ăn, có 2 - 3 đôi răng. Nhận ra thế mạnh này trong ngành chăn nuôi bò, từ rất sớm Bình Định đã quan tâm đến công tác lai tạo đàn bò.

Theo ông Đào Văn Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm GĐ Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định, chương trình lai tạo và phát triển giống bò đã góp phần tăng số lượng bò lai, nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng SX hàng hóa. Trung tâm luôn khuyến khích chăn nuôi bò lai bằng nhiều hình thức, như hỗ trợ tinh cũng như tiền công phối giống, hỗ trợ bò đực giống.

Ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tiếp tục cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo hoặc cho phối trực tiếp với bò lai Zêbu để tăng tỉ lệ đàn bò lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Những giống được đưa vào cải tạo đàn bò địa phương có nhóm bò Zêbu gồm các giống Brahman trắng, Brahman đỏ, Red Sind, Sahiwal; lai tạo theo hướng chuyên thịt có Limousine, Crimousine, Charolais, Drought Master, Red Angus.

Cũng theo ông Hùng, toàn tỉnh Bình Định có đến 90 điểm thụ tinh nhân tạo bò với 95 dẫn tinh viên, trong đó 95% số điểm và số dẫn tinh viên hoạt động đạt hiệu quả cao. Những vùng không có điều kiện thụ tinh nhân tạo được thì dùng bò đực giống có trên 75% máu ngoại, áp dụng nhảy trực tiếp.

“Các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên tìm về mua bò sinh sản của Bình Định rất nhiều. Do đó, trong năm nay chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu “Bò Bình Định”.

Thương hiệu “Bò Bình Định” sẽ tạo thêm niềm tin cho thị trường và đó cũng là cơ sở để chúng tôi lập chiến lược phát triển chăn nuôi bò trong những năm tới”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất