| Hotline: 0983.970.780

Bình Dương sẵn sàng mở cửa phát triển kinh tế theo 3 giai đoạn

Thứ Tư 15/09/2021 , 17:43 (GMT+7)

Bình Dương Là địa phương có ca nhiễm Covid-19 cao thứ 2 cả nước, hiện Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước mở cửa phát triển kinh tế theo 3 giai đoạn.

Ngày 15/9, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị thông tin công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong trạng thái "bình thường mới".

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương chủ trì cuộc họp. Ảnh: Trần Trung.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương chủ trì cuộc họp. Ảnh: Trần Trung.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương, tính đến 6h ngày 14/9, Tỉnh đã có 160.715 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 113.565 bệnh nhân khỏi bệnh và 1.420 ca tử vong.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm của tỉnh và dự kiến còn tiếp tục ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển của cả năm 2021.

Tỉnh hiện có 3.968 doanh nghiệp đăng ký tổ chức cho người lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số lao động là 429.693 người.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, đã có 794 doanh nghiệp phát sinh dịch bệnh Covid-19 (trong KCN: 464; ngoài KCN: 330) với 11.266 ca nghi nhiễm và F0, đã có 64 doanh nghiệp với 17.342 công nhân đã hoạt động trở lại do đã kiểm soát được dịch bệnh. Hiện còn 3.019 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động theo phương án đã đăng ký.

Người dân TP. Thủ Dầu Một ra đường trong sáng ngày 15/9. Ảnh: Trần Trung.

Người dân TP. Thủ Dầu Một ra đường trong sáng ngày 15/9. Ảnh: Trần Trung.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hiện số ca nhiễm có chiều hướng giảm, công tác thu dung, điều trị từng bước đảm bảo, tỷ lệ tử vong được kiềm giữ, số lượng vùng xanh được mở rộng, có 6 đơn vị cấp huyện công bố vùng xanh trở lại trạng thái bình thường mới.

Hoạt động phòng, chống dịch đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là về tiêm chủng vắc-xin (tổ chức tiêm vắc xin 1.852.847 liều với 1.801.374 người mũi 1 và 51.473 người mũi 2) và trưng dụng hiệu quả các hệ thống công trình làm bệnh viện dã chiến và cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân.

Người dân và doanh nghiệp đã dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh, chủ động tự bảo vệ mình, đồng thời nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được phương án sản xuất an toàn với các mô hình phù hợp ngay giữa đại dịch.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, dự kiến sau 15/9/2021, tình hình dịch bệnh của tỉnh từng bước sẽ được kiểm soát chặt chẽ và chuyển biến khả quan, mục tiêu mở rộng vùng xanh và khóa chặt, từng bước thu hẹp vùng đỏ sẽ được các cấp tập trung thực hiện hiệu quả, đặc biệt là khi việc tiêm ngừa vắc-xin đạt đến mức miễn dịch cộng đồng.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Bình Dương sẽ sớm khôi phục nền kinh tế và mở cửa đi vào trạng thái hoạt động bình thường mới.

Một số cửa hàng tại TP. Thủ Dầu Một mở cửa kinh doanh trở lại. Ảnh: Trần Trung.

Một số cửa hàng tại TP. Thủ Dầu Một mở cửa kinh doanh trở lại. Ảnh: Trần Trung.

Bình Dương sẽ thực hiện lộ trình khôi phục nền kinh tế và mở cửa đi vào trạng thái hoạt động bình thường mới theo 3 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1: từ 15/9/2021 – 31/10/2021, địa phương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và Thành phố Thủ Dầu Một. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ; mở rộng vùng xanh. Thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Một số tuyến đường vào khu vực vùng đỏ vẫn bị 'khóa chặt'. Ảnh: Trần Trung.

Một số tuyến đường vào khu vực vùng đỏ vẫn bị "khóa chặt". Ảnh: Trần Trung.

Giai đoạn 2: Từ sau 31/10/2021: Nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10/2021, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày để vắc – xin phát huy tác dụng là khoảng ngày 31/10/2021 sẽ cơ bản đạt miễn nhiễm cộng đồng.

Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng: mở cửa lại các hoạt động kinh tế xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: karaoke, vũ trường, quán bar, massage... (giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu danh mục cụ thể).

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn: Tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Giai đoạn 3: Từ sau 31/12/2021: Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng: mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội.

Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động (giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu các điều kiện, thời gian và tiêu chí áp dụng khi cho phép hoạt động trở lại).

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn: Tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương không được chủ quan, nóng vội nới lỏng giãn cách khi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh. Tránh lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch. Quá trình điều hành khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội nếu địa phương nào để bùng phát dịch bệnh thì người đứng đầu các địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Về việc quyết định nới lỏng, thắt chặt hay giữ nguyên giãn cách xã hội ở các địa phương được quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh của từng địa phương đi kèm với các mốc thời gian áp dụng biện pháp an toàn phòng chống dịch phù hợp”, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương nhấn mạnh. 

    Tags:
Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cứu hộ vượn đen má hung cực kỳ quý hiếm

Vườn quốc gia Cúc Phương vừa cứu hộ an toàn 1 cá thể vượn cực kỳ quý hiếm từ người dân tại Hải Phòng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lào Cai đề xuất bỏ tuyến đường sắt đi xuyên nhiều khu đô thị

Tuyến đường sắt của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam vận hành từ hàng chục năm nay, hiện đi qua nhiều khu đô thị của thành phố Lào Cai.