| Hotline: 0983.970.780

Bình Liêu xây dựng thương hiệu nông sản

Thứ Tư 28/10/2015 , 06:05 (GMT+7)

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh Quảng Ninh triển khai đã thực hiện được 1 năm. 

Huyện miền núi Bình Liêu được đánh giá là một trong những địa phương trong tỉnh triển khai chương trình này một cách có hiệu quả.

HTX Phát triển Xanh là một trong những đơn vị tiên phong về SX sản phẩm thương hiệu tại huyện Bình Liêu, trụ sở tại thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn.

Phó Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thuy cho biết: Từ một HTX làm ăn không hiệu quả, đã ngừng hoạt động từ năm 2010, nhưng từ Chương OCOP của huyện, chúng tôi đã được tiếp thêm động lực để gây dựng lại HTX với các sản phẩm chủ đạo là rượu men lá, mật ong và lá tắm...

Tất cả các sản phẩm đều được HTX Phát triển Xanh SX khép kín từ khâu thu mua nguyên liệu, chế biến đến đóng bao bì, chai lọ, nhãn mác. Nhờ thay đổi mẫu mã sản phẩm có in lô gô thương hiệu OCOP Bình Liêu cũng như nâng cao chất lượng, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm đều đã có chỗ đứng trên thị trường. Thậm chí, sản phẩm mật ong rừng SX không đủ nhu cầu của thị trường.

Mô hình HTX Phát triển Xanh là một trong những điển hình về xây dựng thương hiệu cho nông sản tại huyện Bình Liêu.

Thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh, từ tháng 3/2014, huyện Bình Liêu đã triển khai và thành lập Ban Chỉ đạo điều hành, triển khai chương trình, đồng thời ban hành văn bản yêu cầu các xã, HTX trên địa bàn đăng ký sản phẩm OCOP trên cơ sở thế mạnh của địa phương. Từ các sản phẩm này, huyện sẽ xem xét, đánh giá, chọn ra các sản phẩm, tổ chức tập huấn, giúp các hộ tham gia Chương trình OCOP được vay vốn phát triển sản phẩm.

Trên cơ sở đó, huyện đã đăng ký với tỉnh 3 sản phẩm: Tinh dầu hồi, sở; mật ong rừng và cây dược liệu. Trong quá trình triển khai, ngoài các sản phẩm đã đăng ký, các đơn vị trên địa bàn huyện đã SX thêm nhiều sản phẩm mới. Vì vậy trong năm 2015, UBND huyện Bình Liêu chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, Tổ giúp việc lên kế hoạch đăng ký thêm với tỉnh các sản phẩm: Rượu thảo dược, rượu Cao Ba Lanh, lá tắm người Dao.

Trong việc triển khai xây dựng thương hiệu OCOP, huyện Bình Liêu đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền. Trong năm 2014, huyện đã tổ chức 10 hội nghị, tập huấn cho cán bộ chuyên trách, bà con nông dân.

Cùng với công tác quảng bá thương hiệu nông sản địa phương thông qua nhiều kênh, Bình Liêu còn triển khai bày bán các sản phẩm OCOP tại 3 điểm trong huyện: HTX Phát triển Xanh (xã Lục Hồn); HTX Đình Trung (xã Húc Động); Cty Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu (thị trấn Bình Liêu). Sắp tới, huyện đầu tư mở thêm 3 điểm bày bán sản phẩm OCOP tại các điểm tham quan du lịch của địa phương.

Để quảng bá, tuyên truyền Chương trình OCOP được sâu rộng, huyện Bình Liêu xây dựng website riêng, vận động nhân dân tham gia chương trình, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp “Đặc trưng và chất lượng” của địa phương. Nhờ đó trong quá trình triển khai Chương trình OCOP, huyện Bình Liêu đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân các xã.

Để đảm bảo nguồn dược liệu, đặc biệt là trước tình trạng thương lái Trung Quốc thường mua ồ ạt nhiều nguyên liệu thô, sơ chế, huyện Bình Liêu đã triển khai quy hoạch phát triển vùng SX hàng hoá nông nghiệp tập trung, trong đó có vùng trồng cây dược liệu tại địa bàn 5 xã: Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn và Vô Ngại với tổng diện tích 280ha.

Huyện hỗ trợ 60% cây giống cho thôn, bản đặc biệt khó khăn; 40% cho các vùng còn lại nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình trồng và chế biến cây dược liệu.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó phòng NN-PTNT huyện, cho biết, hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, thời gian qua huyện Bình Liêu tăng cường quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ, nhằm đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, huyện xây dựng nguồn vốn hỗ trợ điều hành để nâng cao năng lực quản lý cho bà con khi thành lập HTX.

“Đặc biệt, thông qua Hội nghị công bố các quy hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện và xúc tiến đầu tư vừa tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, huyện đã kêu gọi các DN vào đầu tư hỗ trợ kỹ thuật, cũng như tập huấn cho các cán bộ điều hành chương trình để phát huy hiệu quả trong thực hiện Chương trình OCOP”, bà Hương cho hay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.