| Hotline: 0983.970.780

Bình minh ló dạng sau chuỗi ngày lêu lổng

Thứ Bảy 14/11/2020 , 14:10 (GMT+7)

Tôi nhớ rõ đó là vào ngày mùng bảy tháng chín năm một ngàn chín trăm chín mươi hai.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Khi ấy, tiết thu đang độ chín, trời quê tôi ấm áp, nắng chan hòa, hạt dẻ chín thơm ngào ngạt. Khoảng năm giờ sáng, tôi bật dậy đánh răng, rửa mặt bằng cái chậu nhôm méo mó.

Tôi háo hức, hồi hộp vì đây là lần đầu tiên mình sẽ rời xa gia đình, bản làng... để đi học - như người bản tôi vẫn nói: “Đi tìm con chữ”.

Bố tôi đã dậy tự bao giờ, ông ngồi khó nhọc trên chiếc ghế trúc, cái chăn chiên đượm mùi thuốc Bắc vẫn phủ ngang người. Khuôn mặt ông xanh tái, đôi mắt mệt mỏi, và gần như không nói được!

 Bố tôi đã ốm nặng hơn bảy năm, sau một cơn đột quỵ, ông gần như tàn phế, căn bệnh tim mãn tính đã hành hạ ông suốt thời gian qua. Cũng chính vì thế, kinh tế gia đình tôi lâm vào tình trạng kiệt quệ.

Bố tôi - nhà giáo Hoàng Duy Ngoàn - cựu chiến binh chống Mỹ - trưởng bản - người buôn trâu đường dài - thợ sửa chữa đồng hồ - thợ mộc - kiêm cả quan lang....

Vâng, bố tôi rất nổi tiếng ở vùng này, người Tày ở đây tôn trọng và ngưỡng mộ bố tôi. Họ phong ông ấy làm trưởng bản suốt 10 năm, họ sửa đồng hồ với ông đến hết đời đồng hồ, quá nhiều gia đình dùng đồ mộc bố tôi đóng, cả đàn trâu trong vùng do bố tôi buôn về. Đặc biệt hơn, quá nửa thanh niên lấy vợ gả chồng đều mời bố tôi làm quan lang - một nhân vật cực kỳ quan trọng trong lễ cưới hỏi người Tày!

Thế nên suốt thời thơ ấu, tôi “sống trong nhung lụa”, không phải đói ngày nào, không mặc rách chút nào. Nhà tôi có xe máy Simson, có máy khâu con bướm của Tàu, đặc biệt trong một chuyến buôn đường dài, bố tôi bê về một chiếc đài gọi là “Ba con bảy”, hai cửa băng cộng với bốn loa thùng!

Tôi còn nhớ mỗi khi nhà tôi mở đài thì trai bản kéo đến, sơn nữ kéo đến, họ điên cuồng nhảy nhót trong điệu nhạc Disco, người bản tôi gọi là nhảy Phat - xít - lồ.

Hồi đó, đêm nào nhà tôi cũng vui như hội, bố tôi thuộc tuýp người cởi mở, thích tụ họp, tiệc tùng. Cứ phiên chợ là nhà tôi tổ chức ăn uống, đến đêm mở bàn đèn thuốc phiện, hôm sau nấu cháo gà... Cứ thế nhà tôi, bố tôi trở thành trung tâm của cả vùng!

Đã thế, ông anh họ của tôi lại được đi xuất khẩu lao động ở Đức (vì bác tôi là liệt sĩ nên từ lâu gia đình anh họ tôi đã chuyển về sống gần gia đình tôi - đúng theo câu tục ngữ “sẩy cha còn chú”).

Anh tôi đi Đức được khoảng 5 năm thì gửi thùng hàng đầu tiên về nhà. Tôi nhớ rõ cái hôm xe hàng về đến nhà, cả vùng người ta kéo đến xem, khi mở thùng tất cả ồ lên ầm ĩ: một chiếc xe máy Simson đỏ chót, 7 cái xe đạp Mi-pha, và vô vàn thứ lỉnh kỉnh khác.

Tôi đặc biệt ấn tượng với áo bò bảy thân - một mặt hàng siêu hot thời đó, riêng tôi được hẳn một áo bò, hai áo phao ấm sực!

Thế là gia đình tôi thuộc dạng nhà giàu trong vùng, điều này tôi kể ra không để khoe khoang gì, tôi chỉ muốn hồi tưởng một thời - cái thời bao cấp nghèo khó, chỉ vì lạng đường trắng người ta cũng có thể đánh nhau, thì gia đình tôi đã có những lúc hưng thịnh như vậy.

Sự hưng thịnh này, bây giờ tôi cảm nhận rõ, ấy là Phúc của dòng tộc, Phúc của những người phụ nữ như bá tôi (vợ liệt sĩ), như mẹ tôi... Một ơn huệ mà do sự tích đức nhiều đời của họ Hoàng.

Tôi đã tận hưởng suốt thời tiểu học trong một gia đình sung túc, nề nếp và vui vẻ như thế.

Trước khi nhận được giấy báo nhập học lớp chuyên Toán tỉnh Cao Bằng, tôi đã từng bỏ học nhiều lần. Hồi ấy bố tôi chuyên đi buôn trâu đường dài rong ruổi nhiều tháng. Không ai quản lý tôi, lại là con út, được bá và mẹ chiều quen, tôi không nghe lời ai, bỏ bê học tập, tụ tập la cà với đám thanh niên hư hỏng.

Tôi mới bước vào tuổi dậy thì, tính tình thay đổi, ngang bướng, thích thể hiện như bao trai bản mới lớn. Lại ỉ thế bố, sống quen trong sung túc... nên hay quậy phá, thích cà khịa đánh nhau mỗi chợ phiên. Tôi tập uống rượu, hút thuốc lá, thậm chí hút cả thuốc phiện để lấy oai với bạn bè, khoe mẽ với đám sơn nữ mới lớn.

Bá tôi, mẹ tôi vốn chiều tôi cứ nghĩ rằng hết tuổi dậy thì (“qua dai” trong tiếng Tày) là tôi sẽ bình thường. Nhưng tôi đã trượt dài trên con đường “trai bản” đó. Tôi bỏ học quá nhiều, không đủ điểm lên lớp. Cô Phương, giáo viên chủ nhiệm, gặp tôi và nói: “A Sáng! Em bị đúp rồi đấy, nếu cứ thế em sẽ bị nghỉ học...”.

Tôi cười khẩy và nói: “Em muốn nghỉ luôn.” Cô Phương ứa nước mắt, nghẹn giọng: “Bố em, cũng từng là thầy của cô, thầy sẽ buồn lắm đấy. Em là con thầy Ngoàn, không thể bỏ học được, em nghe cô đừng quậy phá thế nữa, học đi... Em có khả năng...”. Nhưng tôi đã chạy vù đi.

Bây giờ ngẫm lại, tôi hối hận và thương cô Phương vô cùng! Giáo viên thời đó rất nghèo, ngoài việc dạy học, họ cũng lên nương, làm ruộng chẳng khác nào nông dân, nhưng họ vô cùng trách nhiệm, đặc biệt cô Phương luôn an ủi và sát cánh bên tôi....

Vậy mà thời đó, tôi không muốn nghe bất cứ một lời nào từ cô, cứ nhìn thấy cô là tôi chạy. Cứ thế tôi chơi bời, lêu lổng, cho đến khi bố tôi bị đột quỵ.

Tôi nhớ rõ, đó là một buổi trưa, bố tôi vừa đi kiểm tra đàn trâu về, ông tắm qua loa rồi ngồi uống trà đợi bữa cơm trưa mà mẹ tôi đang nấu. Bỗng nhiên ông gục xuống, mắt trợn ngược, sùi bọt mép...

Ông liệt nửa người bên phải, cũng sau đợt đó căn bệnh tim bắt đầu xuất hiện, ông không thở được, hằng đêm phải ngồi trên chiếc ghế, lót một cái chăn chiên....

Cũng còn may, vì chị họ tôi là dược sĩ - phó giám đốc bệnh viện Đông y của tỉnh, có nhiều thuốc nên đã giữ ông khỏi tay thần chết. Nhưng ông đã trở nên tàn phế, không làm được gì, bán dần tài sản để chữa bệnh... và gia đình bắt đầu gặp khó khăn.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Tranh của Hoàng A Sáng.

Cũng từ đó, tôi bắt đầu ý thức và thay đối. Tôi đã học lại - học rất quyết liệt và được gọi đi học chuyên Toán. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của tôi. Một buổi bình minh mùa thu thật đặc biệt. Nó rất buồn nhưng sâu sắc vô cùng đối với trải nghiệm của một đời người.

Tôi đã vô cùng háo hức để đi học, nhưng trong lòng cũng đầy lo âu vì bệnh tình của bố. Tôi không biết mình sẽ sống và học tập thế nào nếu thiếu gia đình.

Vài ngày trước đó, mẹ tôi bảo phải chuẩn bị quần áo, đồ dùng để nhập học. Mẹ nói: “Nhà mình bây giờ hết tiền rồi, con đi nếu thiếu gì thì ra nhà chị Thu, hàng tháng mẹ sẽ gửi gạo, tự nấu lấy nhé...”.

Tôi không biết nói gì, chỉ lẳng lặng dùng cái võng dù bị hỏng buộc túm lại, làm cái túi, bỏ vào đó vài bộ quần áo. Mẹ tôi buộc thêm một cái lồng gà trong đó chất đầy khoai lang... Thế là tôi đi - một chuyến đi dài dằng dặc cho đến tận bây giờ.

Lúc đó, bố tôi thều thào cố nói: “Cố học nhé con, đừng quay về nếu bỏ học, bố yếu quá rồi không lo gì cho con được. Nhưng bố tin con, đừng bỏ cuộc, cứ chăm chỉ thì việc gì cũng qua...”.

Bố tôi ho một tràng dài, quay mặt đi, hình như ông khóc! Tôi cúi mặt dạ vâng lí nhí, tự nhiên trong lòng dâng lên sự hoảng sợ thật sự. Cái gì đang đợi mình phía trước? Bố mình còn sống được bao lâu? Nếu mình thất bại sẽ đi về đâu?

Tôi quyết tâm bước đi, tôi không cho mẹ tiễn ra bến xe. Tôi muốn đi một mình và men theo lối mòn bờ nương, tôi cũng không muốn người trong bản nhìn thấy tôi đi. Tôi thích đi một mình, vì khi ấy tôi nghĩ đơn giản rằng, tôi sợ mình thất bại, và tôi không muốn ai nhìn thấy thất bại đó.

Có lẽ vì thế, sau này và cho đến tận bây giờ, khi đi đâu làm gì tôi vẫn thích một mình, tự đi, tự về, không đưa đón, không chia tay ủy mị, sướt mướt. Tôi thấy một mình sẽ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn.

Sau này, khi Anh Sa con gái cả của tôi đi du học ở Úc, tôi đã không đưa con gái ra sân bay. Tôi sợ sự chia tay, sợ cái cảnh cứ khóc lóc, bịn rịn. Tôi muốn con gái mình bước đi trong im lặng, hồi hộp nhưng tự tin!

(Kiến thức gia đình số 49)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất