| Hotline: 0983.970.780

Bình mới, rượu cũ

Thứ Ba 19/10/2010 , 10:52 (GMT+7)

Sau nhiều nỗ lực chuyển đổi, các NLT ở Đăk Lăk đang cố thích nghi, hoạt động theo mô hình mới. Tuy nhiên, vòng luẩn quẩn, bế tắc vẫn cuốn lấy họ.

Để có nguồn vốn cho việc ươm, trồng rừng, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông phải huy động từ phía nhân viên

Sau nhiều nỗ lực chuyển đổi, các NLT ở Đăk Lăk đang cố thích nghi, hoạt động theo mô hình mới. Tuy nhiên, vòng luẩn quẩn, bế tắc vẫn cuốn lấy họ và thực chất việc chuyển đổi của các NLT đến thời điểm này, về cơ bản theo nhiều người đánh giá vẫn chỉ là "bình mới, rượu cũ".

>> Sống cũng dở, chết không xong

Vẫn chỉ duy trì...cái đã có!

Cty Lâm nghiệp Krông Bông là một trong những đơn vị được đánh giá là khá mạnh và hoạt động hiệu quả nhất Đăk Lăk. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến đây với kì vọng sẽ tìm được những kinh nghiệm, hướng đi có thể áp dụng cho các NLT yếu kém khác thì chính ông Bùi Quốc Tuấn- Giám đốc Cty cũng không khỏi ngậm ngùi về những khó khăn mà bản thân Cty đang vướng phải.  Hỏi vướng mắc gì? Hóa ra khó khăn lớn nhất lại cũng là vấn đề mà nhiều NLT đang vấp phải là "nút thắt" vốn và sổ đỏ ( NNVN số ra hôm qua 18/10, đã đề cập). 

 "Cty được giao quản lý gần 29.000 ha, trong đó chỉ có khoảng gần 10.000ha là rừng phòng hộ còn lại là rừng sản xuất. Thế nhưng Cty không thể tận dụng được lợi thế này đơn giản bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn nằm ở Sở TN- MT. Đơn vị không đủ khả năng tài chính để thể nộp thuế" - ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Cty phân trần. 

Cùng tình trạng đó, ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Ea Kar tâm sự: “Việc chuyển đổi mô hình hoạt động mới giúp các công ty lâm nghiệp tự chủ hơn, tuy nhiên, các đơn vị chỉ có mỗi thế mạnh về quỹ đất nhưng đến nay vẫn không thể phát huy được thế mạnh ấy. Như đơn vị chúng tôi, mặc dù được giao quản lý với hơn 4.000 ha gồm đất rừng và lâm nghiệp, đơn vị cũng có tổ chức, sắp xếp lại hoạt động nhưng do thiếu vốn, nên về cơ bản là vẫn chỉ là duy trì những gì đã có,  hiệu quả kinh tế mang lại vì thế không cao”.

Bên cạnh việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, một khó khăn khác các Cty lâm nghiệp đang gặp phải là bất cập trong cơ chế SXKD. Ông Bùi Quốc Tuấn- Giám đốc Cty Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, nguồn vốn chính của Cty chủ yếu dựa vào khai thác gỗ tự nhiên và nguồn vốn từ chương trình 661 của Chính phủ. Tuy nhiên có một thực tế là để có thể khai thác được gỗ, đơn vị phải trải qua rất nhiều thủ tục. Cụ thể như năm nay, mặc dù đã đến giữa tháng 10 nhưng đơn vị vẫn chưa có chỉ tiêu khai thác năm 2010. Năm nào cũng vậy, từ khi lập hồ sơ thiết kế khai thác đến lúc có thể “động cưa” phải tốn đến 1 năm.

Trong khi đó, thời gian khai thác cho phép lại rất hạn hẹp, chỉ 3 tháng. Nếu đơn vị không khai thác kịp lại phải một lần nữa đi xin. Hậu khai thác lại vấp khó khăn. Trong khi việc tiêu thụ trên địa bàn còn nhỏ lẻ thì việc xuất gỗ tròn ra ngoài tỉnh cũng phải đợi tỉnh. Thời gian đợi cũng đủ cho một số chủng gỗ hư hỏng, giảm giá trị. Điều đó không chỉ khiến các đơn vị thiếu nguồn vốn quay vòng mà còn làm thiệt hại về tài chính.

Gắng lấy ngắn, nuôi dài

Được đánh giá là đơn vị “làm nên ăn ra”, nhưng ông Lê Văn Dĩ- Cty Lâm nghiệp Ea Wy (Ea H’leo) khi gặp chúng tôi cũng than thở: “Hoạt động sản xuất của đơn vị không ổn định, không phát huy hết tiềm năng sẵn có. Cùng việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đơn vị đã đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế theo hướng nông lâm kết hợp. Nhưng chiến lược lâu dài cho việc này không có vì thiếu vốn. Hiện đơn vị đang thử nghiệm mô hình nuôi đà điểu dưới tán rừng. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách để lấy ngắn nuôi dài”.

Cũng theo ông Dĩ, trong 17 Cty lâm nghiệp ở Đăk Lăk, chỉ có khoảng 1/3 số đó là có chút lợi nhuận. Những đơn vị còn lại, phần lớn hoạt động sản xuất thì ì ạch, kém hiệu quả, đời sống của người lao động thì bấp bênh, tình trạng nợ lương vẫn còn diễn ra phổ biến. Nhiều đơn vị thậm chí, Phó Giám đốc cũng chán nản, đệ đơn xin…nghỉ việc.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, trong phiên trả lời chất vấn, bà Trương Thị Xê, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk thừa nhận: “Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các lâm trường sang Cty về bản chất vẫn là “bình mới rượu cũ”. Theo bà Xê, tình hình tài chính các công ty lâm nghiệp rất khó khăn, vốn lưu động gần như không có. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho các DN ngay cả cơ chế về vay vốn. Việc tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng cũng gặp nhiều trở ngại do không có tài sản thế chấp; Chưa đơn vị nào có đủ khả năng tài chính nộp thuế để có thể làm chủ sở hữu quỹ đất. Đấy cũng sẽ là khó khăn khi chuyển sang mô hình công ty TNHH MTV.

Chuyện “bình mới rượu cũ” sẽ tái diễn nếu Nhà nước không có cơ chế chính sách mới. Theo bà Xê, để gỡ được “cục rối” này, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh để có những chính sách phù hợp cho DN như: Vay vốn ưu đãi, cho ghi nợ thuế hoặc giãn thời gian nộp thuế sử dụng đất, cho phép DN chủ động tìm đối tác đầu tư vốn để phát triển SXKD…Đồng thời, rà soát những diện tích rừng, đất rừng; khả năng đầu tư quản lý bảo vệ phát triển rừng của các công ty để thu hồi những diện tích quản lý rừng kém hiệu quả cho các tổ chức kinh tế khác thuê. Bên cạnh, các Cty cần chủ động sáng tạo, phát huy nội lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh, có như vậy mới hy vọng vực dậy và trụ được trong kinh tế thị trường.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất