| Hotline: 0983.970.780

Bình tâm sẽ có bình an, cháu nhé

Thứ Sáu 08/03/2019 , 09:04 (GMT+7)

Cháu nhé, bình tâm sẽ có bình an. Đừng chen lấn ở lễ hội và dâng, giải như thiên hạ, mình biết và mình không mê tín, thì mình sẽ tránh được, nhé.

Cô kính mến!

Đến hôm nay mới có thể nói người ta đã vãn đi chùa, đình đền, lễ lạt. Chồng cháu người Bắc, bố mẹ anh ấy cũng đã vào Nam. Thi thoảng chồng mới đưa cháu ra Bắc nhân giỗ họ hay ngày Tết. Đi lần đầu năm 2015 và năm nay, mới vừa đây cô.

Phải nói ngoài đó nhiều cảnh đẹp, đẹp quá cô ơi. Cháu được đi Tràng An (Ninh Bình), đi vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Vừa rồi định đi Chùa Hương (Hà Nội) nhưng bố mẹ chồng can, đừng đi, sẽ chết vì đông đấy. Đổi lại chúng cháu đi hội Lim, nghe Quan họ Bắc Ninh, hay lắm cô. Nhưng nói chung, cháu thích phong cảnh chứ không thích đi chùa, đi phủ, đi đền kiểu ngoài đó cô. Sao khác ở trong Nam quá cô?

Cháu cũng không thấy thỏa mãn với giải thích của chồng với bố mẹ chồng nói tháng Giêng là tháng ăn chơi. Sao chơi cả tháng vậy cô? Mà họ cũng chơi thiệt, vậy thì làm việc sao, đình trệ hết vì hội hè hả cô?

Đi chùa cháu dị ứng nhiều chuyện, lần trước đã thấy, giờ đi những nơi khác cũng thấy nên cháu khái quát, sao ở đâu cũng tiền tiền tiền. Người ta vẫn nhét tiền vào tay tượng. Người ta làm hòm công đức thiệt là to, lộ liễu thấy sợ. Rồi dâng sao giải hạn, chèo kéo, như cái chợ, chán quá cô.

Ở trong Nam cháu thấy những cái chùa lớn của thành phố cũng bắt đầu có dấu hiệu thị trường. Từ người giữ xe cho tới người bán vòng hoa, tới người bảo vệ giữ gìn trật tự, thấy cũng lôm côm rồi. Có không những ngôi chùa tịnh vắng mà cháu chưa biết hả cô?

Đi đám tang ở các chùa, thấy cũng nhộn nhạo, do người chết xếp hàng, có khi một chùa lớn nhận cùng lúc bốn quan tài, người thân của họ không đủ chỗ ngồi, người viếng nhanh nhanh về, không còn nghiêm trang sâu sắc gì hết. Cũng chán cô ơi. Ở xứ người ta cũng sống và cũng chết, cũng đô thị đông đúc nhưng đâu có bát nháo như mình, đúng không cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Có ở Bắc mới biết vì sao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Đầu tiên là do tập quán trồng lúa nước, tâm lý tiểu nông. Thời gian ấy lúa chưa đến vụ, màu đã thu hoạch bán Tết rồi, con người nghỉ ngơi, đúng là nông nhàn.

Lại nữa, khí hậu ấy, rét mướt bời bời, mưa phùn gió bấc, áo ấm ra ngoài thì đến chùa, đến đình, đến đền, đến phủ chứ đi đâu giờ? Và lại nữa, có lẽ vì nhu cầu tâm linh song hành với nhu cầu vật chất nên hệ thống đình đền chùa phủ dày đặc, phục vụ dân cư, lâu ngày thành cổ mà đã cổ kính thì thiêng, cổ do thời tiết rêu phong, cổ do người trước truyền tai cho người sau và cứ thế.

Không cứ gì cũng so sánh Bắc với Nam được, mà so sánh khiến mất công. Bắc là đất gốc, ở đó có những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi. Ngày xưa thanh vắng, đất rộng người thưa. Bây giờ đông phát ngốt nên đi đâu cũng thấy đông nghẹt thở. Như chùa Hương, có mấy ngàn chiếc thuyền đưa khách thì suối Yến còn gì nên thơ, thanh bình nữa. Như Yên Tử, đưa cáp treo cho du lịch dù là du lịch tâm linh thì còn gì tôn nghiêm nữa?

Cháu không đi chùa Hương mùa hội là đúng. Nhưng đừng nghĩ sao người ta phải chen nhau đi? Là vì những nơi ấy thiêng và mật độ dân đã đông lên đến mức không biết làm sao cho bớt đông được nữa.

Việc giắt tiền vào tượng và hòm công đức lộ liễu ấy là, nói mà không ngại võ đoán, là vì văn hóa mọi thứ đã đứt gãy với thuần khiết xưa. Không còn kiểm soát được ở nơi tưởng là thanh tịnh, tôn nghiêm nữa. Hậu quả ấy không biết bao giờ thì kết thúc, cô cũng bất an và luôn thấy bất lực.

Quả nhiên, ở Nam thì không có mấy cảnh láo nháo ấy vì người dân vẫn còn giữ được nét trong cũ. Chỉ nên nhắc nhau trong người nhà, trong gia tộc, rằng mỗi người cố biết sai biết dở mà tránh thôi.

Ở Bắc có hệ thống nhà tang lễ cho các khu đô thị nên ta không thấy chùa nhận làm tang và nhận tro cốt. Khi người đông lên mà thiếu chỗ cho việc hậu sự thì hệ thống chùa và nhà thờ phải gánh thôi. Việc cháu thấy láo nháo cũng vì đông quá cháu ạ. Đông đến mức áp lực thì chẳng còn chỗ nào nghiêm ngắn, cẩn trọng được.

Nói nước người ta khác, dĩ nhiên khác, ở đó ta thấy người thưa, quy hoạch giỏi, không phát ngốt. Nhưng Ấn Độ thì sao, cũng quá đông, cũng chùa chiền dày đặc, cũng láo nháo sông Hằng người chết đang thiêu ngoài trời bên những người đi tắm sông đó thôi.

Cháu nhé, bình tâm sẽ có bình an. Đừng chen lấn ở lễ hội và dâng, giải như thiên hạ, mình biết và mình không mê tín, thì mình sẽ tránh được, nhé. Là con dâu Bắc, cháu nên thi thoảng đi, đúng, cảnh đẹp nhiều, lựa chọn hội mà đi và hãy nhớ, có nguồn cội mới có chúng ta ngày nay.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm