| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận: Cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Thứ Sáu 20/03/2020 , 10:30 (GMT+7)

Hiện hơn 80% diện tích rừng ở Bình Thuận dễ xảy ra cháy rừng và có nguy cơ cháy cao do ảnh hưởng thời tiết khô hanh vào mùa khô.

Các chủ rừng ở Bình Thuận liên tục tuần tra trong mùa khô.

Các chủ rừng ở Bình Thuận liên tục tuần tra trong mùa khô.

6 huyện, thành phố cảnh báo cháy rừng cấp V

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, toàn tỉnh có hơn 298.643 ha rừng, trong đó hơn 272.928 ha rừng tự nhiên và 25.715 ha rừng trồng.

Đối với rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc kiểu rừng khộp, rụng lá vào mùa khô nằm phân bố ở vùng đồi núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở gây nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý, bảo vệ. Cũng như gây khó khăn trong việc tiếp cận đám cháy, tổ chức chữa cháy rừng khi xảy ra.

Còn rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn…phần lớn nằm tiếp giáp với dân cư, các điểm du lịch và đất canh tác nông nghiệp, nên dễ bị xâm hại và có nguy cháy rừng cao.

Theo thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và qua theo dõi diễn biến thời tiết, từ ngày 7/2, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã ban hành cảnh báo cháy rừng cấp V (cực kỳ nguy hiểm) thuộc địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và TP Phan Thiết và cấp IV (rất nguy hiểm) thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, Bắc Bình và thị xã La Gi.

Theo đó, vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và có nguy cơ cháy cao khoảng 241.423 ha, chiếm 80,83% diện tích có rừng.

Tại huyện Hàm Thuận Bắc hiện có khoảng 67.000 ha rừng. Ông Nguyễn Văn Lập, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc, cho biết, trong số diện tích rừng trên, hiện có khoảng 22.000 ha có nguy cơ xảy ra cháy rừng, tập trung chủ yếu tại các xã La Dạ, Thuận Hòa, Đông Tiến, Thuận Minh…

Ông Huỳnh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, để phòng chống cháy rừng ngay đầu mùa khô 2019-2020, Chi cục đã đưa vào sử dụng các công trình phòng chống cháy rừng đã được nghiệm thu như đốt chần hơn 899 ha, cày băng trắng cản lửa hơn 545 ha, thu gom và xử lý vật liệu cháy 2,5 ha, phát và đốt vật liệu cháy hơn 29 ha, làm băng trắng 30,7 ha…

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã chủ động triển khai các biện pháp thu gom, xử lý làm giảm thiểu khối lượng vật liệu cháy và khả năng cháy rừng tại các khu vực thuộc vùng trọng điểm cháy trong lâm phần quản lý, dù chưa bố trí được kinh phí để làm các công trình lâm sinh phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Không lơ là

Ông Lập cho biết, hiện thời tiết trên địa bàn đang mùa khô hanh với diễn biến phức tạp, nên các chủ rừng không lơ là.

Theo đó, các BQL rừng đã bố trí lại lực lượng các chốt, trạm bảo vệ rừng tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng. Cũng như tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng và PCCCR. Nhờ vậy từ đầu năm đến nay, các vụ cháy rừng trên địa bàn đều được các đơn vị phát hiện sớm, dập tắt kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.

Để phòng chống cháy rừng, các chủ rừng làm băng cản lửa.

Để phòng chống cháy rừng, các chủ rừng làm băng cản lửa.

Tương tự hơn 15.259 ha rừng tại BQL rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bắc Bình) trước và sau tết được giữ vững. Theo BQL rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, đó là nhờ chủ động rà soát các khu vực trọng điểm về nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, đơn vị đã bố trí lực lượng theo dõi tình hình và xây dựng phương tuần tra rừng liên tục. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đối với những hộ dân sống ven rừng, gần rừng trong việc PCCCR…

Ông Huỳnh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, từ đầu mùa khô 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 20 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng (lá, cỏ khô...) với diện tích hơn 21 ha. Tất cả các trường hợp cháy trên được các đơn vị chủ rừng phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Ông Huỳnh Hiếu cho biết, để phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm 2020, Chi cục đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án bảo vệ rừng và PCCCR từ cấp tỉnh, huyện đến các đơn vị chủ rừng và UBND các xã có rừng.

Theo đó, đã củng cố, kiện toàn 9 Ban chỉ huy cấp huyện, 50 Ban chỉ huy cấp chủ rừng, 52 Ban chỉ huy cấp xã và thành lập lực lượng ứng cứu cấp huyện 128 người, cấp chủ rừng 460 người, cấp xã 474 người.

Thành lập tổ/đội PCCCR cấp chủ rừng gồm 196 tổ/1.742 người, cấp xã 166 tổ/1.402 người và 2.070 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Chuẩn bị phương tiện phục vụ chữa cháy tại chỗ gồm: 77 ô tô, 57 máy cày, 1.368 xe máy; 65 máy thổi gió; công cụ thủ công phục vụ chữa cháy rừng có 1.580 cuốc, xẻng, rựa, cào cỏ và 890 công cụ khác…

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).