| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận vừa tích nước, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa

Thứ Sáu 15/11/2019 , 09:39 (GMT+7)

Để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Bình Thuận đang tập trung theo dõi thời tiết, lên phương án điều tiết tích nước hợp lý.  

Hồ Đại Ninh vẫn ở mức thấp

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, thời gian qua nhờ ảnh hưởng của bão số 5 và số 6 nên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có mưa, lượng nước bổ sung lượng cho các hồ tăng lên đáng kể.

Các chứa ở Bình Thuận vừa tích nước vừa đảm bảo an toàn hồ đập. Ảnh: KS

Tính đến giữa tháng 11/2019, tổng dung tích hữu ích các hồ chứa trên địa bàn là 191,7 triệu m3/225,7 triệu m3, đạt 84,9% so với thiết kế. Tuy nhiên nếu so mực nước tích hiện tại so với cùng kỳ năm ngoái cao hơn 8,7 triệu m3 và thấp hơn trung bình 5 năm gần đây là 16 triệu m3.

Bên cạnh đó, tổng dung tích hữu ích 2 hồ thủy điện hiện 593,1 triệu m3/774,2 triệu m3, đạt 76,9% thiết kế, cao hơn cùng kỳ 28,9 triệu m3, thấp hơn trung bình 5 năm gần đây 72,9 triệu m3. Trong đó, hồ Hàm Thuận hiện tích nước được 494/ 522.50 triệu m3, đạt hơn 94,5% thiết kế, cao hơn năm cùng kỳ 53 triệu m3. Còn hồ Đại Ninh mực nước chỉ ở mức 99/251,7 triệu m3, đạt 39,4% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 25 triệu m3 và thấp hơn trung bình 5 năm gần đây 89 triệu m3.

Các hồ chứa đã được cơ quan kiểm tra trước mùa mưa bão.

Ông Võ Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Thuận cho biết: Lượng nước các hồ thấp sẽ ảnh hưởng đến việc bố trí sản xuất lúa vụ Đông Xuân. Nếu từ đấy đến cuối năm không mưa thì Bình Thuận phải cắt giảm khoảng 16.000 ha lúa Đông Xuân và một số vùng sẽ không bảo đảm tưới thanh long đến cuối mùa khô.

Trong đó, hồ Đại Ninh rất quan trọng đối với địa phương. Hồ này có nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, với tổng diện tích trên 27.000 ha, trong đó 17.000 ha lúa và 10.000 ha thanh long.

Tuy nhiên hiện nay hồ Đại Ninh còn thiếu khoảng 170 triệu m3 nước nữa mới đầy hồ. Do đó, nếu nguồn hồ Đại Ninh không tăng thì không thể bố trí sản xuất lúa Đông xuân ở 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc.

Vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa tích nước

Hiện nay tỉnh Bình Thuận vẫn đang trong mùa mưa bão, vì vậy việc tích nước các hồ chứa đang được đơn vị quản lý hồ chứa tiếp tục theo dõi.

Tuy nhiên để vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa tích nước tối đa phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân 2019-2020 tới, Sở NN-PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát công trình hồ chứa, có phương án vận hành an toàn, bảo đảm điều tiết hợp lý nhằm đáp ứng hai mục tiêu vừa an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi vừa tích nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Khi có phương án xả lũ phải thông báo kịp thời để người dân vùng hạ du biết chủ động ứng phó.

Các hồ chứa được bố trí lực lượng đầy đủ, trực 24/24 giờ. Ảnh: KS

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, đầu mùa mưa bão, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra, xác định mức độ hư hỏng các công trình. Trên cơ sở đó đã tiến hành, sửa chữa những hư hỏng mang tính chất cấp bách, đặc biệt là các công trình đầu mối hồ chứa.

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 26 hồ chứa xuống cấp chưa được bố trí vốn để đầu tư nâng cấp, đặc biệt có 6 hồ cấp bách cần sớm được đầu tư nâng cấp như: hồ Cà Giây; hồ Năm Heo; LT Sông Dinh; Giếng Cỏ; Bo Bo và Cà Giang- Hồng Sơn. Bên cạnh đó, hầu hết các công trình hồ chứa hiện nay đều không có trạm đo mưa đầu nguồn, bản đồ ngập lụt hạ lưu và hệ thống hệ thống cánh báo, gây khó khăn và thiếu chủ động trong việc dự báo và cảnh báo lũ cho vùng hạ du. Do đó, Chi cục đề nghị cấp trên bố trí kinh phí để nâng cấp các hồ và thực hiện công tác đo đạc bình đồ khu vực lòng hồ để thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ công trình; kiểm định, xây dựng bản đồ ngập lụt, xây dựng các hệ thống quan trắc, cảnh báo, đầu tư nâng cấp công trình.

Bên cạnh đó, Công ty này đã kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử các thiết bị phục vụ cho xả lũ các hồ chứa, bảo đảm công trình vận hành bình thường trong mọi điều kiện thời tiết.

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, công cụ, thiết bị dự phòng cần thiết, bảo chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Đồng thời đơn vị này cũng đã xây dựng phương án PCLB cho các công trình; kiện toàn Ban chỉ huy PCLB của Công ty, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên.

Đảm bảo cập nhập thông tin báo cáo, hệ thống thông tin liên lạc 24/24 được thông suốt từ các trạm, chi nhánh, văn phòng Công ty.

Đối với các công trình hồ chứa  xuống cấp, các hồ có tuyến thoát lũ hạ lưu bị hạn chế và hồ có diện tích lưu vực lớn, khi có mưa thượng nguồn, chỉ đạo đơn vị quản lý chủ động điều tiết xả trước hạ thấp mực nước xuống dưới MNTK để đón lũ nhằm bảo đảm ổn định và giảm ngập cho vùng hạ du công trình.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, hiện trong mùa mưa nên Cty đã huy động lực lượng trực 100%, duy trì chế độ trực 24/24 tại các hồ chứa. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc công trình, kịp thời phát hiện và khắc phục những tình huống nguy hiểm, bất thường xảy ra. Thường xuyên cập nhật theo dõi diễn biến của thời tiết, để chủ động điều tiết xả lũ hợp lý, tránh trường hợp xả lũ lớn gây ngập cho hạ lưu. Phối hợp chặt chẻ với địa phương trong việc thông báo điều tiết lũ qua tràn các hồ chứa.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.