| Hotline: 0983.970.780

Bình yên Hà Tiên

Chủ Nhật 30/12/2012 , 14:11 (GMT+7)

Hà Tiên không chỉ đẹp và nên thơ với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn là thị xã biên giới năng động, là cửa ngõ giao thương quốc tế với nước bạn Campuchia và nhiều nước trong khu vực.

Một góc thị xã Hà Tiên hiện nay

Hà Tiên, vùng đất được ca ngợi “miền xinh tươi như hoa gấm trong đời, với những bóng dừa xanh mát biển khơi”. Hà Tiên không chỉ đẹp và nên thơ với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn là thị xã biên giới năng động, là cửa ngõ giao thương quốc tế với nước bạn Campuchia và nhiều nước trong khu vực.

Phát huy lợi thế

Được khai mở từ thế kỷ XVII, Hà Tiên nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh. Tương truyền, ngày xưa có tiên nữ thường tìm đến dòng sông Giang Thành để dạo chơi, ngắm cảnh nên Mạc Cửu mới đặt tên cho vùng đất mà mình có công khai mở là Hà Tiên.

 Ngày nay, dù đã có nhiều thay đổi nhưng Hà Tiên vẫn có sức thu hút mãnh liệt với khách du lịch. Lợi thế về du lịch chính là đòn bẩy để Hà Tiên phát triển kinh tế, xã hội. Ông Dương Quảng Bình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hà Tiên cho biết, Nghị quyết Đảng bộ của thị xã đã xác định lấy thương mại, dịch vụ, du lịch làm trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội cũng như kêu gọi đầu tư. Qua đó, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào thị xã, chủ yếu là lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm thương mại, khu dân cư…

Về lĩnh vực du lịch, Hà Tiên là một trong 10 điểm đến nổi tiếng của cả nước. Lợi thế về vị trí địa lý cùng với lịch sử văn hóa hình thành đã tạo cho Hà Tiên có một vẻ đẹp riêng, tiềm ẩn, khiến bất cứ du khách nào đặt chân đến đây cũng muốn khám phá.

 Theo ông Bình, trong 10 cảnh đẹp thiên phú của Hà Tiên (Hà Tiên thập vịnh), mỗi danh thắng đều gắn liền với lịch sử văn hóa khai phá và hình thành nên vùng đất này nên du khách luôn muốn tìm hiểu, khám phá. Ngoài ra, Hà Tiên còn là cửa ngõ quan trọng để kết nối các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, nằm trong “tam giác du lịch”: Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc. Hiện nay, mỗi năm Hà Tiên đón tiếp trên 1 triệu khách du lịch, với doanh thu từ dịch vụ du lịch hàng năm hơn 300 tỷ đồng.

Một lợi thế khác của Hà Tiên là thương mại mậu dịch biên giới với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên nối với nước bạn Campuchia. Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Thị ủy, kiêm Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên cho biết: “Từ khi được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, hoạt động thương mại giữa hai nước đã có bước phát triển rõ rệt. Việt Nam xuất qua nước bạn chủ yếu hàng công nghệ thực phẩm, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng. Còn nhập khẩu hàng nông, lâm sản. Ngoài ra, cư dân hai bên biên giới qua lại trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày. Nếu là hàng nông sản thì được miễn thuế, còn hàng hóa khác với giá trị dưới 2 triệu đồng thì không phải đóng thuế”.

Hiện nay, khu kinh tế cửa khẩu đang được xúc tiến xây dựng gồm: Khu bảo thuế, siêu thị hàng miễn thuế, kho ngoại quan, chợ biên giới. Trong tương lai không xa, khu kinh tế này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy thương mại mậu dịch giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Chính sách an dân

Hà Tiên có tuyến biên giới với nước bạn Campuchia dài 39,5 km, trong đó có 13,5 km biên giới trên đất liền. Trong những năm qua, Chính phủ hai nước đã có nhiều nỗ lực, chung sức cùng nhau xây dựng và thực hiện các Hiệp ước, Hiệp định, các thỏa thuận về công tác biên giới lãnh thổ, phân giới cắm mốc.

Với quyết tâm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, các cột mốc biên giới quan trọng như 313, 314 (cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia) đã được ưu tiên xây dựng và đã được Chính phủ hai nước khánh thành, góp phần ổn định tuyến biên giới.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn có nhiều chính sách ưu đãi đối với cư dân tuyến biên giới, giúp họ an cư lạc nghiệp. Ông Dương Quảng Bình cho biết, thực hiện Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo…, từ năm 2010 cho đến nay, đã có 132 hộ dân sinh sống trên tuyến biên giới thuộc xã Mỹ Đức và phường Đồng Hồ được hỗ trợ nhà ở, với tổng số tiền hơn 2,64 tỷ đồng.

Bà Châu Thương, người Khmer, sống ở ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức phấn khởi cho biết: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nên người dân chúng tôi mừng lắm. Giờ có nhà xây rồi, vợ chồng, con cái không còn sợ mưa nắng nữa, yên tâm làm ăn sinh sống”. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang còn có chương trình "Mái ấm biên cương", tặng nhà cho đồng bào nghèo, khó khăn, bảo lãnh cho người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Xã biên giới Mỹ Đức của thị xã Hà Tiên đang là xã dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện nay, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM, 2 tiêu chí còn lại là trường học (tiêu chí 5) và cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6) đang được địa phương nỗ lực hoàn thành để sớm được công nhận là xã NTM.

 Ông Trương Văn Công, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết: “Mỹ Đức là 1 trong 35 xã được UBND tỉnh Kiên Giang chọn làm xã điểm để xây dựng NTM. Là xã biên giới, điều kiện sản xuất rất khó khăn, hơn nữa đồng bào dân tộc chiếm đa số nên Mỹ Đức còn có những khó khăn riêng. Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi đã tập trung tuyên truyền vận động để người dân hiểu, nhiệt tình tham gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó là việc lồng ghép các chương trình của tỉnh, Trung ương dành cho khu vực biên giới, nhờ đó bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên”.

Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được ổn định, vùng đất Hà Tiên thơ mộng trữ tình nay đã thành thị xã biên giới yên bình nhưng năng động trong phát triển kinh tế. Và trong tương lai không xa, một thành phố mang đậm nét văn hóa – du lịch mang tên Hà Tiên sẽ được hình thành.

Ông Mai Văn Huỳnh cho biết:

Hà Tiên đang phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2013, sớm hơn so với kế hoạch 2 năm. Hiện nay, xét theo tiêu chuẩn Bộ Xây dựng thì Hà Tiên đã đạt trên 70% các tiêu chí của đô thị loại III.

Để hoàn thành 30% tiêu chí còn lại, thị xã đang tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm về khai thác thế mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch và các công trình phục vụ phát triển văn hóa, xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân hàng năm trên 19%, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên 3.000 USD vào năm 2015.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm