| Hotline: 0983.970.780

Bình yên nơi đầu nguồn con nước

Thứ Sáu 29/11/2019 , 08:55 (GMT+7)

Dưới sườn đông dãy núi Tam Đảo, ở giữa ngọn núi cao nhất nổi lên màu xanh thẳm của hồ Gò Miếu thơ mộng.

Dãy Tam Đảo hùng vĩ, linh thiêng đã tạo ra muôn vàn kỳ tích danh thắng xen cùng huyền sử. 
 

Sự tích một hồ nước

Hơn 2 thập kỷ trôi qua, kể từ khi Vai Miếu được xây dựng thành hồ Gò Miếu với một tổ công tác đặc biệt chăm lo an nguy cho công trình thì ngoài vai trò của một công trình thủy nông lớn, hồ còn là một danh thắng, một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khắp mọi miền đất nước.

08-53-53_4
Hồ Gò Miếu được ví như một cái máng khổng lồ để chứa nước từ hàng chục con suối, dòng thác chảy từ đỉnh Tam Đảo xuống

Ở vị trí này, từ rất xa xưa nhân dân trong vùng đã đắp một con đập gọi là Vai Miếu để lấy nước tưới ruộng. Từ "vai" theo tiếng địa phương là phai (hay đập). Vai Miếu là cái vai bên cạnh cái miếu thờ thần. Quả đồi có ngôi miếu gọi là Gò Miếu.

Hồ Gò Miếu được ví như một cái máng khổng lồ để chứa nước từ hàng chục con suối, dòng thác chảy từ đỉnh Tam Đảo xuống. Nước hồ bốn mùa đều trong xanh như một bức tranh thủy mặc tuyệt sắc. Chả vậy mà ở đầu nguồn, nơi tụ hợp của 9 dòng chảy nhỏ có tích lại một vùng nước xanh thẳm, bằng lặng là nơi tiên nữ từ trời xuống tắm mát, vui đùa.

Đi sâu vào lòng hồ, khi dòng suối lớn ở vị trí hẹp lại là lớp lớp những khối đá bằng phẳng khổng lồ soi mình bên thác trắng. Có một hòn đá to như cả ngôi nhà cao tầng nằm chênh vênh bên thác nước được dân làng gọi là nồi bánh chưng. Sự tích được người già bản địa kể rang, xưa kia vùng đất Ký Phú nghèo lắm, nhưng Tết đến mọi nhà vẫn gói bánh chưng để thờ Tết và vui xuân.

Vị thần ở Ký Phú có một cái nồi đồng lớn để ở đáy vực, ai muốn mượn về luộc bánh cứ việc đến khấn là nồi nổi lên, luộc xong bánh phải mang trả nồi và để vào trong nồi một cái bánh gọi là lễ tạ, cứ thế thỏa thuận giữa thần và người, dân trong vùng không ai phải lo nồi luộc bánh ngày Tết.

Thế rồi trong vùng có một lão nhà giàu nhưng tham lam keo kiệt khi đem trả nồi đã đặt vào trong một chiếc bánh gói bằng đất. Từ đó nồi đồng lặn mất, cầu khấn mãi cũng không nổi lên. Năm ấy, lũ lụt liên miên, dân làng phải xám hối, cầu xin mãi, thần linh thương tình cho ngăn dòng lũ bằng một tảng đá khổng lồ hình cái nồi, như lời răn dạy từ ngàn xưa vọng về.
 

Hồ cao nhất, sâu nhất Thái Nguyên

Chuyện sử được minh chứng bằng một đền thờ tên là đền Gò Miếu nằm ngay bên cạnh chân công trình, sát với trụ sở của Cụm khai thác thủy lợi đầu mối hồ Gò Miếu.

Đưa chúng tôi từ tỉnh lộ 261 vào thăm công trình, ông Nguyễn Xuân Thiêm (Trưởng phòng Quản lý nước và công trình - Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) cho hay, con đường dốc, dài gần 2km đến chân đập với 2 bên là những thửa ruộng bậc thang có bờ kè đá chính là dấu tích của dòng chảy và những trận lũ trước đây.

08-53-53_5
Công trình thủy lợi hồ Gò Miếu với vị thế cao nhất, sâu nhất trong các hồ chứa nước lớn của tỉnh Thái Nguyên.

Dãy Tam Đảo dựng đứng nhiều khi tạo những rãnh áp thấp, vùng tiểu khí hậu thường xảy ra những cơn mưa lớn, những trận lũ bất thường hoặc lốc xoáy mà người dân thường gọi là bão bò đen. Bão quần tụ nếu được nhận diện thì còn biết đường mà chạy nhưng mỗi khi nghe trên đỉnh non có tiếng reo, tiếng hú thì rất có thể mưa nguồn đã tạo lũ ống, lũ quét, nước đang lao về, dân hò nhau chạy đến nơi an toàn.

Vai Miếu trước đây chỉ phục vụ người dân một vài xóm bản ven suối. Nhận thấy tiềm năng thủy lớn tại đây, những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Nhà nước đã bỏ ra gần 40 tỷ đồng để xây dựng đập hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với diện tích lưu vực lên tới 17km2, trữ lượng trên 5 triệu m3 nước, hồ Gò Miếu cung cấp nước tưới cho gần 1.000ha cây trồng thuộc 4 xã của huyện Đại Từ là Ký Phú, Cát Nê, Văn Yên và xã Vạn Thọ.

Nhiều người kể lại, năm 1998, tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành công trình. Có một nghi lễ về việc hoàn công, lúc ấy, trời giông bão giật nổi lên nhưng chỉ vài phút sau khi mà nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ông Mai Phúc Toàn cùng các cán bộ tiến hành cắt băng thì trời quang mây tạnh. Cũng như một sự linh ứng, đồng tình của Thần tiên với con người trần thế.
 

Với chiều cao đỉnh đập lên tới 29,8 mét, hồ Gò Miếu là hồ cao nhất của tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Cùng với đập chính, hồ còn có 137 các công trình phụ trợ như tràn xả lũ, cống lấy nước, hệ thống kênh chính hữu dài 2,6 km, kênh chính tả dài 1,8 km và kênh cấp II dài hơn 10 km.

Chăm lo, bảo vệ an toàn hồ

Nữ nhân viên Trần Ngọc Như công tác tại cụm khai thác thủy lợi đầu mối hồ Gò Miếu cho biết, hồ ở trên cao không khác gì một quả bom nước khổng lồ.

Mặt khác, diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp trên khu vực đỉnh núi Tam Đảo nên nhiệm vụ bảo vệ an toàn hồ đập được thực hiện theo ca kíp với chế độ 24/24 giờ/năm.

Những buổi mưa ròng, những đêm trực lũ, phải chạy ngược dốc lên mặt đập hay phóng xe máy gần 1,5km đến tràn xả lũ, theo cạnh cô gái trẻ lúc nào cũng có chú chó Malinois trung thành. Như bảo, chú chó hộ vệ như người bạn đồng hành, giúp em cảm thấy yên tâm nhiều hơn khi làm nhiệm vụ.

Chị Trần Thị Hương, một nhân viên khác của cụm khai thác thủy lợi đầu mối hồ Gò Miếu kể, có nhiều hôm trời nắng chang chang nhưng những người đi rừng hái chè lại chạy thục mạng ra ngoài báo hiệu có lũ.

Tức thì 100% quân số của cụm tất thảy ứng trực. Lũ về, lúc 3,4 giờ chiều, mực nước còn cách mặt đập 4 mét nhưng chỉ đến 7 giờ tối, mực nước có khi chỉ còn nửa mét.

08-53-53_1
Ở nơi linh thiêng, sơn cùng thủy tận, chú chó hộ vệ giúp cán bộ khai thác công trình thủy lợi yên lòng hơn khi làm nhiệm vụ.

Các mệnh lệnh phối kết hợp xử lý phải kịp thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Chính vì vậy mà mọi diễn biến thời tiết khu vực thượng nguồn, cũng như các vùng phụ cận liên tục được theo dõi, cập nhật để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Bà Phạm Thị Hải Yến, cụm trưởng cụm khai thác thủy lợi hồ Gò Miếu cho biết, ngoài đập chính, cụm còm quản lý 4 đập phụ, gồm đập Vai Cái, Vực Cảnh (xã Văn Yên), đập Vai Say (xã Vạn Thọ), đập Vai Làng (xã Cát Nê). Phối hợp với các địa phương hưởng lợi từ công trình, cụm trực tiếp tổ chức điều hành mọi hoạt động của lực lượng ứng cứu khi công trình có sự cố.

Đó là ra lệnh báo động, lệnh huy động lực lượng, tập trung vật tư, phương tiện, lệnh sơ tán dân ra khỏi hạ lưu công trình, đồng thời, lập biên bản giữ người và phương tiện, tang vật có hành vi phá hoại công trình hoặc không thi hành lệnh điều động ứng cứu công trình. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện sẽ chi viện lực lượng, vật tư phương tiện trong trường hợp có sự cố lớn xảy ra.

08-53-53_2
Vận hành, điều tiết thủy lợi tại hồ Gò Miếu.
"Hiện tại, hồ Gò Miếu đang được khai thác giá trị rất lớn về du lịch, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên nhiệm vụ được ưu tiên lớn nhất vẫn điều tiết nước cho hồ Núi Cốc, tích nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc bảo vệ an toàn hồ Gò Miếu đã và sẽ tiếp tục là trọng  trách lớn lao đối với mỗi cán bộ, nhân viên của cụm đầu mối tại đây", bà Phạm Thị Hải Yến, cụm trưởng cụm khai thác thủy lợi hồ Gò Miếu nói.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

Bình luận mới nhất