| Hotline: 0983.970.780

Bình yên Sông Kôn

Thứ Năm 19/09/2013 , 10:43 (GMT+7)

Khi những cánh rừng đầu nguồn được bảo vệ tốt, ngoài nguồn nước ở hồ chứa nước Định Bình luôn ổn định mà vào mùa mưa lũ, rừng còn hạn chế được lũ quét trên hệ thống sông Kôn.

Ngoài hơn 2.600 ha rừng trồng, Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn còn được UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ quản lý gần 11.500 ha rừng tự nhiên nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Khi những cánh rừng đầu nguồn được bảo vệ tốt, ngoài nguồn nước ở hồ chứa nước Định Bình luôn ổn định mà vào mùa mưa lũ, rừng còn hạn chế được lũ quét trên hệ thống sông Kôn.

Giữ rừng triệt để

Phần lớn diện tích rừng tự nhiên do Cty Sông Kôn quản lý nằm giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và huyện Kbang cùng TX An Khê (Gia Lai) nên thường xuyên bị lâm tặc lăm le phá hoại. Xác định vai trò của những cánh rừng tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nguồn nước cho hồ Định Bình và hạn chế lũ quét trên hệ thống sông Kôn trong mùa mưa lũ, Cty Sông Kôn luôn đặt công tác QLBVR lên làm nhiệm vụ hàng đầu.

Theo ông Võ Văn Cường, GĐ Cty Sông Kôn, đã có gần 4.300 ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã Vĩnh Sơn được Cty giao khoán QLBVR cho 384 hộ dân cùng 2 tập thể theo hình thức giao khoán cho hộ và tổ chức theo từng nhóm hộ với mức khoán 200.000 đ/ha/năm bằng nguồn vốn 30a của Chính phủ.

Với những diện tích rừng tự nhiên còn lại, Cty tập trung lực lượng cho công tác QLBVR với 2 tổ chuyên trách gồm 5 người và lực lượng cơ động 11 người. Ngoài ra, Cty còn thành lập 4 trạm QLBVR trên 4 địa bàn trọng điểm.

“Nhờ có sự hoạt động của 4 trạm QLBVR mà những diện tích rừng tự nhiên do Cty quản lý được bình yên, không để xảy ra phá rừng. Thậm chí nạn vận chuyển gỗ khai thác trái phép từ Gia Lai sang địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cũng được ngăn chặn triệt để”, ông Cường cho biết.

Công tác QLBVR ở đây không chỉ có ngành chức năng thực hiện, mà còn được người dân nhận khoán ở xã Vĩnh Sơn tham gia với 16 nhóm hộ gồm: Làng K2 (2 nhóm), làng K3 (2 nhóm), làng K4 (6 nhóm) và làng K8 (6 nhóm). Những nhóm hộ này thường xuyên thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm tra rừng nhận khoán do Ban điều hành xã xây dựng.

Từ đầu năm đến nay, các nhóm hộ đã triển khai 160 đợt và Ban điều hành thôn, xã tổ chức tuần tra, kiểm tra 66 đợt. Ông Võ Hồng Nguyên, Trưởng phòng QLBVR Cty Sông Kôn cho biết thêm: “Nếu đến đợt kiểm tra rừng mà hộ dân nào vì điều kiện gia đình không đi được thì Ban điều hành thôn, xã sẽ cử lực lượng đi kiểm tra thay và hộ nhận khoán sẽ chịu khoản chi phí cho lực lượng đi thay.

Hàng tháng, Ban điều hành xã, thôn đều xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra rừng tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại cao”.

Gieo tình giữa rừng sâu

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, những người “gác rừng” tại các Trạm QLBVR thuộc Cty Sông Kôn còn kết hợp về tận những làng đồng bào dân tộc thiểu số ở trong lâm phần mình quản lý để kết tình thân, dần dà cảm hóa họ trở thành những cộng tác viên đắc lực trong công tác QLBVR.

Anh Phạm Trung từng là Trưởng trạm QLBVR Lò Than cho biết: “Khi ấy tôi phụ trách làng Đăklot và phụ trách chung, anh Quang phụ trách làng ĐăkHmuông, anh Long phụ trách hai làng Đăkkhâm và Đăkeng.


Anh Trung đi kiểm tra rừng

Hằng ngày, đi tuần đến khu vực nào thì sẽ ghé vào làng ấy gặp gỡ, trò chuyện với bà con và hướng dẫn họ kỹ thuật canh tác lúa nước. Họ rất nhanh quên, nên gần như phải nhắc nhở trong từng mùa vụ. Gần gũi lâu hóa thân thiết, cứ ghé thăm làng là được chiêu đãi rượu cần”.

Anh Trung dắt chúng tôi xuôi con dốc dựng đứng để đến làng ĐăkHmuông (thị trấn Vĩnh Thạnh). Làng có 9 hộ dân được di dời về đây vào năm 2001 để nhường đất cho lòng hồ Định Bình. Trước đây, vùng đất này là một bãi cỏ tranh khổng lồ, 9 hộ dân về đây đã khai hoang được 10 ha đất SX lúa nước và trồng mì.

Nhờ sự hướng dẫn của anh em trong Trạm QLBVR Lò Than, bà con đã cơ bản nắm bắt được kỹ thuật canh tác, biết trồng mì cao sản nên lương thực hàng ngày không còn là chuyện phải lo. Hằng ngày, theo những con suối trong rừng kiếm thêm con cua, con cá làm thức ăn tươi cộng với khoản thu nhập “cứng” từ việc nhận khoán QLBVR, cuộc sống của bà con dần ổn định.

Ghé thăm nhà Bok Mường (1943), chúng tôi gặp ngay cảnh dân làng đang tập trung trên sàn nhà “vít can” uống mừng mùa lúa mới. Nhận được những lời mời nhiệt tình, chúng tôi liền nhập cuộc.

Sau một tuần “can” trong ché rượu vừa mới ra lò, Bok Mường thân tình: “Cán bộ ở Trạm thường xuyên ghé thăm làng, dạy chúng tôi làm lúa nước, cho giống, cho phân. Mùa lúa rẫy nào cán bộ ở Trạm cũng mang rượu về biếu và chung vui với chúng tôi cả ngày. Thân thiết nhiều, nên hằng ngày đi theo suối bắt cá, nếu gặp lâm tặc phá rừng, chúng tôi cho người báo cáo với cán bộ ngay”.

“Từ khi Cty thành lập những Trạm QLBVR ngay giữa rừng sâu, lâm tặc không còn dám hoành hành như trước. Bởi nếu chúng dùng cưa xăng “hạ” cây sẽ bị anh em ở các Trạm đi tuần tra phát hiện hoặc bị dân ở các buôn làng báo ngay. Nhờ đó, càng ngày, những cánh rừng giáp ranh giữa Vĩnh Thạnh và Kbang càng được bình yên hơn”, ông Võ Văn Cường.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.