| Hotline: 0983.970.780

Bộ nên san bớt quyền cho các trường

Thứ Ba 30/11/2010 , 10:16 (GMT+7)

Đại diện một số trường cho rằng, đổi mới đầu tiên mà Bộ phải tính đến là trao quyền tự chủ cho các trường trong việc tuyển sinh.

* Đề thi "ba chung" cần xem lại

Đề thi “ba chung” cần phải xem xét lại vì quá dài (Ảnh minh họa)

Dự kiến, tháng 1/2011 Bộ GD- ĐT sẽ ban hành Quy chế thi và tuyển sinh trong các trường ĐH, CĐ hệ chính quy năm học 2011- 2012. Trao đổi với PV NNVN ngày 29/11, đại diện một số trường cho rằng, đổi mới đầu tiên mà Bộ phải tính đến là trao quyền tự chủ cho các trường trong việc tuyển sinh.

Cồng kềnh quá

“Ba chung” (chung đề, chung đợt và chung kết quả) trong thi và tuyển sinh đang tồn tại nhiều bất cập mà ngành giáo dục cần khắc phục trong kỳ thi tới. Tại Điều 33 của Quy chế tuyển sinh vào ĐH, CĐ đưa ra để những trường vùng khó tuyển sinh vận dụng nhưng khi những trường này muốn áp dụng thì phải có đơn xin phép Bộ. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Sơn La cho biết, cơ chế này cũng là khe hở để một số trường mới mở tự liệt vào dạng trường được xem xét. Và dĩ nhiên, “xin - cho” là khó tránh khỏi.

Ngoài ra, việc thi “ba chung” hiện nay quá cồng kềnh, tốn kém và gây khó khăn cho sinh viên vùng sâu, vùng xa trong việc đi lại, thậm chí còn bị tai nạn trong khi đi thi. “Nếu được như vậy, chúng tôi hứa sẽ đáp ứng đúng trong việc đào tạo có chất lượng đối với nhu cầu xã hội. Bởi vì trong thời buổi cạnh tranh này, nếu không đào tạo vì chất lượng thì các trường sẽ tự đào thải mình. Đây là con đường duy nhất mà trường phải đi” - Hiệu trưởng Nguyễn Huy Hoàng chắc nịch.

Tuy nhiên, điều nhà trường đang day dứt nhất hiện nay là, 80% sinh viên trong trường là dân tộc thiểu số đang phải thuê trọ ở ngoài vì ký túc xá chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Trong khi gia đình các em chủ yếu làm nông nghiệp (hơn 50% là dân tộc Thái), điều kiện rất khó khăn nên rất cần ngành giáo dục bổ sung thêm chính sách hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên.

Đề quá khó so với vùng, miền

“Thi “ba chung” có nhiều khả thi, song theo tôi, kỳ thi tới Bộ GD-ĐT chỉ nên kiểm tra, giám sát chất lượng thi tuyển mà trao quyền tự chủ cho các trường trong thi tuyển. Bộ ôm nhiều như thế chẳng hóa như bao cấp à” - Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp Lê Hiền Dương đóng góp ý kiến. Theo thầy Dương, công bằng khó có được khi các vùng đồng bằng cũng như miền núi, vùng sâu cũng như thành phố đều chung một điều kiện thi tuyển, chung một đề thi? Hay vì phải thi “ba chung” nên năm học vừa qua chỉ có khoảng 25% trường tuyển đủ chỉ tiêu, 75% trường còn lại đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT có bao giờ tự hỏi tại sao lại như vậy không?

Ngoài ra, dù gia đình rất khó khăn nhưng 1 HS phải nộp 3-4 hồ sơ, phải đi lại đến nhiều trường để làm thủ tục, rất mất thời gian và tốn kém. Rồi đào tạo xong nhiều sinh viên không xin được việc làm hoặc không về địa phương làm việc. Hiệu quả của “ba chung” như thế nào với những vấn đề trên? Và điểm chuẩn (hay điểm sàn) mà Bộ giao xuống cho các trường chỉ là chủ quan của cá nhân người ra đề thi. Bộ cần có giải thích rõ ràng cho các trường biết trong năm tới nếu như không muốn cho rằng “năm nào muốn điểm chuẩn thấp thì ra đề khó hay đề dễ thì sẽ có điểm chuẩn cao”.

+ Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, năm học 2011 sẽ xây dựng quy chế tuyển sinh đặc thù, thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu của xã hội ở các khu công nghiệp tập trung, các vùng miền khó khăn. Dự kiến năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ tăng 5 đến 7%; tuyển mới đào tạo tiến sĩ tăng 15%, đào tạo thạc sĩ tăng 10% so với năm 2010. Đối với các trường ĐH, đặc biệt là các trường đại học tốp đầu sẽ giảm dần quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học; giảm dần chỉ tiêu đào tạo các trình độ TCCN, CĐ… 

+ Trao đổi với PV, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho hay, áp dụng “ba chung” trong thi tuyển sinh có thể đỡ tốn kém vì đã “dồn” được thành một lần thi chung. Tuy nhiên, đó là câu chuyện cách đây tám năm, nay đã không phù hợp nữa. Bộ GD-ĐT chỉ nên là cơ quan có chức năng quản lý, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, thanh tra, xử lý vi phạm của các trường chứ không nên quản lý cả việc chỉ tiêu, đề thi… giống như một Ban giám hiệu chung của cả nước như vậy.

Thầy Dương cũng e ngại hồ sơ “ảo” sẽ tiếp tục tăng nếu như không xóa bỏ kỳ thi chung này. Quan điểm của thầy cũng trùng với kiến nghị của Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng Trần Văn Nam.

Nhiều sinh viên giỏi chịu thiệt

PGS.TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội phân tích: Duy trì “ba chung” là Bộ tự làm khổ Bộ, tự biến mình thành một Ban giám hiệu cả nước. Mở rộng ý kiến hơn, thầy Đinh Văn Chỉnh, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho hay, đây là năm thứ tám áp dụng “ba chung” trong việc tuyển sinh các trường ĐH, CĐ nên ưu - nhược đã hiện rõ.

Ví dụ như vì “ba chung” mà nhiều thí sinh có học lực rất tốt, thi đại học được 24 điểm vẫn trượt. Chuyển sang ngành khác thì cũng “trượt” nốt vì đã đủ chỉ tiêu của Bộ GD- ĐT giao xuống. Theo thầy Chỉnh, đó là sự thiệt thòi cho các sinh viên, đặc biệt là sinh viên giỏi.

“Hệ lụy của những mâu thuẫn từ “ba chung” sẽ là sự lãng phí ngân sách của nhà nước. Song lãng phí lớn nhất là không thể làm cho môi trường giáo dục phát triển được. Tất cả nhốt chung một rọ hay một kích thước ai mặc cũng vừa thì không thể phù hợp với sự phát triển của xã hội. Sẽ mất dần đi sự cầm tay chỉ việc, mất đi sự phù hợp với thực tiễn luôn thay đổi từng ngày” - một đại diện ngành giáo dục thừa nhận.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.