| Hotline: 0983.970.780

Bọ nhảy, "kẻ thù" rau họ thập tự

Thứ Hai 27/10/2014 , 08:13 (GMT+7)

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bọ nhảy phá hoại các cây họ thập tự (rau cải, su hào, súp lơ…)  thường là loài bọ nhảy sọc cong. 

Các loại rau họ thập tự (rau cải, su hào, súp lơ…) hiện được trồng phổ biến với số lượng lớn tại Hà Nội mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt trồng trái vụ. Tuy nhiên, các loại rau này có điểm yếu lớn là bị bọ nhảy thường xuyên gây hại.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bọ nhảy phá hoại các cây họ thập tự thường là loài bọ nhảy sọc cong. Chúng có tên khoa học là Phyllotetra striolata (có nơi gọi rầy đen), thuộc bộ Cánh cứng phân bố ở nhiều nước trên thế giới và phá hoại chủ yếu ở các cây họ thập tự.

Con trưởng thành là hình bầu dục, cơ thể dài khoảng 2 - 2,5 mm, cánh cứng, màu đen bóng, giữa mỗi cánh có một vạch màu vàng nhạc, cong hình củ lạc, chân sau to khỏe, có sức nhảy dài nên gọi là bọ nhảy sọc cong. Chúng có khả năng nhảy xa và bay rất khỏe. Một con trưởng thành cái có thể đẻ đến 200 trứng, ở dưới đất xung quanh vùng rễ chính của cây.

Trứng của bọ nhảy rất nhỏ, màu vàng nhạt đẻ trên mặt đất gần gốc cây. Sâu non màu trắng ngà hoặc màu vàng tươi, dài khoảng 5 - 6 mm, sống và làm nhộng dưới đất.

Ấu trùng nằm trong đất, có hình ống, màu vàng nhạt, đẫy sức dài khoảng 4 mm, chúng cắn phá rễ và củ (cải củ), tạo ra những đường lõm ngoằn ngoèo hoặc thành lỗ ăn sâu vào trong củ, trong rễ, làm cho cây cải bị còi cọc, chậm lớn, củ và rễ dễ bị thối.

Anh Nguyễn Hữu Đạo, Giám đốc Cty CP Nông phẩm công nghệ cao An Việt (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: "DN có 3 ha chuyên trồng rau cải ăn lá quanh năm để cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng và bếp ăn tập thể Hà Nội. Mặc dù đầu tư hệ thống nhà lưới quây kín khu vực trồng rau, hạn chế được rất nhiều loại sâu bướm, song riêng bọ nhảy phải bó tay vì chúng quá nhỏ và sống trong đất nên rất khó tiêu diệt.

Trong khi đó Cty SX rau an toàn theo hướng không sử dụng thuốc BVTV hóa học nên có rất nhiều vụ phải chấp nhận phá bỏ những lứa rau cải để trồng lại vì bị bọ nhảy cắn phá tan hoang. Cty đang tiến hành sử dụng bẫy bọ nhảy, song kết quả đạt được bước đầu chưa như mong đợi".

Còn theo chia sẻ của ông Chu Văn Hồi, Tổng GĐ Cty CP XNK Nông lâm thủy sản Đông Nam Á (Q. Hoàng Mai, Hà Nội), trong các loại sâu bệnh thì bọ nhảy là loài khó bị tiêu diệt nhất vì đúng như tên gọi, chúng nhảy lung tung, số lượng rất lớn và khỏe nên tốc độ phá hoại rất nhanh.

Điều khó chịu nhất với rau họ thập tự khi bị bọ nhảy cắn là chất lượng giảm, mẫu mã rất xấu, lỗ chỗ nên bán mất giá. Bản thân Cty Đông Nam Á hiện nay chỉ sử dám sử dụng thuốc BVTV trong công đoạn làm đất trồng rau để tiêu diệt ấu trùng và sâu non, còn khi bọ nhảy trưởng thành thì cũng đành bó tay.

Ngay sau khi thu hoạch cần phơi ruộng, thu dọn các tàn dư đem về ủ phân hoặc chôn để diệt sâu non và nhộng còn tồn tại. Cần kiểm tra ruộng cải thường xuyên (nhất là khi cây cải còn non) hoặc vào những lúc các ruộng xung quanh đang thu hoạch để phát hiện và phun xịt thuốc diệt trừ bọ kịp thời. Kinh nghiệm cho thấy, độ ẩm thấp cũng hạn chế sự phát triển của bọ nhảy.

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, bọ nhảy thường gây hại nhiều trong các tháng mùa khô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, phẩm chất rau, thậm chí có thể gây mất trắng nếu không phòng trừ kịp thời. Chúng thường gây hại nhiều vào lúc sáng sớm và chiều mát. Trưa nắng thường lẩn trốn ở dưới gốc hoặc mặt dưới lá.

Bọ có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây cải, nhưng mạnh nhất là khi cải còn nhỏ (sau gieo khoảng 7 - 10 ngày). Những ruộng cải non nằm xen kẽ với những ruộng sắp thu hoạch hoặc vừa thu hoạch thường bị bọ gây hại nhiều, do bọ nhảy di chuyển từ các ruộng này sang các ruộng cải còn non.

Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV Hà Nội, hiện có một số biện pháp phòng, trừ, hạn chế bọ nhảy như sau:

+ Làm đất: Trước khi trồng cải, đất cần được chuẩn bị kỹ, dọn sạch tàn dư vụ trước, phơi thật khô đất tối thiểu từ 10 - 15 ngày để diệt sâu non và nhộng còn trong đất (kinh nghiệm nếu độ ẩm tương đối của đất thấp, bọ nhảy sẽ không trưởng thành được). Nếu có điều kiện nên bón vôi để tạo môi trường bất lợi cho bọ nhảy.

+ Luân canh: Thời vụ gieo trồng và thu hoạch cải trong từng khu vực không nên kéo dài, vì sẽ tạo điều kiện cho bọ nhảy chu chuyển gây hại liên tục. Tốt nhất từng cánh đồng nên luân canh cải với các cây khác họ.

Không trồng các loại rau thuộc họ thập tự liên tục trong nhiều năm trên một khu đồng, khu ruộng, thỉnh thoảng nên luân canh với những cây khác như ngò, hành, dưa leo, bầu, bí mướp...

Biện pháp này phải được nhiều chủ ruộng cùng thực hiện trên diện rộng thì mới mang lại kết quả cao. Khi thu hoạch nên chừa lại một diện tích nhỏ ở giữa ruộng, thu hút bọ tập trung vào đó rồi phun xịt thuốc hủy diệt (bỏ cả rau), hạn chế mật độ bọ cho các vụ sau.

+ Phun thuốc: Biện pháp cuối cùng khi bọ nhảy phá hoại nhiều là phun thuốc hoá học, song phải tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly, tốt nhất nên dùng các sản phẩm thuốc BVTV sinh học theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Bọ nhảy trưởng thành ban ngày hoạt động mạnh, rất khó trừ nhưng đêm ít hoạt động và thường tập trung giữa nõn cải nên tiến hành phun thuốc lúc chập tối sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao nhất.

Xem thêm
Dịch vụ cấp cứu cho... thú cưng

Nhiều người tại TP.HCM không còn ngỡ ngàng với chiếc xe cấp cứu không giống với hầu hết những xe cấp cứu khác, đó chính là xe cấp cứu dành riêng cho thú cưng.

Giống mới kết hợp sản xuất theo VietGAP giúp năng suất chè Kỳ Anh tăng 6-7%

HÀ TĨNH Đưa các giống mới thay thế giống cũ và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất cây chè tăng từ 6 - 7%, đồng thời thay đổi ý thức người dân.

Tưới tiết kiệm - giải pháp đột phá

Tưới tiết kiệm đang là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở Tây Nguyên.

Bình luận mới nhất