| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN - PTNT thị sát doanh nghiệp 4.0 ở Đồng Nai

Thứ Năm 28/06/2018 , 07:01 (GMT+7)

Đoàn công tác đến thăm mô hình chăn nuôi gà sạch của công ty TNHH TMDV sản xuất chăn nuôi Thanh Đức, ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)...

Trong khuôn khổ chuyến khảo sát thực tế Nghị quyết 26 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đánh giá thực tiễn cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
 

Làm chủ công nghệ

Đoàn công tác đến thăm mô hình chăn nuôi gà sạch của công ty TNHH TMDV sản xuất chăn nuôi Thanh Đức, ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), chứng kiến quy trình chăn nuôi hoàn toàn tự động khép kín, giúp tiết kiệm tối đa chi phí nhân công, điện nước…

Theo chủ trang trại Lâm Thanh Đức, trại gà có diện tích hơn 8ha, giai đoạn 1 đang đưa vào vận hành 4 chuồng nuôi gà đẻ trứng, công suất 46.000 con/chuồng và 2 chuồng gà hậu bị cùng công suất. Đến nay tổng đàn gà đẻ đạt 180.000 con, cho ra sản phẩm trứng gà sạch trung bình khoảng 170.000 trứng/ngày. Hệ thống chuồng nuôi được nhập khẩu từ Tây Ban Nha; trang thiết bị gồm băng tải, xử lý phân loại, đóng gói trứng gà được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc; cám gà do De Heus cung cấp…

16-33-49_nh_5
Ông Lâm Thanh Đức đang giới thiệu về khu vực chăn nuôi

Ông Đức cho biết: “Chúng tôi đang triển khai tiếp giai đoạn 2, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm 6 chuồng gà đẻ và 2 chuồng hậu bị, nâng tổng đàn gà đẻ lên 600.000 con. Đồng thời chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ chăn nuôi của Nhật Bản, ngay cả nước cho gà uống cũng sử dụng nước sạch tinh khiết của người dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Để có được nguồn trứng sạch, các quy trình nuôi gà lấy trứng tại đây đều vận hành tự động hóa từ khâu xử lý nhiệt độ, chế độ ăn cho gà, thu gom trứng cho đến xử lý chất thải hợp vệ sinh và khép kín, nhờ vậy đã giảm thiểu được công lao động. Hiện nay Thanh Đức đã có hệ thống trên 40 điểm phân phối trứng gà sạch tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM và xuất khẩu gián tiếp sang thị trường Nhật Bản, trung bình khoảng 100.000 quả trứng/tháng. Đây là trang trại chăn nuôi gà đầu tiên của tỉnh Đồng Nai tham gia bình ổn giá cả thị trường nhằm cung cấp những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng trong nước và tạo được uy tín với thị trường xuất khẩu.

16-33-49_nh_6
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan nhà máy đóng gói, xử lý trứng của Cty Thanh Đức

Một trong những vấn đề mà Bộ trưởng quan tâm nhất đó là công tác xử lý môi trường, ông Đức cũng chia sẻ: “Công ty đang sử dụng công nghệ và máy móc nhập khẩu từ Nhật Bản để xử lý chất thải sau chăn nuôi tạo ra sản phẩm phân gà vi sinh hữu cơ. Chúng tôi đưa vào vận hành 2 máy xử lý phân bón có trị giá hơn 18 tỷ đồng, cho công suất gần 30 tấn phân tươi/ngày”.

Theo ông Đức, công ty chuẩn bị công bố, đưa ra thị trường thêm dòng sản phẩm chế biến bột trứng hoàn nguyên lên men tự nhiên, khi bỏ vào nước thì thành trứng tươi. Tuy nhiên, khó nhăn nhất với doanh nghiệp là vốn đầu tư để triển khai dự án đúng tiến độ, nhưng phía ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư tham gia vốn tự có tối thiểu phải đạt từ 20-30% tổng vốn đầu tư vào tài sản cố định. Trong khi tích lũy lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 1 của dự án chưa đủ vốn cần thiết.
 

Tự động hóa

Đoàn đến tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả sạch, đạt chứng nhận GlobalGAP của công ty TNHH TM Trang trại Việt (Viet Farm), ở ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc.

16-33-49_nh_1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao đổi kỹ thuật sản xuất công nghệ cao với Giám đốc Viet Farm

Anh Trần Quang Tính, Giám đốc công ty hào hứng giới thiệu: Viet Farm chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân của các loại gia cầm. Nguồn nguyên liệu chúng tôi gom từ các cơ sở chăn nuôi gà trong vùng về sản xuất phân hữu cơ vi sinh để phục vụ trồng rau, quả trong nhà màng, nhà kính có hệ thống tưới tự động, hệ thống làm mát. Việc điều chỉnh nhiệt độ và điều khiển tưới bằng cảm biến, cơ giới hóa gần như toàn bộ bằng việc sử dụng nguồn năng lượng tái sinh để sản xuất.   

Theo anh Tính, công ty được xây dựng trên diện tích 10ha với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng. Mỗi ngày trung bình công ty sản xuất được khoảng 200 tấn phân hữu cơ vi sinh, có hàm lượng hữu cơ lên đến 70% thay vì 15-20% hữu cơ như các loại phân dùng trong trồng trọt được bày bán trên thị trường hiện nay. Loại phân này được công ty xử lý với công nghệ hoàn toàn không có mùi, không gây hại, thích hợp bón cho các loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như tiêu, điều, ca phê, cao su…

16-33-49_nh_3
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp tham quan mô hình trồng rau tại Viet Farm

Thực tế trong kho nhà máy lúc này đang có khoảng hơn 3.000 tấn phân, nhưng qua công nghệ xử lý hoàn toàn không có mùi. Đoàn cũng chứng kiến hệ thống nhà màng nhà kính được thiết kế theo mô hình tiểu sinh thái, không khí trao đổi tuần hoàn, có lắp đặt thiết bị điều khiển tự động rất hiện đại, giúp giảm thiểu công lao động.

Các loại rau trồng trong nhà màng (khoảng 40 loại rau xứ lạnh) được sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh, có hệ thống nước tưới tiết kiệm nhỏ giọt và tự động. Đồng thời sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp cho hệ thống điều tiết khí hậu trong nhà màng. Các giá thể trồng rau đều được qua công đoạn sấy sạch để tránh cho cây rau không bị lây nhiễm các loại côn trùng gây hại. Anh Tính cho biết: “Công ty đang nhân giống và rút dòng một số loại dưa lưới ruột xanh vỏ vàng đặc trưng. Đồng thời, Viet Farm đã thực nghiệm thành công quy trình sử dụng ong thụ phấn tự nhiên cho cây”.

Theo anh Tính, năm tới Viet Farm sẽ đi vào thực nghiệm sản phẩm hữu cơ sinh học trên cây chè để cho ra sản phẩm chè hữu cơ xuất khẩu. Tiếp tục mở rộng quy mô nhà kính lên 50 nhà để trồng rau sạch và các loại cây có giá trị dinh dưỡng cao. Nghiên cứu tìm ra những công thức phân bón phù hợp từng nhóm cây và từng giai đoạn cây. Đồng thời sẵn sàng chuyển giao công nghệ, vật tư thiết bị và nguyên liệu trong nông nghiệp công nghệ cao tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tôi đánh giá cao và biểu dương những ý tưởng nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch và chú trọng bảo vệ môi trường bền vững của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao này.

Công ty Thanh Đức cần nghiên cứu thêm dòng sản phẩm chế biến thức ăn viên nhỏ có tẩm trứng cho các loại động vật cảnh, hoặc cho thủy sản vì “món” này trên thị trường đang phải nhập 100%. Nhất là khi thị trường trứng bị ế thì doanh nghiệp sẽ chuyển qua chế biến thêm dòng sản phẩm này vì xu hướng xã hội và phân khúc thị trường đang tăng dần.

Viet Farm hãy hoàn thiện hơn nữa về quy trình sản xuất. Với những khát vọng và tư duy sản xuất đúng hướng hiện đại thế này thì Viet Farm nên thành lập Viện để tư vấn cho từng nhóm việc, kinh doanh, sản xuất, xây dựng một bộ máy hoàn chỉnh”.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm