| Hotline: 0983.970.780

Bỏ phố lên rừng

Thứ Năm 11/10/2012 , 09:38 (GMT+7)

Gần 20 năm trước, Nguyễn Văn Vũ (thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) bỗng dưng bỏ nghề, bỏ phố rồi đùng đùng tay xách, tay nải mang cơm nắm muối rang vào rừng dựng lán trồng cây.

Tỷ phú Nguyễn Văn Vũ bên sản phẩm rừng nguyên liệu

Gần 20 năm trước, Nguyễn Văn Vũ (thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) bỗng dưng bỏ nghề, bỏ phố rồi đùng đùng tay xách, tay nải mang cơm nắm muối rang vào rừng dựng lán trồng cây. Người quen của gia đình nhắc khéo vợ Vũ, xem tìm thầy trừ tà đi, chứ lẩn thẩn như thế đích thị bị ma rừng xui, quỷ núi ám rồi.

>> Người trồng nhiều rừng nhất Tuyên Quang

Việc Vũ làm, vợ chồng đã bàn tính kỹ. Nay, Vũ thành lập doanh nghiệp, lái xe ô tô phóng vào rừng chỉ đạo sản xuất. Chẳng những đồng bào thán phục mà lãnh đạo địa phương còn coi doanh nghiệp Vũ Hoa là mô hình điểm trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Vũ đội mũ cối, lái xe ô tô chở chúng tôi lên đèo So. Dáng người nhỏ thó, nước da bánh mật, ở tuổi 42 nhưng mái tóc của anh đã bạc quá nửa. Anh thầm thì, dí dỏm trò chuyện, mình sinh năm Bính Ngọ, kiếp ngựa trâu nên nặng ách. Họ tên thì đã Văn lại còn Vũ, đâm ra cứ nửa nọ, nửa kia, đầu non mình phố, dù đang ở phố nhưng đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ lên rừng. Kỳ thực, đến với rừng bằng lý giải đầy triết lý số phận, nhân duyên đó của Vũ chỉ là chuyện vui. Việc vợ chồng anh đầu tư trồng rừng hoàn toàn bởi sự suy tính thức thời thông qua lời giải khoa học đối với bài toán làm giàu.

Năm 1995, dù đang có một công việc khá hấp dẫn khi ấy là nghề sửa chữa xe máy tại phố Chợ Chu song vợ chồng Vũ đã dồn toàn bộ tiền bạc đầu tư mua đất trồng rừng. Vũ lý giải, nghề sửa xe máy cho thu nhập khá nhưng chỉ là tiền vừng. Làm ít tiêu ít, làm nhiều tiêu nhiều. Cóp nhặt thì chẳng bao giờ biết có được một món để chi tiêu việc lớn. Mang tiền đi trồng rừng coi như một cách tích lũy, thậm chí tiền lại có thể đẻ ra tiền. Năm đầu, gia đình Vũ trồng 11,6 ha theo chương trình giao đất giao rừng. Trong 5 năm tiếp theo, từ năm 1996 đến 2000, Vũ gần như ở tịt trên rừng. Toàn bộ công việc tại cửa hàng sửa chữa và mua bán phụ tùng xe máy do vợ anh - chị Bùi Thị Hoa đảm nhiệm. Cửa hàng xe máy làm ra bao nhiêu tiền, vợ chồng anh lại giành dụm mua thêm đất, thuê người trồng rừng. Kết thúc 6 năm cuốc đất, đào hố, xách nước tưới cây, vợ chồng anh đã là chủ của một khu rừng tập trung với diện tích trên 50 ha, gồm 35 ha gỗ mỡ, 15 ha quế trồng xen sả, 5 ha keo và 1 ha vườn ươm giống cây.

Rừng Vũ Hoa (người dân bản địa gọi như vậy) nằm trên đỉnh đèo So, thuộc địa phận giữa 2 địa phương là xã Quy Kỳ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và xã Yên Nhuận (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Vùng giáp ranh đỉnh đèo So được coi là lam sơn kỳ bí trước đây vốn lặng lẽ hoang vu, chẳng ai màng tới thì nay tràn sự sống bởi nỗ lực khai khẩn của Nguyễn Văn Vũ. Là công nhân gắn bó với nghề rừng của anh Vũ từ những ngày đầu tiên, chị Ngô Thị Oanh (xã Quy Kỳ) cho biết, anh Vũ có 5 công nhân thường xuyên làm công việc trồng và chăm sóc rừng. Thời điểm mùa vụ, anh thuê lượng nhân công lao động lên đến 20-30 người với mức lương bình quân đạt 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Trên con đường uốn lượn dưới tán rừng Vũ Hoa, phong cách trầm hiền, điềm đạm của Nguyễn Văn Vũ bỗng chuyển thành sự nhanh nhẹn hoạt bát lạ thường. Vũ nói, vào rừng mình như thành con người khác, năng động hơn, tinh tường hơn. Vừa lái xe anh vừa kể, trước đây, khi mới mua đất, toàn bộ khu vực chỉ có lau sậy, cỏ tranh hoặc là đồi trọc. Sau khi dọn phát, cuốc hố trồng cây, gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để thuê máy xúc, máy ủi mở đường vào trồng rừng, rồi lại thiết kế lô khoảnh, làm đường vận chuyển để khai thác. Tính tổng chiều dài, đường rừng Vũ Hoa phải ngót ngét 5 km. Xe ô tô dừng lại ở vị trí cao nhất của núi rừng đèo So.

Từ đây, Vũ khoát tay chỉ cho chúng tôi vùng rừng gỗ mỡ với giá trị gần 4 tỷ đồng vừa bắt đầu bước vào quy trình khai thác. Nhìn từ trên núi xuống, sân tập kết hàng chục mét khối gỗ mỡ nằm ngay bên trục Quốc lộ, nơi có biển báo “Địa phận tỉnh Bắc Kạn”. Phía dưới bên trái nơi chúng tôi dừng chân là vạt rừng quế trồng xen cây sả rộng 15 ha với giá trị hơn 2 tỷ đồng. Vũ chỉ tay về phía chân đèo, nơi có gần chục người đang thi công một công trình bên cạnh Quốc lộ rồi nói, đó là khu vực mình cho xây dựng nhà xưởng để chiết xuất tinh dầu quế và dầu sả. Vũ cụ thể, sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm các vùng lân cận về trồng và sản xuất tinh dầu, năm 2011, anh đã quyết định thành lập doanh nghiệp Vũ Hoa với mục đích xây dựng vùng nguyên liệu, tiến đến xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu. Nhà xưởng đang xây dựng chỉ là công trình thí điểm để thu mua sản phẩm từ cây quế hiện có trên địa bàn.

Ông Đỗ Trọng Bích (Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa) cho biết, theo dự án xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp Vũ Hoa, xã Quy Kỳ sẽ có 500 ha rừng quế. Qua việc thông tin về dự án, các hộ dân của xã rất háo hức và mong muốn triển khai chương trình càng sớm càng tốt.

Ông Dương Văn Lượng (Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) nhận xét, cây quế được trồng trên địa bàn huyện qua nhiều chương trình và khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng song lại chưa thực sự phát huy hiệu quả vì việc khai thác mới chỉ dừng lại ở công đoạn bóc vỏ. Hướng đề xuất dự án trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu quế của doanh nghiệp Vũ Hoa được UBND huyện đánh giá cao. Theo đó, ngay từ những năm đầu tiên, việc tỉa thưa, tỉa cành cho đến khi khai thác triệt để, tất cả các sản phẩm từ cây quế đều được tận thu. Người tham gia dự án ngoài được hỗ trợ cây giống, vay vốn mua phân bón lại có thêm nguồn thu nhập phụ từ rừng. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng vùng nguyên liệu trồng quế của huyện Định Hóa rộng 1.400 ha.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm