| Hotline: 0983.970.780

Bộ sách về 'Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam' soạn ẩu tạo vết hoen trong lịch sử đơn vị

Thứ Năm 27/06/2019 , 11:01 (GMT+7)

Hai bộ sách “Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” và “Biên niên Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” đều nằm trong danh mục công trình sách Nhà nước đặt hàng.

Hai bộ sách “Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” và “Biên niên Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.

Cả hai đều có Ban chỉ đạo, Ban biên soạn với rất nhiều vị chức sắc, nhà khoa học. Nhưng đáng tiếc là làm ẩu từ những sự kiện thông sử cho đến tên những nhân vật lịch sử nổi danh, tạo vết hoen ố về truyền thống và màu cờ sắc áo khi sách lại do chính Hội LHPN Việt Nam và NXB Phụ nữ thực hiện.
 

Tùy tiện khi viết sử truyền thống

Thứ nhất, “Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”, tập 1 (1930-1976).

Trang 98, viết về các đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương VIII của Đảng tại Pắc Bó (Cao Bằng) năm 1941 là: “Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thịnh, Vũ Anh, Bùi San, Hồi Xuân Lưu, Phùng Chí Kiên”. Hoàng Văn Thịnh là ai? Phải chăng là Hoàng Văn Thụ? Hồi Xuân Lưu là ai? Phải chăng là Hồ Xuân Lưu, tức Trần Quốc Thảo, còn có bí danh khác là Đồ Em khi dự Hội nghị Trung ương VIII (5/1941)?

15-24-06_nh_3
Lỗi sai trong trang 98.

Trang 100, viết: “Đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên, trong số 34 chiến sĩ có 2 nữ chiến sĩ người dân tộc (chị Lê Minh Cầm, chị Nguyễn Thị Thanh)”. Dù yêu quý chị em phụ nữ đến mấy thì trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập ngày 22/12/1944 tại rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) không hề có đội viên nữ. Điều này đã được Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) xác minh và lập danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên. Hai bà Lê Minh Cầm và Nguyễn Thị Thanh có mặt sau ngày thành lập 22/12/1944 và không nằm trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên.

Trang 108 viết “nhóm chị Hai Súc vượt căng Bà Rá (Biên Hòa)”. Phải chăng người được nhắc đến ở đây là bà Hai Sóc?

Trang 112 viết về Ban Thường trực Ủy ban Dân tộc giải phóng (8/1945) có tên ông Dương Đức Hiếu. Chúng tôi được biết chỉ có ông Dương Đức Hiền, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Còn ông Dương Đức Hiếu phải chăng là nhân vật do Ban biên soạn mới phát hiện ra mà chúng tôi chưa được biết?

Trang 146, tại chú thích đánh số 2, viết về bà Hoàng Ngân, có câu: “Năm 1948, bà sáng lập tờ báo Tiếng gọi phụ nữ, tiền thân của báo Phụ nữ Việt Nam”.

Năm 1948 thì đã có báo Phụ nữ Việt Nam rồi. Còn tờ báo Tiếng gọi phụ nữ thì ra mắt từ năm 1946 do hai bà Thanh Thủy (phu nhân Bộ trưởng Dương Đức Hiền) và Như Quỳnh (phu nhân Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Lê Hữu Kiều) phụ trách. Trong hồi ký của bà Thanh Thủy đã viết rất rõ về sự ra đời tờ Tiếng gọi phụ nữ năm 1946 như thế nào. Mong các tác giả trong Ban biên soạn tìm đọc.

Trang 173 viết về đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam tham dự Hội nghị Phụ nữ Á châu được tổ chức tại Bắc Kinh (cuối năm 1949), các tác giả cho rằng: “Trung ương Đảng ta cử đồng chí Trần Minh Trúc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Hải Ninh (Quảng Ninh) phụ trách việc dẫn đường”. Hiện nay bà Lê Chân Phương, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thành viên trong đoàn còn sống, mong các tác giả đến gặp bà để được xác minh lại cho chính xác tên ông Chủ tịch tỉnh Hải Ninh khi đó là Nguyễn Xuân Trúc, chứ không phải Trần Minh Trúc.
 

Chép tài liệu vãng lai

Thứ hai, sách “Biên niên Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”, tập 1, (1930-1976).

Trang 115 viết về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên 06/01/1946 như sau: “Lần đầu tiên trong lịch sử, những nữ công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nô nức tham gia bầu cử. Phụ nữ chiếm 48% tổng số cử tri đi bầu cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Mười đại biểu phụ nữ đã được trúng cử vào Quốc hội”.

Trang này do các tác giả đi chép ở đâu về cho nên đã quên mất rằng, nếu “Lần đầu tiên trong lịch sử, những nữ công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nô nức tham gia bầu cử” thì đó phải là ngày 23/12/1945 ở những địa phương đã chuẩn bị hoàn thiện cho việc bầu cử và đi bầu cử như phụ nữ tỉnh Phúc Yên, phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên (miền Bắc) và phụ nữ một số tỉnh miền Nam, chứ không phải ngày 06/01/1946.

Vì đi chép ở tài liệu vãng lai nào đó không rõ nguồn gốc xuất xứ mang về cho nên bên trên có câu: “Mười đại biểu phụ nữ đã được trúng cử vào Quốc hội”; bên dưới lại có câu xiên ngang: “Trong số 333 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 11 nữ đại biểu” (tr. 115).

Ở vị trí đánh số 2, các tác giả sách ghi tên đại biểu Lê Huyền Trang (Lạng Sơn). Thực ra, chẳng có bà Lê Huyền Trang nào hết, mà đó là ông Lê Huyền Trang (1913-1981), đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn).

15-24-06_nh_6
Lỗi sai trong trang 115.

Đến trang 508 lại có tên “Thào Văn Chấn” (Bí thư Thanh niên huyện Mường Khương, Lào Cai) trong Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa IV? Vậy Thào Văn Chấn là nam hay nữ?

Trang 121 viết về lễ ra mắt Hội LHPN Việt Nam ngày 20/10/1946 “có Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng”. Cụ Huỳnh chưa bao giờ làm Phó Chủ tịch nước, mà thời điểm đó cụ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ được giao Quyền Chủ tịch nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị nước Pháp.

15-24-06_nh_5
Lỗi sai trong trang 121.

Trang 355, trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa III, số 59, có tên bà “Nguyễn Thúy An (tức Nguyễn Thị Xiểng) – giáo viên nữ công trường Trưng Vương – Hà Nội”.

Đây có lẽ là bà Nguyễn Thúy An tức bà Nguyễn Xiển, phu nhân ông Nguyễn Xiển – Phó Chủ tịch Quốc hội, chứ không có bà Nguyễn Thị Xiểng nào hết.

15-24-06_nh_8
Lỗi sai trong trang 355.

Thậm chí, việc ghi chức danh các bà trong Ban Chấp hành Trung ương Hội cũng có nhiều sai sót. Ví dụ, trong khóa I (1950), viết về bà Lê Minh Hiền là “Thứ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội, Ủy viên Ban Thường trực” (tr. 185) và bà Hà Giang “Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên, Ủy viên Ban Chấp hành” (tr. 185).

15-24-06_nh_7
Lỗi sai trong trang 185.

Năm 1955 bà Lê Minh Hiền mới làm Thứ trưởng. Còn bà Hà Giang năm 1957 mới sang làm Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên. Chức danh của bà Hà Giang, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội để trắng ở các trang (353, 507).

Còn nhiều lỗi sai phổ biến trong hai bộ sách này nhưng do khuôn khổ tờ báo có hạn, chúng tôi chỉ nêu vài ví dụ tiêu biểu nêu trên.

Hai bộ sách “Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” và “Biên niên Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” đều do Nxb Phụ nữ phát hành. Ban chỉ đạo do ThS Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam làm Trưởng ban; ThS Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam làm Phó ban Thường trực. Ban biên soạn do PGS.TS Lâm Bá Nam (chủ biên) và 4 thành viên khác là: PGS.TS Ngô Đăng Tri, PGS.TS Nguyễn Đình Lê, PGS.TS Vũ Quang Hiển, TS Trần Văn La.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.