Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà vừa ký vào văn bản giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân dẫn đến chậm trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác ngồn nước. |
Vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu: Việc chậm ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP năm 2013 (quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) và Nghị định 82/2017/NĐ-CP năm 2017 (quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước) là trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Việc chậm ban hành 2 Nghị định nêu trên cũng đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỉ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
"Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn", báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Hoạt động khai thác tại một mỏ than ở Quảng Ninh. |
Cũng theo Bộ TN-MT, quy định của Luật Khoáng sản, các thông số tính tiền là trữ lượng và chất lượng của từng mỏ, từng loại khoáng sản.
Theo văn bản giải trình của Bộ TN-MT, sau khi các Luật Khoáng sản (năm 2010) và Luật Tài nguyên nước (năm 2012) được ban hành, mặc dù Chính phủ, Bộ TN-MT đã khẩn trương xây dựng các dự thảo Nghị định, nhưng “có những nguyên nhân khách quan đã không lường trước được hết về những khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp” khi xây dựng phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Trong khi đó, nội dung của gần 5.000 giấy phép phần lớn chỉ ghi công suất khai thác, không có trữ lượng, chất lượng khoáng sản (do nhiều mỏ ở địa phương khi cấp phép chưa thăm dò, chưa đánh giá trữ lượng) và cách ghi cũng không thống nhất, phức tạp.
Do đó, khi hoàn thiện phương pháp tính, mức thu gặp khó khăn do phải mất nhiều thời gian, nguồn lực để khảo sát, thăm dò đánh giá lại trữ lượng cho các giấy phép không có trữ lượng (thường từ 2- 3 năm) nhằm bao quát được tính phức tạp, đa dạng của nhiều loại giấy phép như đã nêu trên.
Nghiêm khắc nhận trách nhiệm
Còn theo quy định của Luật Tài nguyên nước, các thông số tính tiền là chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước của từng công trình khai thác.
Trong khi đó, Luật quy định chỉ tính tiền đối với một số hoạt động khai thác tài nguyên nước có lợi thế như: thủy điện, khai thác nước để cấp cho một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... nhưng không tính tiền đối với nước tưới cho nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt của nhân dân.
Thủy điện là một trong những lĩnh vực nằm trong diện thu tiền cấp quyền khai thác nguồn nước. |
Do đó, khi xây dựng phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, tránh gây tác động lớn, nhất là tác động đến giá điện, giá nước sạch, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.
Vì những lý do trên, trong quá trình xây dựng các Nghị định cần phải có nhiều thời gian để hoàn thiện phương pháp tính, mức thu tiền do tính chất phức tạp, đa dạng của các đối tượng thuộc diện tính tiền.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ TN-MT thừa nhận trong quá trình xây dựng các Nghị định, khi gặp những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ chưa kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền để tháo gỡ; chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý.
Bên cạnh đó, việc nhận thức về thẩm quyền quyết định thời hạn áp dụng việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định chưa kịp thời trình Quốc hội để xem xét, quyết định thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm ban hành các Nghị định, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (giai đoạn 2011- 2015) đã kiểm điểm và nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu trước lãnh đạo Bộ. Các vụ, cục có liên quan của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã kiểm điểm trách nhiệm và đã có hình thức kỷ luật tương xứng.
“Bộ TN-MT xin nghiêm khắc nhận trách nhiệm với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Chính phủ các Nghị định nêu trên”, báo cáo giải trình của Bộ TN-MT nêu rõ.