| Hotline: 0983.970.780

Bó tay trước “làn sóng” bán cao su non

Thứ Năm 31/03/2011 , 09:46 (GMT+7)

Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng trăm người dân ở xã Đăk R’tih, huyện Tuy Đức (Đăk Nông) bán tống bán tháo hàng trăm ha cao su dự án với giá vô cùng rẻ mạt...

Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng trăm người dân ở xã Đăk R’tih, huyện Tuy Đức (Đăk Nông) đã bán tống bán tháo hàng trăm ha cao su dự án với giá rẻ mạt, trong khi chính quyền đành “bất lực” đứng nhìn vì không có chế tài xử lý.

Đúng luật nhưng sai chủ trương

“Người dân có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên việc họ bán vườn cao su là phù hợp với Luật Đất đai nhưng lại trái với chủ trương của dự án” - ông Lê Văn Quang - Phó Chủ UBND huyện Tuy Đức nói về tình trạng dân xã này đua nhau bán rừng cao su tiểu điền thuộc dự án Đa dạng hóa nông nghiệp (ĐDHNN) bắt đầu bước vào thời kỳ khai thác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn xã Đăk R’tih có 1.143 ha cao su, trong đó hơn 900 ha nằm trong Dự án ĐDHNN, số còn lại người dân trồng ngoài dự án. Nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, người dân đã ồ ạt bán rừng cho tư thương với giá dao động từ 20 đến 30 ngàn đồng/cây. Tính đến nay, tổng diện tích cao su bị “bán non” đã lên đến hàng trăm ha và chủ yếu là các đầu nậu ở tỉnh Bình Phước lên mua lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Điểu Blế - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, để bán được đất cao su, người dân đã xin ứng trước tiền của các “đầu nậu” mang trả cho ngân hàng để lấy lại sổ đỏ thế chấp. Sở dĩ xã không thể có con số chính xác người dân đã bán bao nhiêu là vì: “Xã không đồng tình nên người dân bán qua hình thức trao tay, viết giấy cam kết hai bên mà không cần thông qua xã”.

Theo những người trồng cao su lâu năm, một ha cao su có khoảng 500 - 600 gốc và cho khoảng 30 - 40 kg mủ/ngày. Với mức giá hiện nay 9.000 đồng/kg, doanh thu của người dân khoảng 300.000 đồng/ha/ngày. Mỗi người dân sở hữu 3 - 5 ha nếu khai thác đúng cách có thể thu tiền triệu mỗi ngày. Với tuổi thọ từ 20 - 25 năm, rõ ràng cây cao su mang lại một nguồn thu lớn và bền vững hơn rất nhiều con số 15 - 20 triệu/ha bán một năm/lần.

Ông Điểu K’lớ - một lão nông ở thôn 1 tính toán với chúng tôi, năm nay nhà mình có 3 ha cao su đang vào vụ cho thu mủ. Năm ngoái, chỉ có 120 cây cho mủ nhưng mình đã thu được hơn 12 triệu đồng, so với những hộ bán “non” vườn cây cho thương lái, nhà mình bỏ một ít công sức thì vẫn lời gấp bội.

Để đối phó với vấn nạn trên, mới đây xã đã kết hợp với cán bộ khuyến nông của huyện và tỉnh mở được 7 lớp tập huấn cho hơn 280 lượt người tham gia, cấp 400 bộ dao cạo và 400 xô đựng mủ cho 200 hộ dân. Nhưng theo tìm hiểu của PV, hiện đã có hàng chục ha cao su trồng năm 2006, chưa đến tuổi khai thác được đưa vào khai thác rầm rộ trong sự lúng túng của chính quyền xã. Ông Quang bức xúc:“Người dân vì chạy theo cái lợi trước mắt mà không hiểu rằng nếu để thêm một năm nữa, họ sẽ có doanh thu ổn định với mức cao và duy trì mức doanh thu đó đến hàng chục năm cho một chu kỳ cao su”.

Đâu là nguyên nhân?

Theo tìm hiểu, mỗi ha cao su được dự án cho vay từ 16 đến 20 triệu đồng trong 1 chu kỳ cao su. Số tiền này được giải ngân theo năm, chia làm 2 đợt. Với số tiền 1 triệu đồng, ở mức giá cũ thì người dân đủ mua 3 bao phân và thuốc trừ cỏ để chăm cho 1 ha cao su theo đúng quy trình kỹ thuật. “Phân bón năm 2004 giá mới chỉ 120 nghìn đồng/bao 50 kg, còn bây giờ đã tăng lên 500 nghìn/bao nhưng số tiền cho vay không thay đổi, lãi suất lại tăng lên thì chúng tôi lấy tiền đâu mà sống và chăm cho cây cao su” - ông Điểu Klang than thở.

Ngoài việc giá phân “đội” lên gấp hơn 4 lần, nên số tiền ngân hàng cho vay chỉ đáp ứng đủ 1/3 nhu cầu chăm sóc vườn cây. Khi lượng phân bón giảm, tốc độ tăng trưởng của cây cao su cũng chững lại trông thấy. Thêm vào đó, lãi suất của ngân hàng cũng tăng lên nên theo cách tính lũy kế thì số nợ của người dân ngày một cao hơn.

Vườn cây sau khi được các “đầu nậu” mua lại, họ đã khai thác một cách vô tội vạ, không đúng kỹ thuật khiến cho nhiều vườn cây chỉ sau một đến hai năm đã trở nên xơ xác. Theo một cán bộ khuyến nông cho biết, để tăng thêm lượng mủ, nhiều “đầu nậu” đã tiêm thuốc kích thích, làm cây bị bị thoái hóa, giảm tuổi thọ và mất sức sau khi hết hợp đồng mua bán với dân.

Ông Trần Văn Quân, có 4 ha cao su, cho hay: “Với mức giá cả như hiện nay thì vốn vay dự án không đủ, tôi đã phải vay thêm ngoài hơn 10 triệu đồng để “đổ” vào vườn cao su”. Nhu cầu bức thiết của ông Quân lúc này là được vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi để giữ rừng cao su chờ ngày thu hoạch. Không chỉ ông Quân phải vay giật thêm ở ngoài để nuôi rừng cao su, mà nhiều gia đình đã phải thế chấp cả sổ đỏ để vay vốn đầu tư, đợi đến ngày “hái quả”.

 Ông Quân cho biết thêm: “Trong điều kiện giá vật tư tăng 4 - 5 lần, mức cho vay hiện nay không còn phù hợp. Nguồn vốn vay không thể đảm bảo công tác chăm sóc” và “Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái gì?" – ông Quân than thở.

Mặt khác, mặc dù huyện Tuy Đức có chủ trương tập huấn kỹ thuật chăm sóc, trừ sâu bệnh và cách cạo mủ cho người dân nhưng theo ông Quang thì, do trình độ nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy huyện cũng chỉ có thể đưa ra những khuyến cáo cho người dân theo phương châm “mưa dầm thấm đất” mà thôi. Trên thực tế, hầu hết những hộ bán cao su non đa số là những người lười lao động, còn có tính ỷ lại sự chu cấp của nhà nước, nên khi có người hỏi mua là họ sẵn sàng bán với bất cứ giá nào.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất