| Hotline: 0983.970.780

Bộ TN-MT chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố Formosa

Thứ Ba 15/11/2016 , 19:01 (GMT+7)

Phát triển kinh tế bằng cách đánh đổi môi trường sống là nội dung Quốc hội đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà về giải pháp để thắt chặt quản lý cũng như để cải tạo môi trường. Liệu chúng ta có thể đảm bảo môi trường cho tương lai?

18-02-36_201611151050489956_ndn_1670-nguyen-ngoc-phuong-qung-binh
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

 

Giám sát 24/24 hoạt động xả thải của Formosa

Chất vấn bộ trưởng Trần Hồng Hà, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ TN-MT trong quản lý, giám sát hoạt động của Formosa cũng như giải pháp Bộ đã thực hiện nhằm ngăn chặn “thảm họa” tái diễn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hà thẳng thắn nhận toàn bộ trách nhiệm liên quan đến Formosa đều thuộc về Bộ TN-MT. Về giải pháp, Bộ đã thành lập hẳn một Ban thuộc Viện KH-CN, thường xuyên giám sát 24/24 các hoạt động xả thải của Formosa cả về nước thải, khí thải và bã thải bao gồm bùn và các chất thải rắn. Về công nghệ xử lý nước thải, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp phải có một hồ chỉnh trị sinh học rộng trên 10ha, áp dụng theo quy chuẩn Hàn Quốc. Hồ này được yêu cầu thả cá và các loại thực vật để đảm bảo nước thải trước khi ra môi trường được xử lý triệt để. Ngoài ra, Bộ cũng thiết kế một hệ thống giám sát môi trường biển ở khu vực này.

Với chất thải rắn và bùn thải nguy hại, hiện nay đang phải thực hiện theo phương án nếu chưa có hợp đồng xử lý thì được phép lưu giữ trong kho nhưng đây là giải pháp tạm thời.

Bộ TN-MT đang thúc đẩy Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp. Đề nghị Bộ Xây dựng, trong thời gian tới sớm ban hành quy chuẩn VLXD để các chất thải của Formosa như xỉ than, xỉ đáy có thể xử lý thành gạch và các loại vật liệu xây dựng…

Ai xả thải, người đó trả tiền

Đề cập đến các dòng sông đang bị bức tử bởi các doanh nghiệp, làng nghề xả thải. Hiện tượng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều ĐB yêu cầu Bộ trưởng Hà sớm có giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, giải cứu các dòng sông. ĐB Phùng Đức Tiến - Hà Nam đặt câu hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ bao giờ có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm ở sông Nhuệ, sông Đáy và sông Châu Giang?”.

18-02-36_trnhongh2-1479195973-1479200540
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà
 

Giải đáp nội dung này Bộ trưởng Hà cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ TN-MT đã xây dựng đề án để khôi phục môi trường lưu vực các dòng sông nói trên. Theo đó, sẽ phải bố trí những điểm xử lý nước từ thượng nguồn và những điểm thu gom nước thải của các làng nghề, các khu vực dân sinh. Vậy nhưng bài toán khó hiện nay là nguồn lực để xử lý. Trong thời gian qua, do bối cảnh kinh tế khó khăn nên nguồn lực ngân sách chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu để xử lý môi trường.

“Không thể trông chờ vào ngân sách hay nguồn vốn ODA vì nhu cầu rất lớn. Cần phải thực hiện theo nguyên tắc ai xả thải thì người đó phải trả tiền”, Bộ trưởng Hà nói. Cũng theo ông thì khoảng 90% nước thải ra sông Nhuệ và sông Đáy là Hà Nội và khoảng 70% nước thải ra sông Châu Giang là Hà Nam. Vậy tại sao không tính phương án giao trách nhiệm cho chính địa phương xả thải?

Bàn sâu hơn về giải pháp, Bộ trưởng Hà cho rằng, các địa phương như Hà Nội, Hà Nam có thể huy động nguồn lực từ vốn ODA để xử lý môi trường. Tuy nhiên, giải pháp hay nhất vẫn là tạo chính sách để doanh nghiệp tham gia vào đầu tư xử lý nước thải. Phải làm sao để doanh nghiệp nhìn thấy lợi từ dự án và phải sửa đổi quy trình hợp tác công tư sao cho ngắn gọn, vì quy trình này hiện đang còn nhiều thủ tục dài dòng, phức tạp.

Cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân

Quan tâm đến hoạt động xả thải của các nhà máy chế biến thủy sản ra các dòng sông, ĐB Hoàng Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản đều có hệ thống xử lý chất thải khi xây dựng. Nhưng khi đưa vào vận hành thì hệ thống này có hoạt động hay không lại là chuyện khác. ĐB Tùng tỏ ra lo ngại bởi nguy cơ gây ô nhiễm các dòng sông là rất cao đặc biệt là sông Hậu ở phía Nam.

Góp ý nội dung này, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị phải nâng cao vai trò giám sát, xem xét trách nhiệm thuộc về ai. Theo ông, cần phải nâng cao vai trò giám sát của người dân đối với môi trường.

Trả lời, Bộ trường Hà khẳng định tầm quan trọng của sông Hậu đối với môi trường cả khu vực đồng bằng và cho biết sẽ lập quy hoạch tổng thể về việc khai thác sử dụng nguồn nước cho từng vùng để đưa ra những quy chuẩn môi trường theo từng vùng. “Sẽ phải rà soát đánh giá lại các doanh nghiệp cùng với công nghệ dọc trên các tuyến sông”, ông nói. Về ý kiến của ĐB Cúc, Bộ trưởng thừa nhận thực tế hiện nay người dân khó tiếp cận đầy đủ thông tin để giám sát các dự án xả thải ra môi trường như thế nào. Mặc dù luật đã quy định rõ các tổ chức cộng đồng nhân dân đều có vai trò tham gia giám sát các hoạt động có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Thường thì chỉ khi có đoàn thanh tra người dân mới có cơ hội tiếp cận thông tin mà các đoàn thanh tra môi trường cũng bị hạn chế vì mỗi năm chỉ được thanh tra 1 lần để tránh phiền nhiễu doanh nghiệp.

Để khắc phục, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể đại diện cho nhân dân.

Xem thêm
Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.