| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát: Giữ đất lúa cho muôn đời

Thứ Năm 24/11/2011 , 09:23 (GMT+7)

Quyết tâm bảo vệ đất lúa, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, đẩy mạnh SX hàng hóa, nâng cao đời sống của nông dân… là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát...

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Bộ trưởng Cao Đức Phát và 4 Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nghiêm túc

Quyết tâm bảo vệ đất lúa, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, đẩy mạnh SX hàng hóa, nâng cao đời sống của nông dân… là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong phiên trả lời chất vấn trước QH chiều qua (23/11).

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại Quốc hội

SX hàng hóa là tất yếu

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi, SX nông nghiệp thường được mùa rớt giá, dịch bệnh, thiên tai luôn xảy ra, Nhà nước đã có chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho nông dân, đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ thêm vấn đề này? ĐB Học cũng cho rằng, hiện nay nông dân đang thiếu sự tư vấn, chuyển giao, áp dụng TBKT của nhà khoa học nông nghiệp, Bộ trưởng chỉ đạo thế nào để nông dân tiếp thu được TBKT mới?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, năm 2011 Chính phủ đã có quyết định cho áp dụng thí điểm BHNN, giao Bộ Tài chính chủ trì, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các địa phương triển khai. Đây là hướng đi đúng nhằm hỗ trợ rủi ro cho nông dân. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả.

Về chuyển giao TBKT mới, Bộ trưởng thừa nhận, mặc dù các Viện thuộc Bộ có cố gắng trong nghiên cứu khoa học, nhưng còn tồn tại yếu kém trong công tác chuyển giao công nghệ. Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo hệ thống nghiên cứu bám sát hơn nhu cầu của nông dân, chuyển giao TBKT một cách nhanh nhất để người dân dễ hiểu, dễ làm.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) cho rằng, SXNN hiện rất manh mún, phân tán, Bộ NN-PTNT có giải pháp gì để có thể tích tụ ruộng đất làm hàng hóa quy mô lớn? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, hiện cả nước có trên 13,5 triệu hộ nông dân với hàng chục triệu thửa ruộng nhỏ, manh mún. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể tích tụ để SX hàng hóa được. Thực tế đã hình thành nhiều vùng SX như cà phê, lúa, thủy sản… mà điển hình ở Nam bộ đã xây dựng thành công những cánh đồng mẫu, Bắc bộ cũng đã hình thành vùng SX lúa liên kết giữa DN với nông dân…

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về quy hoạch đất trồng lúa có ổn định không, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ TN-MT quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với nội dung quy hoạch diện tích đất lúa là 3,8 triệu ha; trong đó đất chuyên sản xuất 2 vụ lúa là 3,2 triệu ha và phân bổ chỉ tiêu đất lúa cho từng địa phương. Đất lúa được quy hoạch không bao gồm đất trồng lúa nương.

 Mới đây nhất, QH cũng đã thông qua Nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, một số vùng trồng lúa có thể sẽ bị ngập, diện tích này không nằm trong số 3,8 triệu ha đất lúa đã quy hoạch.

Cũng liên quan đến nội dung bảo vệ đất lúa, trả lời về việc tại sao Việt Nam lại cứ phải "đi giữ an ninh lương thực cho thế giới", Bộ trưởng khẳng định: Cây lúa là lợi thế của nước ta, đem lại lợi ích cho người nông dân trồng lúa, không dễ gì tìm được cây khác hiệu quả hơn, đây là sự sàng lọc của lịch sử. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng lúa nước tốt nhất thế giới, không phải ngẫu nhiên mà ta là nước thứ 2 về xuất khẩu gạo dù diện tích nhỏ. “Nền nông nghiệp chỉ phát triển được khi phát huy những gì là thế mạnh của nước ta. Nên gìn giữ mảnh đất mầu mỡ ấy cho con cháu mai sau”, Bộ trưởng nói.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng một số tỉnh ĐBSCL canh tác lúa vụ 3 cho năng suất cao, nhưng đây chỉ là vụ làm thêm nên các địa phương chưa yên tâm SX và quy hoạch ổn định, theo Bộ trưởng có nên duy trì vụ lúa này? Bộ trưởng khẳng định Bộ NN-PTNT khuyến khích gieo cấy lúa vụ 3 tại ĐBSCL nhưng chỉ cấy ở chân ruộng có nhiều nước, chất lượng lúa sẽ tốt hơn. Không nên cấy vụ 3 ở nơi không có bờ bao vì rủi ro cao. Bộ đang rà soát quy hoạch lúa vụ 3 cho toàn vùng ĐBSCL.

ĐB Đồng Hữu Mạo (TT-Huế) nêu, hàng năm nước ta chịu 7-8 trận lũ lụt phải di dời hàng vạn người. Biện pháp này tốn kém song hiệu quả không cao. Được biết Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xây cho mỗi gia đình vùng lũ 1 nhà cao tầng để tránh trú, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, di dời dân tránh bão lũ chỉ là biện pháp tình thế. Cần có nhiều giải pháp khác như xây dựng cộng đồng hỗ trợ nhau, tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai. Về chủ trương làm nhà chống bão Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất. Bộ NN-PTNT ủng hộ và phối hợp với Bộ Xây dựng làm việc này.

Liên quan đến BĐKH, ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP HCM) cho rằng VN chưa xây dựng chiến lược ứng phó BĐKH một cách cụ thể. Bộ NN-PTNT có các giải pháp nào đối phó BĐKH? Bộ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT đã sớm triển khai các hoạt động ứng phó, xây dựng và ban hành khung chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành NN-PTNT, kế hoạch hành động ứng phó BĐKH. Lồng ghép, đưa yếu tố BĐKH vào chương trình củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, triển khai chương trình giảm phát thải thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng…

NTM phải cải thiện đời sống của dân

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Hoàng (Bạc Liêu) về lạm dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp và trách nhiệm, giải pháp trong vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN-PTNT hết sức chú ý và liên tục chỉ đạo việc quản lý chất lượng VTNN, sản phẩm nông nghiệp làm trọng tâm hoạt động. Bộ thường xuyên đôn đốc kiểm tra giao nhiệm vụ triển khai thực hiện tăng cường quản lý chất lượng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng công tác này phải tiếp tục đẩy mạnh hơn. Các giải pháp được Bộ đưa ra là tăng cường quản lý hóa chất từ nguồn từ nhập khẩu, chỉ cho phép hóa chất được kiểm nghiệm an toàn vào nội địa; công bố danh mục được dùng và bị cấm… Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn để quản lý SX trong nước và hiện nay đang tích cực chỉ đạo đồng loạt kiểm tra tất cả các cơ sở SXKD VTNN và phân loại A (đạt), B (sơ suất nhỏ), C (sơ suất nghiêm trọng nếu không khắc phục sẽ phải đóng cửa).

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu ý kiến cử tri băn khoăn về chương trình dạy nghề cho nông dân. Theo ĐB Hùng thì dạy nghề đang rất dở bởi “4 không” (đầu tư không đúng, không trúng, không cao, không mạnh). Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này? Bộ trưởng cho biết Bộ LĐ-TBXH đang phối hợp với Bộ NN-PTNT và các Bộ ngành cố gắng triển khai chương trình đào tạo nghề hiệu quả, chứ không hoàn toàn là “4 không” như phản ánh. Bộ NN-PTNT cũng xây dựng danh mục ngành nghề, phối hợp với tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa dạy nghề qua phát thẻ có hiệu quả.

Trả lời một số ĐB về khó thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới, Bộ trưởng cho rằng các tiêu chí đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên một số tiêu chí không sát thực tế như xây kênh bê tông ở ĐBSCL, mỗi xã không nhất thiết phải có 1 chợ… Bộ NN-PTNT sẽ đã phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát lại các tiêu chí gắn với việc tổng kết 11 mô hình điểm vào tháng 12/2011 trên cơ sở đó sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi cho phù hợp.

Nói thêm về giải pháp để giữ 3,8 triệu ha đất lúa, Bộ trưởng Bộ TN- MT Nguyễn Minh Quang cho rằng trong số 3,8 triệu ha chỉ có 3,2 triệu ha lúa hai vụ, còn lại là lúa nương (100.000 ha) và lúa một vụ (500.000 ha). Sắp tới sẽ có biện pháp khuyến khích địa phương giữ đất lúa, còn với những vùng chưa sử dụng đất trồng lúa hiệu quả thì xây dựng các phương án để tăng hiệu quả sử dụng đất..

Cũng trong phiên trả lời chất vấn, các Bộ trưởng: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ TN- MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung thêm một số nội dung liên qua tới tổng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; một số giải pháp bảo vệ đất lúa, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; các dự án cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng…

Phát biểu kết luận phiên chất vấn chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Bộ trưởng Cao Đức Phát và 4 Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn nghiêm túc và thấy được những vấn đề tồn tại cũng như đưa ra được nhiều giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện nền nông nghiệp nước nhà. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhiều năm gần đây Đảng và Nhà nước đã tăng cao đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Đây là điều rất đáng mừng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hy vọng cuộc trả lời chất vấn hôm nay và các ý kiến của các Bộ trưởng đưa ra cũng như cam kết thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên trình độ cao hơn.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bồn nước nghĩa tình cho bà con vùng hạn mặn Bạc Liêu và Cà Mau

Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Tân Á Đại Thành tiếp tục đồng hành trao tặng bồn nước và máy lọc nước cho người dân 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.