| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ TN- MT Nguyễn Minh Quang: Sử dụng đất cho ngàn đời, không thể lãng phí!

Thứ Sáu 11/11/2011 , 09:35 (GMT+7)

Làm thế nào để phát huy hiệu quả sử dụng đất? Chúng ta phải bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa ra sao khi các địa phương đẩy mạnh lấy đất phục vụ công nghiệp, đô thị? Xung quanh vấn đề này, bên lề Quốc hội, PV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN- MT Nguyễn Minh Quang.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu quan tâm đến chính sách của Chính phủ cho vùng trọng điểm lúa. Vậy để giữ trọn vẹn 3,8 triệu ha đất lúa, Chính phủ sẽ hỗ trợ các địa phương như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Mấy năm vừa qua Chính phủ liên tục dành ngân sách để hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, trợ giá sản phẩm nông nghiệp. Và mỗi năm nguồn ngân sách dành cho nông nghiệp lại tăng lên, tuy chưa đảm bảo được mục tiêu nông dân sản xuất lúa luôn có lợi nhuận trên 30% nhưng cũng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với khu vực nông nghiệp.

Việc phân bổ ngân sách cho nông nghiệp tăng như thế nào, bao nhiêu cũng còn phụ thuộc vào khả năng thu ngân sách và liên quan đến nghị quyết của Quốc hội, nhưng rõ ràng để bảo vệ đất lúa, chúng ta cần phải tập trung đầu tư cho những vùng trọng điểm lúa như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Những tỉnh chuyên lúa nên được hưởng hệ số ưu đãi đặc biệt. Đối với sản phẩm lúa gạo cũng có thể thực hiện hỗ trợ xây dựng kho bãi, hỗ trợ thu mua…

Ở Thái Lan, họ xây dựng mô hình đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, Chính phủ cũng có thể nghiên cứu các cách hỗ trợ của các nước láng giềng và trên cơ sở đó có sự chỉnh sửa cho phù hợp để áp dụng vào thực tiễn nước ta.

Các địa phương đã được phân cấp sử dụng đất và có quyền hạn nhất định trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tuy nhiên không phải quan điểm của địa phương nào cũng muốn giữ đất lúa. Vậy Bộ trưởng có cách nào để kiểm soát các địa phương không chuyển đổi đất lúa?

Tới đây Luật Đất đai sẽ sửa đổi và quy định chặt chẽ hơn về mặt thẩm quyền của các địa phương. Giao thẩm quyền quyết định cho địa phương đến mức nào, giao bao nhiêu, đối với loại đất gì cần phải có quy định cụ thể. Đồng thời cũng phải tăng cường kiểm soát của TW với các địa phương trong quản lí và sử dụng đất đai.

Về quan điểm của Chính phủ là phải giữ bằng được 3,8 triệu ha lúa. Chính phủ cũng rất chia sẻ với các địa phương vùng trọng điểm lúa, khi vừa phải giữ đất lúa vừa phải phát triển đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi khu công nghiệp… Trường hợp này, nếu sử dụng đến đất lúa cũng phải hết sức tiết kiệm.

Hiện nay đất trồng lúa hai vụ trên thực tế chỉ còn 3,2 triệu ha, còn lại là đất một lúa khoảng 500 ngàn ha và đất lúa nương. Diện tích đất một lúa năng suất rất thấp nên chủ yếu chỉ trông chờ vào 3,2 triệu ha đất hai lúa. Các địa phương phải có nhận thức đầy đủ về việc bảo vệ tài nguyên đất, sử dụng lâu dài cho ngàn đời chứ không thể lãng phí.

Chúng ta có chắc rằng việc các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa sẽ không ảnh hưởng đến diện tích 3,8 triệu ha đất lúa không, thưa Bộ trưởng?

Đất khu công nghiệp phải trong quy hoạch tổng thể, trong đó đã có quy hoạch dự phòng. Khu công nghiệp phát triển đến đâu còn tùy thuộc vào tỉ lệ lấp đầy. Hiện nay tỉ lệ lấp đầy các KCN còn thấp. Chỉ khi KCN lấp đạt trên 60% thì lúc đó mới cho phép hình thành khu mới, nên chúng ta không phải lo đến việc KCN sẽ lấn sang các quỹ đất khác.

Khu vực nông thôn cần quan tâm giữ đất lúa, còn ở khu vực đô thị chúng ta sẽ ưu tiên cho quỹ đất nào, thưa Bộ trưởng?

Đối với đô thị thì chúng ta phải hết sức ưu tiên đến quỹ đất giao thông và đất phục vụ các công trình công cộng. Tại hội trường, các đại biểu có nhắc tới quỹ đất cho văn hóa, giáo dục… thực ra quỹ đất này chúng ta đều có quy hoạch cả rồi. Ví dụ, chúng ta đã có quy hoạch khu vực dành cho các trường đại học. Việc chưa thể di chuyển vì còn liên quan đến nhiều vấn đề như vốn đầu tư và các vấn đề về xã hội chứ không phải không có quỹ đất.

Ngay các bệnh viện cũng vậy, nếu các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai mà phải di chuyển ra ngoài ngoại thành thì liệu người dân có muốn không? Đất ở khu vực đô thị có giá trị cao, để sử dụng hiệu quả chúng ta phải nghiên cứu chính sách để hài hòa các lợi ích của nhân dân, của nhà nước, của các nhà đầu tư…

Người dân mất đất phải được đền bù thỏa đáng, các dự án, các doanh nghiệp được chính quyền giao đất được đảm bảo quyền lợi, còn nhà nước sẽ tăng nguồn thu bằng thuế.

Việc các công sở đang đặt ở những vị trí đắc địa, không phát huy được lợi thế sử dụng đất, vậy Chính phủ có tính đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất ở khu vực này để tăng nguồn thu ngân sách?

Tại các tỉnh, vấn đề lợi thế của đất trong kinh doanh chưa lớn nên di chuyển là không cần thiết. Tuy nhiên, tại khu vực đô thị lớn như Hà Nội chẳng hạn, Chính phủ cũng đã có chủ trương di dời Bộ Xây dựng, Bộ GT-VT ra ngoài để quỹ đất đó sử dụng vào mục đích khác.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.